Cư dân nhà cổ Hà Nội sống trong lo sợ

Gần 4 tháng qua, gia đình bà Đỗ Thị Hiền, số 119 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sống trong sợ hãi do nhà liền kề số 121-123 đang tiến hành xây dựng, làm căn nhà của bà bị nứt, vỡ....

 

Nơm nớp sợ hãi


Chỉ ngay vào vết bục ở tường, mảnh ván, vữa trần nhà rơi và cả những vết nứt dọc nhà, bà Hiền cho biết: “Lần đầu tiên là vào 2 giờ sáng 17/1/2013, khi cả nhà đang ngủ thì một mảng trần tầng 1 đổ sập xuống ngay gần giường cụ già gần 80 tuổi (chị chồng bà Hiền). Sau đó là 2 trong 4 đầu đao cổ nứt vỡ, rơi xuống… Gần đây nhất là ngày 27/2, các lớp nhựa ốp trần tiếp tục rơi xuống ngày một nhiều hơn, tường nhà có vết nứt lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và an toàn của những người sống trong nhà”.


 

Bà Hiền chỉ vào tường bị bục do tác động của xây dựng kề bên.

 

Hiện tại trong căn nhà cổ 119 Hàng Bạc có tới 4 hộ đang sinh sống với 9 nhân khẩu; trong đó có 5 người già và 2 trẻ em. Bà Hiền lo lắng chia sẻ: “Gia đình chúng tôi 3 thế hệ đều ở đây, thế nhưng nay lại phải sống trong thấp thỏm lo sợ không biết nhà sẽ đổ sập bất cứ lúc nào. Tình trạng này không chỉ liên quan đến tài sản mà còn là vấn đề tính mạng của cả gia đình”.


Nhà bà Hiền được Ban quản lý phố cổ xếp vào dạng nhà cổ truyền thống. Do xây dựng hơn 100 năm theo kiểu cũ nên tường đã cũ và gạch mủn. Trước đây cả ba nhà 119-121-123 thuộc cùng một khối nhà và xây chung tường 10 cm (hay còn gọi là tường con kiến), dầm gối vào tường của nhau. “Do thăng trầm lịch sử nên 2 nhà kia bán qua tay vài chủ và đã sửa chữa nên không được xếp vào nhà cổ. Nay họ đập đi xây mới ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà tôi. Vì tường không có trụ đỡ và chịu tác động từ hoạt động phá dỡ và xây dựng từ nhà kế bên, nhất là khi họ tiến hành khoan cọc nhồi, nên tường nhà xuất hiện vết nứt dọc. Tôi không biết nhà tôi sẽ trụ lại được bao lâu nữa”, bà Hiền kể.


Bà Hiền cho biết: “Trước khi nhà 121-123 Hàng Bạc xây dựng, có một số cán bộ trên quận và phường đến xin chụp ảnh với lý do bảo tồn nhà cổ, sau đó chủ nhà 121 đến xin chữ ký để cải tạo. Vì nể tình hàng xóm tôi ký vào giấy tờ đó nhưng ai ngờ đó là giấy tờ xin phép xây dựng nhà mới khiến tôi tá hỏa vì thấy mình bị lừa”.
Hiện nay, theo yêu cầu của phường Hàng Bạc, công trình 121-123 phố Hàng Bạc tạm dừng thi công đề hòa giải. Cuộc gặp mặt giữa hai bên gần đây nhất là vào ngày 14/3 với sự tham gia của đại diện khu phố, nhưng vẫn chưa đi đến giải pháp cụ thể nào. Từ khi công trình xây dựng ngừng thi công, căn nhà của bà không còn xuất hiện thêm vết nứt, điều đó cho thấy tác động của việc xây dựng của nhà kế bên ảnh hưởng lớn như thế nào đối với nhà của bà.

 

Ai chịu trách nhiệm bảo vệ nhà cổ?


Ngôi nhà số 119 Hàng Bạc được xếp hạng nhà cổ với mẫu kiến trúc nhà ống đặc trưng với phía ngoài là bán hàng, trong là nơi sinh hoạt, thờ tự. Nhà chỉ có mặt tiền rộng 2,4m, sâu khoảng 50m với 3 thế hệ sinh sống. Do nhà cổ xây lâu và xuống cấp cùng với thời gian nên gia đình bà Hiền phải dùng nhựa ốp vào những phần trần nhà và tường để tạm thời khắc phục tình trạng trên. Bà Hiền cho biết: “Cả dãy phố Hàng Bạc này có 3 nhà cổ xếp hạng di tích kiến trúc là nhà số 119, số 47, số 51. Trong đó duy nhất có nhà số 51 đã được dự án của Pháp đầu tư và làm lại vào khoảng năm 2000. Nhà 47 bị cháy một lần vẫn để nguyên, sửa chữa nhỏ tầm thời. Những người sống trong nhà cổ như chúng tôi cũng rất muốn sửa chữa, nâng cấp để sống đàng hoàng hơn nhưng không ai cho sửa chữa vì toàn bị vướng vào nhà cổ cần bảo vệ. Họ yêu cầu chúng tôi bảo vệ nhà cổ, nhưng không cấp kinh phí hay một hoạt động hỗ trợ nào, nay lại cho đào hầm, xây dựng tòa nhà hiện đại kế bên làm nứt hết cả nhà cổ, gần như trực tiếp phá hủy sự bảo tồn đó. Đây là sự tắc trách của ngành chức năng khi phê duyệt dự án xây dựng không tính đến bảo tồn nhà cổ bên cạnh. Bây giờ bàn ăn chúng tôi cũng không dám ngồi nữa rồi, sợ nó rơi xuống lúc nào không biết, đi qua cũng phải né vì không biết nó sập lúc nào, trời mưa thì dột tung toé”.


Bà Hiền cũng thông tin thêm, theo điều lệ quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ hiện hành, chủ nhân của các ngôi nhà cổ không được phép tự ý xây dựng, cơi nới kết cấu nhà nếu chưa có sự thông qua của cơ quan quản lý di sản.


Đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Ngôi nhà cổ 119 Hàng Bạc nằm trong cụm 1.081 ngôi nhà cổ được thành phố Hà Nội đưa vào danh sách những ngôi nhà ở có giá trị đặc biệt cần bảo vệ theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng năm 1998. Tuy nhiên, vẫn chưa có một chuẩn về việc sắp xếp mức độ cần bảo vệ. Bởi vậy, chưa thể có một quy chế hỗ trợ bảo tồn. Gần đây, trong quá trình dự thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội triển khai nghiên cứu từ năm 2011 đến nay, BQL đã có đợt điều tra, khảo sát kỹ lưỡng hơn để đánh giá lại tình trạng của các ngôi nhà cổ, hiện giờ chỉ còn lại khoảng 550 căn nhà cổ bao gồm 215 công trình có giá trị đặc biệt và 335 công trình có giá trị.


Vậy là trong khi đợi đến lúc có phương án hỗ trợ thì những người sinh sống tại những ngôi nhà cổ vẫn sẽ phải tự bảo vệ mình!


Bài và ảnh: Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN