Có thể tham gia giao thông khi có giấy hẹn lấy bằng lái xe không?

Anh Nguyễn Văn Thanh (Thái Bình) hỏi: Tôi dự lớp đào tạo cấp giấy phép lái xe mô tô và đã trải qua kỳ thi sát hạch, tuy nhiên chưa nhận được giấy phép lái xe ngay mà chỉ được cấp giấy hẹn. Xin hỏi, trong thời gian đợi lấy giấy phép lái xe, khi tôi tham gia giao thông, cảnh sát giao thông có quyền phạt tôi lỗi không có giấy phép lái xe hay không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi điều khiển phương tiện, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe với người điều khiển xe cơ giới (tùy theo loại xe mà mang theo Giấy phép lái xe hạng tương ứng);

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Nếu dùng giấy hẹn cấp giấy phép lái xe để tham gia giao thông thì vẫn bị xử phạt. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Như vậy, với quy định trên, việc mang bản chính Giấy phép lái xe (thường gọi là bằng lái) khi điều khiển xe cơ giới là bắt buộc. Ngoài bản chính, pháp luật không công nhận bất kỳ hình thức nào khác của giấy phép lái xe. 

Khi được người có thẩm quyền yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe mà người điều khiển không xuất trình được bản chính mà chỉ đưa hồ sơ lái xe và/hoặc bản sao công chứng, chứng thực của giấy phép lái xe, biên nhận cấp phó bản giấy phép lái xe thì vẫn được xác định là không mang giấy phép lái xe và bị xử phạt theo quy định.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu không có Giấy phép lái xe (bằng lái xe) thì bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5, Điểm c Khoản 7 Điều này.

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa; Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 6 (sáu) tháng trở lên; Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa; Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia.

PV/Báo Tin Tức
Đối tượng nào được đổi giấy phép lái xe?
Đối tượng nào được đổi giấy phép lái xe?

Anh Phạm Trung Thành (Quảng Nam) hỏi: Tôi thi lấy giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1 vào tháng 4/2016. Tuy nhiên, khi nhận GPLX, tôi phát hiện bị sai tên. Tôi muốn đổi lại GPLX có được không? Những trường hợp nào được đổi GPLX và thủ tục như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN