Cơ hội hợp thức cát lậu

Trong tháng 5 vừa qua, TTXVN có bài phản ánh về tình trạng chậm triển khai việc đấu giá quyền khai thác cát trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tạo cơ hội "vàng" cho nạn khai thác cát lậu hoành hành. Giá cát tăng từng ngày ở khu vực Bắc Tây Nguyên (gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, trong đó Kon Tum là địa phương cung cấp cát cho cả thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai). Ngay khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền thành phố Kon Tum nghiên cứu đối sách để ngăn chặn tình trạng trên. Tuy nhiên đến nay tất cả chỉ dừng lại ở mức “chữa cháy ”.


Chặn từ… ngọn


Ngày 18/6, tại Sở Công Thương đại diện ngành quản lý thị trường, thuế, cảnh sát giao thông và UBND thành phố Kon Tum đã họp bàn triển khai thực hiện kiểm tra hoạt động vận chuyển, kinh doanh cát, đá, sỏi theo chỉ đạo của UBND tỉnh (tại công văn 1158/UBND-KTN ngày 15/5 và 1365/UBND-KTN ngày 9/6). Theo đó, sẽ có một trạm liên ngành gồm các thành viên các cơ quan trên túc trực tại Trạm Sao Mai để kiểm tra các hoạt động kinh doanh cát, đá, sỏi không hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc hợp pháp (nhưng UBND tỉnh không có quyết định thành lập đoàn hay trạm). Trong đó, Chi cục Thuế thành phố Kon Tum sẽ dùng ấn chỉ của ngành mình lập biên bản, xử lý đối với các hành vi vi phạm (nếu có)….

 

Khai thác cát trên dòng Đắkla.


Việc ra đời trạm liên ngành trên cho thấy quyết tâm của sở, ban, ngành và chính quyền thành phố Kon Tum trong việc ngăn chặn khai thác cát lậu chỉ dừng lại ở… phần ngọn. Việc trạm liên ngành đặt ở khu vực Sao Mai (cuối thành phố Kon Tum, địa điểm giáp ranh với tỉnh Gia Lai) thực sự chỉ nhằm mục đích ngăn không cho cát ra khỏi địa bàn tỉnh. Còn trong nội tỉnh thì… ngoài vùng kiểm soát. “Chúng ta mới chỉ kiểm soát đoạn đi Gia Lai thôi” - một thành viên trong trạm thừa nhận.


Trong khi đó, do đặt trạm ở khu vực Sao Mai nên mọi hoạt động khai thác cát ở gốc gần như phó mặc cho chính quyền địa phương. Mặc dù trước đó để ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu, thành phố Kon Tum đã trích 45 triệu đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho 5 xã, phường là điểm nóng khai thác cát để ngăn chặn tình trạng trên nhưng thực tế hiệu quả không cao. Theo thống kê (từ 23/6 đến nay), trạm đã phát hiện 152 phương tiện chở cát về Gia Lai nhưng không có chứng từ hóa đơn hợp lệ với tổng khối lượng gần 1.500 m3. Riêng cát tiêu thụ trong địa bàn Kon Tum không kiểm tra nên chưa thể thống kê.

 

Ông Hồ Văn Đà, Phó Chủ tịch UBND thành phố thừa nhận tình trạng khai thác cát lậu vẫn lén lút diễn ở một số địa phương trong thành phố
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát không thể kiểm tra hết đồng loạt các xe qua trạm vì không có căn cứ pháp lý nên việc dừng đồng loạt một lúc tất cả các phương tiện kinh doanh, vận chuyển cát, đá, sỏi dễ gây ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ… Chính vì vậy mà số xe chở vật liệu “lách” trạm cũng không kể hết.


Phạt “lấy lệ”


Cũng vì không có quyết định thành lập trạm chính thức từ UBND tỉnh nên hoạt động của trạm cũng chẳng giống ai. Công an dừng xe, lực lượng chức năng thì lập biên bản xử phạt. Không ai là “chủ” của trạm nên khi phát hiện sai phạm không có quyết định tịch thu hay tạm giữ phương tiện, vật liệu nào đưa ra. Trạm không có mặt bằng nên không thể tạm giữ phương tiện, tang vật được. Gần như nhiệm vụ của trạm là cố gắng “truy thu” tiền thất thoát từ việc khai thác cát lậu là chính.


Kết quả kiểm tra 381 xe từ ngày 23/6 đến ngày 7/7/2014: có 152 xe vi phạm với khối lượng gần 1.500 m3 với tổng số tiền thu phạt được hơn 33 triệu đồng, nhưng không một phương tiện hay tang vật nào bị thu giữ. Chỉ cần xe vi phạm nộp đủ tiền phạt (nếu chia bình quân mỗi xe bị phạt khoảng 200.000 đồng, chưa bằng giá thành một mét khối cát bán tại Gia Lai) là có thể được “thông quan” để tiếp tục di chuyển. Trong khi đó, lãnh đạo một thành viên có trong trạm liên ngành thẳng thắn thừa nhận, cát không phải hàng cấm. Cấm là khai thác tại bãi, còn lưu thông nếu không giấy tờ hợp lệ sẽ bị truy thu.


Một thành viên khác trong trạm cũng cho biết: "Lúc đầu triển khai trạm chưa chuẩn bị kỹ bến bãi nên khó khăn cho đơn vị kiểm soát. Chính vì vậy, trong thời gian qua trạm chủ yếu truy thu thuế và xử phạt hành chính. Đúng ra phải giữ phương tiện để xác minh nguồn gốc tang vật nhưng vì bến bãi không có, giữ lại ảnh hưởng đến an toàn giao thông" .


Hiện tỉnh Kon Tum có 2 điểm khai thác cát hợp pháp, trong đó địa bàn thành phố Kon Tum chỉ có Công ty TNHH MTV Nguyên Hưng được phép khai thác cát ở xã Ngọc Bay với công suất 30.000 m3/năm. Nhưng chỉ 1 tuần, lượng cát vận chuyển về Gia Lai có giấy phép, được kiểm tra đã hơn 3.500 m3 (không thể thống kê xe “lách” trạm cũng như xe vận chuyển, tiêu thụ trong thành phố và các địa phương lân cận). Số xe bị phát hiện sai phạm chủ yếu tập trung ở 3 ngày từ 23 - 25/6, sau đó rất ít. Liệu có hay không tình trạng xuất hóa đơn khống để hợp thức hoá giấy tờ cho việc vận chuyển cát xây dựng trên địa bàn thành phố Kon Tum?


Cuối năm 2013 tỉnh Kon Tum, địa phương cung cấp cát xây dựng chính cho Kon Tum và thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai đã ngưng cấp 18/20 giấy phép khai thác cát trên địa bàn để thực hiện Luật Khoáng sản và Nghị định 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Chính vì vậy, thời gian qua giá cát trên địa bàn khu vực Bắc Tây Nguyên liên tục tăng. Giá bán tại bãi chỉ gần 50.000 đồng/m3 nhưng khi về đến Gia Lai có giá gần 250.000 đồng/m3. Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum đã bán được 59 bộ hồ sơ dự thầu đấu giá quyền khai thác cát. Dự kiến trong tháng 9 sẽ tiến hành đấu giá.

 

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Triệt xóa điểm khai thác cát lậu sông Đồng Nai
Triệt xóa điểm khai thác cát lậu sông Đồng Nai

Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang 2 ghe đang bơm cát lậu rầm rộ trên sông Đồng Nai vào rạng sáng 26/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN