Chủ quan với thang máy - coi chừng mất mạng

Theo các chuyên gia Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực I, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, hàng loạt vụ tai nạn thang máy thương tâm xảy ra gần đây là do hai nguyên nhân: công tác vận hành, quản lý, bảo trì thang máy còn kém và ý thức của người sử dụng.

Nhiều tai nạn thương tâm

Thảm khốc nhất là vụ tai nạn làm nạn nhân cụt đầu, xảy ra ngày 11/9/2011 tại phường 13, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân tai nạn là nhân viên bảo trì thang máy không tuân thủ các nguyên tắc làm việc trong quá trình bảo trì. Khi nhân viên này chui đầu vào ống thang máy để kiểm tra thì bất ngờ thang máy từ phía trên dập xuống.

Hiện trường một vụ tai nạn thang máy.

Đúng 10 ngày sau (21/9), một vụ tai nạn thang máy thương tâm khác xảy ra tại chung cư CT13, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo cán bộ Trung tâm Kiểm định an toàn khu vực I, nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do công tác cứu hộ không chuyên nghiệp. Theo đó, khi tòa nhà mất điện, thang máy dừng giữa chừng và người sử dụng bị mắc kẹt trong cabin. Theo quy trình cứu hộ, nhân viên trực thang máy phải cho cabin tiếp cận mặt bằng của tầng mới được giải thoát cho người bị kẹt. Tuy nhiên, trong khi thang máy vẫn lơ lửng cách nền tầng hơn 1 m, nhân viên đã mở cửa cabin cho người bị kẹt nhảy ra. Do không có kinh nghiệm và chưa được hướng dẫn trước nên khi người trong thang máy nhảy ra, đã rơi tọt vào khoảng hẫng và rơi xuống tầng 1, tử vong.

Một trường hợp tai nạn khác, dù không tử vong nhưng nạn nhân vẫn bị tháo khớp đùi. Nạn nhân cùng các bạn đi vào thang máy, vì đi sau, cửa cabin bỗng đóng sập lại khiến 1 chân của nạn nhân bị kẹp ngoài cửa. Trong khi mọi người loay hoay xử lý thì thang máy bất ngờ chạy và tai nạn xảy ra… “Trường hợp này, nhiều khả năng do nhân viên bảo trì thang máy đấu tắt làm các thiết bị tiếp điểm mất tác dụng, thông thường mỗi tiếp điểm được bảo vệ bởi 1 cầu trì tự ngắt. Khi tiếp điểm không khít (ví dụ cửa cabin chưa đóng kín), thang máy chưa chạy!”, ông Nguyễn Việt Phương, Trưởng phòng Kiểm định thiết bị nâng - thang máy, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực I phân tích.

Bên cạnh các tai nạn thảm khốc trên, còn vô số các sự cố khiến người sử dụng hoảng hồn. Ngày 15/11, chị Nguyễn Thị Hòa, nhân viên Công ty thương mại - dịch vụ Tân Phương, đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM vừa bước vào thang máy, bấm nút lên tầng 6, thang máy giật mạnh và lên đến tầng 5 thì dừng lại và nhốt chị suốt 15 phút trong tòa nhà bảy tầng của Công ty Xây dựng Tường Phong. Trường hợp của chị Hòa lại may mắn hơn vị khách du lịch nước ngoài tại khách sạn Quang Vinh, thành phố Nha Trang, kẹt trong thang máy rơi từ tầng 7 xuống khiến vị này gãy chân hoặc trường hợp thang máy ở cao ốc An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM) rơi tự do khiến 13 người bị thương nặng phải đi cấp cứu…

Có khoảng trống trong kiểm định an toàn thang máy?

Ông Nguyễn Việt Phương cho rằng, các tai nạn do thang máy xảy ra từ trước đến nay phần lớn là do lỗi của người vận hành, quản lý thang máy và lỗi do người bảo trì thiếu trách nhiệm. Còn sự cố thang máy do kém chất lượng để xảy ra tai nạn chết người thì chưa có.

Về lỗi của người vận hành, quản lý là khi thang máy bất ngờ xảy ra sự cố, người trực thang máy đã không nắm rõ hoặc không tuân thủ nghiêm quy trình cứu hộ để đảm bảo an toàn tính mạng cho các đối tượng bị mắc kẹt, xử lý sự cố một cách hiệu quả. Chính sự thiếu hiểu biết trong cứu hộ đã dẫn đến các tai nạn đáng tiếc nói trên.

Nhiều trường hợp xảy ra cũng do lỗi của người bảo trì. Ví dụ khi các bo mạch điều khiển hệ thống hay cầu trì bảo vệ tiếp điểm của thang máy hư hỏng cần phải thay thế thì nhân viên lại sửa tạm, đấu tắt khiến các thiết bị này mất tác dụng điều khiển, phanh bảo hiểm để chống quá tải, chống vượt tốc, chống rơi cabin... Trong trường hợp thang máy bị đứt cáp, mất điện đột ngột, hệ thống hãm bảo hiểm đúng tiêu chuẩn sẽ hoạt động và kẹp cabin tại chỗ không để cabin rơi tự do.

Tuy nhiên, điều ông Phương quan ngại nhất hiện nay là việc các công ty tư nhân cũng được cấp phép kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy. Mặc dù điều kiện thành lập các công ty kiểm định kỹ thuật thang máy đặt ra nghiêm ngặt, nhưng không có cơ quan nào giám sát việc công ty kiểm định đó có đủ năng lực, kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp trong việc kiểm định thiết bị quan trọng này hay không. Do đó, rất có thể nhiều thiết bị kém chất lượng cũng bị “lọt lưới”. “Năm 2011, trung tâm chúng tôi kiểm định 1.200 thang máy từ địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trở ra các tỉnh phía Bắc. Chúng tôi đã kiên quyết từ chối cấp giấy phép kiểm định an toàn đối với rất nhiều thang máy không đảm bảo chất lượng. Sau đó, không thấy các chủ đầu tư gọi kiểm định lại. Chúng tôi không biết họ phải thay thế thiết bị đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hay mời công ty kiểm định khác để được hoạt động”, ông Phương nói.

Ông Lê Văn Thịnh, Trưởng phòng Giám định I, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đồng tình và cho rằng, về các văn bản quản lý nhà nước về chất lượng trong việc đầu tư, lắp đặt thang máy rất đủ và chặt chẽ. Tuy nhiên, công tác triển khai thì đang có vấn đề. “Ví như chuyện, cho cả các công ty tư nhân thực hiện chức năng kiểm định an toàn kỹ thuật thang máy. Không phải tất cả các công ty kiểm định tư nhân đều không đảm bảo chất lượng song khó tránh khỏi tình trạng vì lý do này khác mà có công ty phải chấp nhận kiểm định an toàn kỹ thuật thang máy theo ý muốn của chủ đầu tư…”, ông Thịnh lo ngại.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN