Chống buôn lậu, gian lận thương mại mùa Tết

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và Chi cục quản lý thị trường đã ký bản thỏa thuận cam kết về việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại với 18 đơn vị gồm các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tại hội nghị "Phòng, chống kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ môi trường, giảm sử dụng túi ni lông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" tổ chức ngày 14/12, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch, yêu cầu các sở ngành và chính quyền địa phương 24 quận - huyện phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, trong 11 tháng năm 2016, lực lượng chức năng đã xử lý 4.482 vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và sở hữu trí tuệ, giá và đầu cơ găm hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, số vụ vi phạm mà đơn vị này đã kiểm tra và xử lý tăng 47,54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhiều nhất có 1.630 vụ vi phạm về hàng nhập lậu, 731 vụ vi phạm trong kinh doanh và 662 vụ vi phạm hàng giả và sở hữu trí tuệ...

Hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết sản phẩm nấm linh chi thật tại hội thảo. Ảnh: An Hiếu /TTXVN

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra và phát hiện 1.498 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và kho hàng buôn bán chứa trữ hàng nhập lậu, hàng không có chứng từ hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, còn có 587 vụ sản xuất, buôn bán, chứa trữ hàng giả mạo nhãn hiệu tại các trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng kinh doanh.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, để hơn 10 triệu dân thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận tiếp cận được nguồn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, chính quyền thành phố cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát hàng gian, hàng giả và hàng nhập lậu. Hiện nay, thị trường thành phố vẫn còn tồn tại những vấn nạn này, gây hệ lụy lớn đối với xã hội, vì không chỉ ảnh hưởng về sức khỏe, tài chính, mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời, tác động không nhỏ đến tính minh bạch thị trường, tính bền vững của quá trình sản xuất và tiêu dùng.

Nhằm triển khai việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh đã xây dựng phương án phối hợp với lực lượng hải quan kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý theo người nhập cảnh. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển, khu vực cửa khẩu; đặc biệt là những tuyến phao, neo đậu, bốc dở hàng trên sông...

Đối với các cảng hàng không dân dụng, tuyến đường bộ, đường sắt... các lực lượng chức năng của thành phố sẽ đẩy mạnh kiểm tra tập trung nhóm hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán. Song song đó, tăng cường giám sát đối với những nhóm hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết như hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống... Trong đó, Cục Hải quan thành phố cần cảnh giác đấu tranh với hiện tượng lợi dụng hệ thống thông quan tự động để khai báo không đúng thông tin hàng hóa nhằm mục đích qua hệ thống phân luồng xanh.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng liên ngành, vai trò của chính quyền địa phương thuộc 24 quận - huyện trên địa bàn thành phố là rất quan trọng trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Việc kiểm tra và xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường rất khó khăn và gặp nhiều thách thức trong giám sát, kiểm soát những địa điểm chứa trữ, kho hàng hóa nhập lậu, hàng giả...

Trước đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát tại chợ truyền thống, cửa hàng, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống... nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và gian lận thương mại; trong đó, công an phường, xã, thị trấn rà soát nắm chắc tình trạng chứa trữ, trung chuyển hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa phương. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán lấn chiếm lòng đường, hè phố.

Nhằm triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, Sở Công Thương và Chi cục quản lý thị trường đã ký bản thỏa thuận cam kết về việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố với 18 đơn vị gồm các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Mỹ Phương (TTXVN)
Hoàn thiện khung khổ pháp lý để chống hàng giả, hàng nhái
Hoàn thiện khung khổ pháp lý để chống hàng giả, hàng nhái

Ngày 30/11, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến dự, phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội, do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN