'Chôm chỉa' phần mềm giảm, nhưng vẫn 'nóng'

Theo đánh giá của ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2012, việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực bản quyền phần mềm máy tính đã có những khởi sắc, số vụ vi phạm, số doanh nghiệp kinh doanh máy tính có vi phạm về việc cài đặt những phần mềm chưa có bản quyền trên các máy tính của mình đều có xu hướng giảm.


Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Phúc cho biết, vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm hiện vẫn còn khá "nóng", đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn của các cơ quan chức năng trong năm 2013 mới có thể “hạ nhiệt”.

 

Kiểm tra đâu cũng thấy vi phạm


Trao đổi với phóng viên Tin tức, ông Phạm Xuân Phúc đưa ra những con số thống kê khá chi tiết của năm 2012. Theo đó, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra và kiểm tra đột xuất tại 87 doanh nghiệp, với 3.842 máy tính. Hầu hết trong số các doanh nghiệp được kiểm tra đều có sai phạm với những mức độ khác nhau trong việc sử dụng phần mềm máy tính không được sự cho phép của chủ sở hữu.


Thanh tra Bộ đã xử phạt với tổng số tiền trên 1,58 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp ký hợp đồng mua bản quyền các phần mềm mà họ hiện đang sử dụng “chùa”. Theo ông Phạm Xuân Phúc, sau đó đa số các doanh nghiệp này đã mua bản quyền với tổng số tiền là 1,775 triệu USD (khoảng hơn 35 tỷ đồng).
 

Thanh tra tại Công ty TNHH PRICEMATE Vietnam.

 

Cũng theo ông Phạm Xuân Phúc, trong tổng số các vụ vi phạm này, có tới hơn 80% là vi phạm của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Đây thật sự là một điều đáng giật mình.


Mới đây nhất, trong tháng 12, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 4 doanh nghiệp lớn, 100% vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, đã phát hiện 561 phần mềm không có bản quyền được cài đặt trong 321 máy tính.


Các phần mềm vi phạm chủ yếu là: Microsoft Windows, Microsoft Office, Microsoft SQL Server. Phần mềm từ điển LacViet MTD của Việt Nam cũng bị vi phạm với số lượng khá lớn. Ngoài ra, lực lượng thanh tra còn tìm thấy nhiều phần mềm chuyên ngành như Adobe Acrobat, Adobe Photoshop CS2 và AutoCAD (phần mềm chuyên dụng về thiết kế phổ biến). Ước tính số lượng phần mềm vi phạm trên có giá trị gần 4 tỷ đồng


Ông Phạm Xuân Phúc đánh giá: “Điều đáng lên án là trong số những công ty bị thanh tra, có những doanh nghiệp rất lớn, có tiềm lực mạnh về tài chính nhưng họ vẫn cố tình trốn tránh việc mua phần mềm có bản quyền. Là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100%, họ hiểu rất rõ về Luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình vi phạm, sử dụng bất hợp pháp “tài sản trí tuệ” của người khác cho mục đích vận hành kinh doanh của doanh nghiệp mình”.


Cũng theo ông Phúc, những doanh nghiệp Nhật Bản là doanh nghiệp chấp hành tốt nhất việc sử dụng phần mềm có bản quyền.

 

Cần tiếp tục "cuộc chiến"


Trong một hội thảo cập nhật về Bản quyền phần mềm, TS Vũ Mạnh Chu, nguyên Cục trưởng, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (COV), đã nhấn mạnh: “Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể bị xử lý hình sự. Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật Sở hữu trí tuệ, và/hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành vi vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí theo các Điều 202, 204, 205, Luật SHTT. 


Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền sở hữu trí tuệ, do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra”. Đồng thời, những doanh nghiệp có xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế sẽ đối mặt với việc bị tước quyền xuất khẩu sang nước đó. Năm 2013, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm; đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các doanh nghiệp nắm được và thực thi tốt hơn" - ông Phạm Xuân Phúc nhấn mạnh.


Cũng theo ông Phúc, trong cuộc đấu tranh chống việc vi phạm bản quyền này, rất cần sự vào cuộc của chủ sở hữu các phần mềm trong việc phối hợp tổ chức tuyên truyền cho các doanh nghiệp. Được biết, trong những năm gần đây, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp chặt chẽ với Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA, các công ty phần mềm trong nước và quốc tế như Lạc Việt, BKAV, Microsoft, Autodesk để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Bên cạnh đó, Chương trình Hợp tác bảo vệ bản quyền phần mềm còn có các hình thức khen thưởng các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc, các nhà sản xuất phần mềm cũng đưa ra chương trình tư vấn để các doanh nghiệp đầu cuối có thể sử dụng phần mềm hiệu quả và tiết kiệm nhất.



T.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN