“Cát tặc” trên sông Cầu

Từ thông tin của người dân thôn Nà Choọng, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) về việc khai thác cát trái phép trên dòng sông Cầu đoạn chảy qua xã Quảng Chu, làm ảnh hưởng đến đất sản xuất của nhân dân, chúng tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu về vấn đề này và được chứng kiến một tàu cuốc loại lớn đang hút cát và có một số tàu trong trạng thái neo đậu tại khu vực này.

Từ Quốc lộ 3, qua cầu Chợ Mới, tiếp giáp với tỉnh Thái Nguyên vào trung tâm xã Quảng Chu chừng 7km, trên đoạn sông Cầu dài chừng 3km có 6 tàu cuốc (tàu có gầu múc chạy theo băng tải), trong số này có một tàu đang hút cát. Dọc theo tuyến sông này có một số bãi tập kết cát. Tại các bãi này cũng có băng tải được công nhân điều khiển, đưa cát thẳng vào thùng xe. Đứng tại một bãi khai thác cát nhìn sang phía bên kia sông, thuộc đất trồng ngô của người dân thôn Nà Choọng, một phần đã bị sạt lở xuống dòng sông Cầu.


Cát tặc vẫn hoành hành trên sông Cầu. Nguồn Internet.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Chung, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Quảng Chu cho biết: Trước đây trên địa bàn xã, có HTX Thống Nhất được cấp phép khai thác cát, sỏi, tuy nhiên đến tháng 9/2011, giấy phép này đã hết thời hạn. HTX này đã làm thủ tục xin phép được tiếp tục khai thác cát, nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp. Mọi hoạt động khai thác cát trái phép tại địa phương trong thời gian vừa qua đã được chính quyền nhắc nhở bằng văn bản đối với một số tàu cuốc là người địa phương. Việc hút cát có ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, nhưng chưa nhiều.

Được biết đối với loại tàu cuốc này, trung bình khai thác được từ 15 đến 20m3 cát/ngày với giá thị trường tại huyện Chợ Mới dao động từ 120.000 đến 140.000 đồng/m3. Như vậy, mỗi ngày một tàu cuốc có thể kiếm được gần 2 triệu đồng từ việc múc cát dưới sông, hơn nữa tàu cuốc đã được lắp băng tải nên có thể trực tiếp đổ thẳng vào ben xe ôtô, không cần nhiều nhân lực.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Mới cho biết: Việc khai thác cát, sỏi trái phép tại xã Quảng Chu, Phòng cũng đã có văn bản đề nghị xã xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời cán bộ Phòng cũng thường xuyên kiểm tra các hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện. Cái khó hiện nay đối với “cát tặc” tại xã Quảng Chu là họ không hoạt động thường xuyên, nên khó bắt và xử lý. Ngoài việc khai thác bằng tàu, người dân địa phương còn khai thác trên phần đất soi bãi ven sông của gia đình họ. “Cát tặc” cũng có cảnh báo từ xa, khi lực lượng đến, máy đã ngừng hoạt động và được để trên đất của gia đình họ, đó cũng là một cái khó trong xử lý. Hơn nữa, trên địa bàn xã Quảng Chu nói riêng, huyện Chợ Mới nói chung, nhu cầu dùng cát để xây dựng là rất lớn, việc ngăn chặn có thể gây ảnh hưởng đến việc xây dựng tại địa phương.

Cũng theo ông Sơn, thì việc cấp phép khai thác cát sỏi là cần thiết, nhưng không nên cấp mỏ khai thác cát mà chỉ nên cấp điểm khai thác cát. Về phương án khai thác, chỉ nên cho dùng máy hút cát bằng sên hút, không cho sử dụng tàu cuốc thì sẽ không gây sạt lở đất hai bên bờ sông, vì loại sên hút chỉ hút được sâu nhất khoảng 2m, khi mùa lũ đến thì lại được lấp lại, còn tàu cuốc thì múc sâu cả chục mét, việc sạt lở là điều khó tránh khỏi.

Việc khai thác cát, sỏi trái phép tại xã Quảng Chu ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân là có, còn biện pháp ngăn chặn và những giải pháp khả thi cho vấn đề này cần câu trả lời của các cơ quan, đơn vị chức năng.


NT-VL
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN