Cần sớm xử lý việc xây dựng trái phép ở Vườn Quốc gia Ba Bể

Hiện nay, khu vực vùng lõi, vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Bể đang xảy ra nhiều trường hợp mua bán, xây dựng nhà trái phép. Các vụ việc này sau khi được phát hiện đã bị đình chỉ thi công.

UBND tỉnh Bắc Kạn đã có công văn số 4549 ngày 19/10/2016 yêu cầu các cấp, ngành chức năng của huyện Ba Bể khẩn trương giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép tại thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, khu vực thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể.

Tuy nhiên, đến nay đã gần 9 tháng, việc xử lý xây dựng 8 ngôi nhà sai quy định trong khu vực này vẫn chưa được thực thi. Những ngôi nhà xây dựng trái phép này là của gia đình ông Nguyễn Văn Viện ở tiểu khu 4 thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể. Nhà được xây dựng ngay cạnh tuyến đường độc đạo đến thôn Cốc Tộc và cách trụ sở UBND xã Nam Mẫu không xa.

Việc xây dựng trái phép này đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng không được chính quyền và cơ quan chức năng ngăn chặn từ khi khởi công xây dựng. Theo ông Nguyễn Văn Viện, năm 2015 sau khi được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có 200 m đất thổ cư. Tháng 12/2015, gia đình đã tiến hành xây dựng các căn nhà tại đây.

Việc xây dựng diễn ra ban ngày, không hề lén lút. Thế nhưng, khi đầu tư xây dựng, do không hiểu biết về pháp luật, việc xây dựng của gia đình vẫn diễn ra bình thường và không hề bị ngăn chặn. Chỉ khi bắt đầu đổ móng, cột, vào khoảng tháng 9/2016, việc xây dựng của gia đình ông mới bị các cơ quan chức năng đình chỉ thi công và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ xây dựng.

Cũng theo ông Viện, do đây là khu vực đất nông thôn, giáp danh với vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Bể nên không chỉ những ngôi nhà của gia đình mà tất cả những ngôi nhà xây dựng trong khu vực này đều chưa có giấy phép xây dựng.

Phía sau là núi, phía trước là hồ Ba Bể, những căn nhà ở đây thể hiện rất rõ về mục đích kinh doanh, thương mại. Theo ông Trương Văn Thư, Trưởng thôn Cốc Tộc, việc đầu tư, xây dựng hạ tầng du lịch ở đây tuy trái phép nhưng thôn khó ngăn chặn. Hơn nữa người dân trong thôn mong muốn đầu tư kinh doanh với những ngôi nhà hiện đại như thế này sẽ hấp dẫn khách du lịch, từ đó tác động tích cực đến phát triển các loại hình dịch vụ, hàng hóa ở địa phương.

Điều đáng nói ở đây là, theo quy định của Luật Di sản, tại ba thôn vùng lõi, vùng đệm của danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể là: Pác Ngòi, Cốc Tộc và Bó Lù thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể sẽ nghiêm cấm việc mua, bán đất cho người từ bên ngoài vào xây nhà, cư trú, sinh sống để hạn chế gia tăng dân số, xâm hại di tích, bảo tồn cảnh quan, cảnh vật.

Tuy nhiên, nhưng không hiểu vì lý do gì UBND huyện Ba Bể đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Viện vào năm 2015. Hậu quả là đến nay, dù gia đình ông Viện xây dựng ở đây là vi phạm Luật Di sản, nhưng gia đình ông cũng là nạn nhân khi đã đầu tư hàng tỷ đồng vì tin tưởng do chính quyền huyện Ba Bể đã cấp quyền sử dụng đất hợp pháp.

Trên thực tế, do việc quản lý thiếu chặt chẽ, hiện nay không chỉ có gia đình ông Phạm Văn Viện sai phạm trong đầu tư xây dựng mà trong khu vực vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Bể cũng có không ít hộ dân cũng cơi nới, cải tạo để xây dựng tương tự.

Dư luận cho rằng, nếu như vụ việc cấp quyền sử dụng đất và xây dựng nhà trái phép cho gia đình ông Nguyễn Văn Viện tại thôn Cốc Tộc không được giải quyết sớm, tình trạng xây dựng trái phép tại vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể sẽ diễn ra tràn lan. Lúc đó, không chỉ chính quyền và Vườn Quốc gia Ba Bể gặp khó khăn trong xử lý vi phạm mà cả những hộ gia đình xây dựng ở đây cũng thiệt hại khi các cong trình vi phạm kiên quyết bị phá bỏ.

Vũ Hoàng Giang (TTXVN)
Vườn quốc gia Ba Bể vẫn bị chặt phá bất chấp chỉ đạo giữ rừng
Vườn quốc gia Ba Bể vẫn bị chặt phá bất chấp chỉ đạo giữ rừng

Việc chặt cây phá rừng đã diễn ra trong một thời gian dài ở Vườn quốc gia Ba Bể. Nghiêm trọng hơn, các cấp lãnh đạo và chủ rừng gần như không hề hay biết khi hàng loạt cây gỗ nghiến cổ thụ bị lâm tặc chặt phá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN