Cần sớm phân loại và siết chặt quản lý tàu du lịch

Đó là ý kiến của đại diện các ban, ngành trung ương, địa phương tham dự Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý hoạt động du lịch đường thủy do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức ngày 1/6, tại 3 điểm Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Thiếu nhiều quy chuẩn an toàn

Vụ tai nạn tàu Dìn Ký mới đây làm 16 người thiệt mạng, và trước đó là chìm tàu khách du lịch tại Hạ Long làm 12 khách du lịch tử nạn, đang là hồi chuông báo động về công tác quản lý loại hình tàu, thuyền phục vụ khách du lịch.

Vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký là bài học đắt giá về hoạt động du lịch đường thủy. Ảnh: Dương Chí Tưởng -TTXVN


Chính vì vậy, tại hội nghị, đại diện các cục, vụ chức năng của 2 Bộ VH,TT&DL và GTVT và các địa phương có hoạt động du lịch liên quan đến đường thủy đã nêu ra những bất cập và những kiến nghị để siết chặt quản lý loại hình dịch vụ du lịch này. Theo Tổng cục Du lịch, tại 28 tỉnh, thành có hoạt động du lịch đường thủy có khoảng 10.000 tàu, thuyền; trong đó lưu trú 173 chiếc; vận chuyển có 9.707 chiếc; nhà hàng 120 chiếc. Trong đó, nhà hàng nổi và tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch hầu hết các tỉnh đều có; riêng tàu lưu trú du lịch chỉ tập trung ở 6 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang. Đa số các tàu lưu trú này là vỏ gỗ, số tàu vỏ sắt chỉ có vài chiếc. Loại hình du lịch đường thủy nội địa trong những năm gần đây phát triển khá nhanh để đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn kỹ thuật của tàu cũng như đội ngũ phục trên loại hình phương tiện tàu du lịch này ở cấp toàn quốc đến nay vẫn chưa có.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, đơn vị có nhiều tàu du lịch hiện nay cho biết: “Qua các vụ tai nạn tàu, thuyền du lịch trên vịnh Hạ Long, chúng tôi nhận thấy lỗi đều do con người nên cần siết chặt quản lý đội ngũ trên tàu, thuyền. Hằng năm, chúng tôi phân loại tàu, công bố tuyến du lịch, biển báo; đồng thời mới đây yêu cầu tàu du lịch gắn thiết bị định vị vệ tinh để theo dõi vị trí”.

Đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết: “Chúng ta nên có quy chuẩn về thiết kế tàu du lịch bởi ở Quảng Ninh có những tàu cao tới 5-7 tầng nhưng mớm nước rất thấp, thậm chí họ phải đổ xi măng vào lòng tàu để cân bằng tàu. Với điều kiện như vậy, gặp giông bão sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa hệ thống phòng cháy chữa cháy và vật liệu để làm tàu”.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh nhận xét, ngành du lịch hiện vẫn chưa có quy định cụ thể nào về tiêu chuẩn tàu du lịch, con người phục vụ. Đây là điểm yếu của ngành du lịch nên khi xảy ra vụ việc, đơn vị quản lý địa phương rất lúng túng. Với yêu cầu phát triển, sắp tới chúng ta phải có những quy định cụ thể hơn về các phương tiện đường thủy phục vụ thể thao, các phương tiện hoán cải phục vụ du khách, cũng như việc cấp biển hiệu cho tàu khách du lịch, việc điều hành liên tuyến quốc tế.

Cấp thiết phải có bộ tiêu chuẩn quản lý tàu du lịch

Các đại biểu đều thống nhất phải sớm có những quy định quản lý cụ thể về tàu du lịch và đối tượng con người phục vụ. Về tàu du lịch, Bộ GTVT cần sớm phân loại tàu phục vụ khách du lịch với tiêu chuẩn cao hơn tàu khách. Thậm chí, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội còn đề nghị phân loại từng hạng tàu du lịch bởi với khách sạn trên bờ, chúng ta còn có những quy chuẩn ngặt nghèo thì không có lý gì với các phương tiện đường thủy có yếu tố sông nước rủi ro cao lại không có tiêu chuẩn khắt khe hơn. Có vậy mới giảm được những tai nạn đáng tiếc.

Đại diện Cục Cảnh sát đường thủy cho biết, ngành giao thông và du lịch cần tính đến những loại hình phương tiện phục vụ khách du lịch trong lễ hội, tàu du lịch thể thao như mô tô nước. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho khách hiểu được quyền và nghĩa vụ khi tham gia giao thông đường thủy. Với đường bộ yêu cầu bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì đường thủy yêu cầu phải mặc áo phao. Trong vụ tai nạn tàu Dìn Ký vừa qua, người trên tàu không biết áo phao để đâu, đến khi tàu chìm, áo phao nổi lên rất nhiều. Đây là bất cập cần tuyên truyền cho người tham gia du lịch đường thủy.

Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, hiện bộ tiêu chuẩn về xếp hạng tàu lưu trú du lịch đang được hoàn chỉnh và sắp được ban hành. Tuy nhiên Tổng cục và các cục, vụ chức năng của Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn về xếp hạng và phân loại tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch và nhà hàng nổi du lịch.

Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN