Đăng ký đầu tư một đằng nhưng khi đưa vào sản xuất lại làm một nẻo - đó là chuyện xảy ra tại Nhà máy tinh bột Long Giang (thuộc Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh) nằm trên địa bàn xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình).
Do không chấp hành các quy định trong đầu tư, nhà máy này đã gây nhiều hệ lụy như bội ước với người dân trong việc thu mua nguyên liệu, có dấu hiệu không minh bạch trong hoạt động đầu tư hay gần đây là việc gây mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân không ngừng kêu cứu… Tuy nhiên, đến nay chưa thấy một cơ quan chức năng nào ở tỉnh Quảng Bình quan tâm, kiểm tra và “tuýt còi”…
Nhà máy tinh bột Long Giang đăng ký lập dự án đầu tư với mục đích chế biến tinh bột dong riềng, với quy mô đầu tư khoảng trên 40 tỷ đồng cùng với việc xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu rộng 3.000 ha ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Nhìn nhận dự án có tính khả thi, góp phần phát triển nông nghiệp, tạo sản phẩm hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân nên UBND tỉnh Quảng Bình đã chấp nhận với nhiều ưu đãi trong đầu tư. Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng hỗ trợ vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp để tạo điều kiện cho việc xây dựng nhà máy.
Nhà máy tinh bột Long Giang… |
Từ chuyện bội ước…
Những ngày mới rậm rịch khởi công nhà máy, nông dân ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy rất phấn khởi. Họ vui vì không những được hứa hẹn về một tương lai tươi sáng mà cụ thể hơn là đã được nhà máy hỗ trợ giống để phát triển vùng nguyên liệu dong riềng. Vì vậy, hàng trăm hộ dân ở các xã Vĩnh Ninh, An Ninh, Hiền Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh… (huyện Quảng Ninh), Nghĩa Ninh (thành phố Đồng Hới) hồ hởi bỏ các loại cây trồng quen thuộc như lạc, đỗ xanh, rau màu, cây ăn quả để chuyển hướng trồng dong riềng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.
Trong vụ đầu, Nhà máy tinh bột Long Giang còn mua nguyên liệu dong riềng cho nông dân đúng như thỏa thuận, còn vụ mới đây thì “chạy mất dép” và quay ngoắt sang sản xuất chế biến tinh bột sắn khiến cho nhiều gia đình không biết xoay sở ra sao với đống dong riềng mà mình thu hoạch được.
Nước thải tại Nhà máy tinh bột Long Giang. |
Chị Nguyễn Thị Luyến, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, bức xúc nói: Trong xã, nhiều hộ gia đình chịu chung hoàn cảnh vì sự bội ước của nhà máy. Không hiểu cung cách làm ăn của nhà máy thế nào trong khi họ vẫn nói “bắt tay giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp”. Mà cũng thật lạ, chẳng thấy cơ quan nào ở tỉnh quan tâm, nhắc nhở, giải quyết.
Còn anh Võ Nguyên Vũ ở thôn 8, xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới, cho biết: Nhà máy lừa dân, họ không làm như cam kết ban đầu mà quay sang sản xuất tinh bột sắn. Họ đâu có xây dựng vùng nguyên liệu dong riềng mà quay sang sản xuất tinh bột sắn theo kiểu chụp giựt rồi. Như vậy, các nhà quản lý đầu tư của tỉnh còn bị dối lừa, huống hồ người dân.
… đến "quả đắng" môi trường
Nhiều hộ gia đình ở xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Nghĩa Ninh (thành phố Đồng Hới) không thể chịu nổi với mùi hôi thối bốc lên nồng nặc do Nhà máy tinh bột Long Giang gây ra. Họ đã liên tục kêu cứu, có đơn kiến nghị lên xã, huyện, thành phố, HĐND và các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Bình nhưng chẳng thấy ai quan tâm giải quyết.
Dòng suối khe Hai vốn xanh, bây giờ vì ô nhiễm chuyển sang màu đỏ và hôi hám. |
Cụ Cao Thị Chăn, 86 tuổi, ở thôn 8, xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới không giấu nổi bức xúc, cho biết: Tôi đã chừng này tuổi rồi, chưa bao giờ thấy mùi gì hôi như mùi của nhà máy này gây ra. Hai năm qua, tôi ăn không được, ngủ không được cũng vì cái mùi này… Chị Đào Thị Liễu, ở thôn 1, xã Lệ Kỳ, huyện Quảng Ninh, khẳng định: Không chỉ gây ô nhiễm không khí, Nhà máy tinh bột Long Giang còn làm ô nhiễm cả nguồn nước.
Rõ ràng nhất là việc xả thải của nhà máy ra dòng suối Khe Hai đã làm cho nguồn nước ở đây vốn rất trong lành, giờ biến thành màu vàng đỏ và hôi hám. Anh Võ Nguyên Vũ cho biết thêm: Trước đây, nước suối này người dân còn lấy để ăn uống, sinh hoạt nhưng bây giờ thì ngay cả con bò chúng tôi cũng không dám cho xuống tắm. Không chỉ chúng tôi chịu “quả đắng” này mà còn nhiều người nữa bởi con suối chảy qua nhiều xã của huyện Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới rồi gặp dòng sông Nhật Lệ để đổ ra Biển Đông.
Hiện nay, cùng cảnh với dòng suối Khe Hai, nhiều giếng nước của một số nhà dân sống gần nhà máy cũng có dấu hiệu bị ô nhiễm, nước chuyển màu tối và có mùi hôi thối của bã sắn để lâu ngày…
Sao chẳng thấy ai “tuýt còi”?
Nhà máy tinh bột Long Giang là một dự án lớn được tỉnh Quảng Bình cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, qua cách thực hiện và vận hành của nhà máy đã cho thấy công tác quản lý đầu tư ở địa phương có "vấn đề". Tại sao một nhà máy làm trái quy định của Luật Đầu tư, không thực hiện đúng nội dung đăng ký đầu tư nhưng phía chính quyền tỉnh không có một động thái nào trong kiểm tra, nhắc nhở, xử lý?
Nhà máy tinh bột Long Giang đăng ký sản xuất tinh bột dong riềng nhưng khi hoạt động lại chuyển sang sản xuất tinh bột sắn nên đánh giá tác động môi trường của nhà máy không phù hợp. Việc đã rõ nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Phan Xuân Hào - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở TN và MT Quảng Bình) lại vòng vo né tránh việc trả lời trực tiếp có hay không vi phạm trong lập báo cáo đánh giá tác động môi trường một đằng nhưng lại sản xuất một nẻo của Nhà máy tinh bột Long Giang.
Ông Hào cho biết, hiện chỉ quan tâm và chờ Nhà máy tinh bột Long Giang báo cáo về việc thực hiện hậu DTM (báo cáo giám sát môi trường) mà thôi. Trước các vi phạm đã rành rành, người dân thì liên tục kêu cứu, còn cơ quan chức trách lại chờ chính nơi bị tố cáo ô nhiễm báo cáo. Cần thông tin thêm, trong buổi làm việc mới đây, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh thừa nhận: Ngay tại trụ sở UBND huyện (nằm cách Nhà máy tinh bột Long Giang hơn 5 km đường chim bay) vào một số buổi sáng, chúng tôi cũng ngửi thấy mùi hôi thối do nhà máy gây ra. Và trong cuộc họp HĐND huyện vừa kết thúc mới đây, có quá nhiều ý kiến chất vấn của cử tri và đại biểu hội đồng về việc Nhà máy tinh bột Long Giang gây ô nhiễm mỗi trường…
Một vấn đề khác cũng liên quan đến Nhà máy tinh bột Long Giang, đó là nguồn vốn ưu đãi hàng chục tỷ đồng do Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay liệu có được đầu tư đúng mục đích? Trong buổi làm việc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Phát triển Quảng Bình không quan tâm đến việc đầu tư có đúng mục đích hay không mà cho rằng khi nhà máy đã đi vào hoạt động, trách nhiệm của ngân hàng chỉ còn đi thu nợ mà thôi. Và bà Dung không ngần ngại cho biết thêm: Bà và chồng không tham gia đầu tư vào Nhà máy tinh bột Long Giang nhưng cháu của chồng thì có cổ phần ở đó.
Bài và ảnh: Song Trang