Cần đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai Dự án tại Nước Hai - Cao Bằng

Nhu cầu được sử dụng nước sạch của gần 900 hộ dân và 70 cơ quan thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An (Cao Bằng) trở thành vấn đề bức thiết của người dân nhiều năm qua. Từ năm 2010, UBND thị trấn Nước Hai nhận được hỗ trợ gần 25 tỷ đồng (vốn ODA do Chính phủ Phần Lan tài trợ) cho Dự án xây dựng hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh. Đây là một Dự án rất có lợi cho người dân, nhưng đến nay, Dự án này vẫn “giậm chân” tại chỗ không thể triển khai do sự phản đối quyết liệt của một bộ phận người dân tại khu vực thực hiện Dự án.

Bể BASTAF xây sát nhà dân

Theo quy hoạch, Dự án xây dựng hệ thống cấp thoát nước (HTCTN) và vệ sinh (VS) tại thị trấn Nước Hai có 2 địa điểm: Xây dựng nhà máy cấp nước (tổ 2 Dạ Hương); 3 bể xử lý nước thải kiểu bể tự hoại BASTAF (tổ 1, phố Giữa có 2 bể và tổ 1, Hoàng Bó 1 bể). Quy hoạch trên chưa được sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là 26 hộ thuộc tổ 1, phố Giữa.

Ông Hoàng Đoàn và khu vực đất sẽ xây dựng bể xử lý nước thải.

Ông Hoàng Đoàn, một người dân tại đây bức xúc nói: "Chúng tôi hoan nghênh việc triển khai Dự án vì đây là công trình phục vụ đời sống người dân, nhưng không đồng ý việc đặt bể xử lý nước thải trong khu dân cư với lý do sau: Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi chưa nhận được báo cáo khoa học hay giải trình về đánh giá tác động môi trường của đơn vị chủ đầu tư (thị trấn Nước Hai) hay các đơn vị hữu quan khác. Đặc biệt, bể BASTAF có những yếu tố chưa đảm bảo vệ sinh môi trường( VSMT) như BASTAF không kiểm soát được độ PH đầu vào. Trong trường hợp đột biến, lượng nước thải trong quá trình tắm, giặt có nhiều xà phòng, hóa chất sẽ gây ức chế hoạt động của vi sinh vật, làm giảm hiệu quả quá trình xử lý, gây tắc bể. Điều đáng lưu ý hơn là loại bể này sẽ sinh ra mùi hôi thối, khó chịu nên chỉ thích hợp với những nơi xa khu dân cư".

Hơn nữa, tại Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân có ghi rõ: “Việc bố trí trạm xử lý nước thải (XLNT) yêu cầu chọn ở cuối nguồn tiếp nhận theo chiều dòng chảy, ở cuối hướng gió chính của đô thị, khu vực có đủ đất dự phòng mở rộng.” Tại Quyết định này cũng nêu cụ thể: “Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu đối với những bể có công suất dưới 200m3/ngày là 100m”. Tuy nhiên, các bể BASTAF ở thị trấn Nước Hai đều được thiết kế rất sát nhà dân, chỉ cách từ 1 - 5m. Như vậy có thể thấy rằng dự án này đem lại lợi ích cho cả thị trấn, nhưng lại nguy hại cho một bộ phận không nhỏ người dân sống gần bể.

Đồng thời, bà con nơi đây cũng lo sợ địa điểm xây bể nước thải nằm sát ngay cạnh sông. Hằng năm, mùa mưa lũ nước sông dâng lên thường sẽ ngập địa điểm xây bể chứa nước thải. Nếu nước lũ ngập bể đưa toàn bộ nước thải tập trung tràn ra sông, vào nhà dân sẽ gây ra ô nhiễm khôn lường.

Thực hiện Dự án chưa đúng luật

Đem thắc mắc của người dân phản ánh, chúng tôi đến gặp, trao đổi với ông Lưu Bá Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Nước Hai là chủ đầu tư Dự án. Ông Sơn cho biết: Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam và chủ đầu tư đã khảo sát thực tế địa bàn thị trấn. Kết quả đánh giá là quỹ đất của thị trấn rất hẹp, địa hình dốc, nhiều chỗ cao gây khó khăn cho việc xây hệ thống cấp nước và thoát nước (bể xử lý nước thải). Thị trấn chỉ có vùng đất hạ lưu gần sông, bằng phẳng thuộc tổ 1, phố Giữa và tổ 1 Hoằng Bó là địa điểm hợp lý nhất để xây bể chứa nước thải theo hệ thống cấp và thoát nước. Vì vậy, đơn vị khảo sát, tư vấn và chủ đầu tư đã quyết định chọn địa điểm trên là phương án duy nhất để quy hoạch xây bể. Mặc dù biết là quỹ đất để xây dựng bể hơi sát nhà dân, nhưng không còn phương án nào khác.

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, chúng tôi còn phát hiện nhiều vấn đề mà UBND thị trấn Nước Hai thực hiện chưa đúng luật. Đó là trong hồ sơ dự án chưa hề có báo cáo đánh giá tác động môi trường (điều này bản thân ông Lưu Bá Sơn cũng đã thừa nhận). Trong khi đó, Công văn số 51/CV-UBND của UBND huyện Hòa An trả lời đơn khiếu nại của ông Hoàng Xuân Giang lại ghi rõ: “Đã tiến hành hoàn chỉnh bản vẽ chi tiết, đánh giá tác động môi trường và một số việc khác”. Như vậy có thể thấy việc này chưa minh bạch với người dân.

Mặt khác, giai đoạn đầu của Dự án, UBND huyện Hòa An giao cho UBND thị trấn Nước Hai tự lập Ban giải phóng mặt bằng là sai với luật định. Nên khi làm việc với chúng tôi, ông Sơn không hề đưa ra được những biên bản họp dân về vấn đề giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án. Ông Sơn cũng thừa nhận do áp lực về tiến độ, nên trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng còn làm thiếu một số khâu cần thiết...

Việc Chính phủ Phần Lan tài trợ gần 25 tỷ đồng cho Dự án xây dựng hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh thị trấn Nước Hai là rất cần thiết. Dự án đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch cho hơn 900 hộ dân của thị trấn nghèo này. Chính vì vậy, chủ đầu tư là UBND thị trấn cần sớm tìm ra giải pháp để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn, song cũng cần tính đến những tác hại do Dự án gây ra cho những người dân sống quanh khu vực xây dựng bể xử lý nước thải.

Mạnh Hà
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN