Bình Phước: Xử lý tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất dự án tại huyện Bù Đốp

Ngày 9/3, UBND tỉnh Bình Phước cho biết đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Bù Đốp nhanh chóng tổ chức giải phóng mặt bằng diện tích đất dự án do các hộ dân đang lấn chiếm, sử dụng trái phép; đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường quản lý, bảo vệ diện tích đất công trên địa bàn huyện, tránh để xảy ra tình trạng lấn chiếm và khiếu kiện, khiếu nại, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Chú thích ảnh
Khu vực đất dự án bị một số hộ dân xâm canh, lấn chiếm trái phép. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước đã có văn bản về việc giải phóng mặt bằng diện tích đất bị xâm canh, lấn chiếm trong vùng dự án khai thác khoáng sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Tòng. UBND huyện Bù Đốp và đơn vị khai thác khoáng sản cũng đã có báo cáo về tình trạng xâm canh lấn chiếm đất trên địa bàn.

Năm 2009, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Tòng được UBND tỉnh Bình Phước cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 172,4 ha tại Bàu Đưng (thuộc ấp Bàu Đưng, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp) để sử dụng cho hoạt động khai thác khoáng sản than bùn. Tuy nhiên, do chậm triển khai dự án nên năm 2013, UBND tỉnh thu hồi khu đất, giao cho Ủy ban xã Tân Thành quản lý. Do đất bị bỏ hoang thời gian dài, nhiều hộ dân đã lấn chiếm, sang nhượng trong khu vực dự án; chính quyền địa phương khó quản lý vì chưa xác định được mốc giới đâu là đất dự án, đâu là đất của người dân.

Năm 2018, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục cho phép Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Tòng triển khai dự án trên khu đất Bàu Đưng thì xảy ra tranh chấp đất giữa doanh nghiệp và các hộ dân. Qua nhiều lần thỏa thuận bồi thường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Tòng mới quản lý sử dụng được 107ha, phần còn lại là 65,4ha vẫn chưa thỏa thuận được với các hộ dân. Hiện còn 13 hộ có tên trong danh sách chưa đồng tình với đơn giá hỗ trợ.

Chú thích ảnh
Khu vực đất dự án bị một số hộ dân xâm canh, lấn chiếm trái phép. Ảnh: TTXVN phát

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Tòng đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc phục vụ dự án khai khoáng, đồng thời đóng tiền thuê đất 80 tỷ đồng nhưng lại không được khai thác, sử dụng toàn bộ diện tích đất vì các hộ dân phản đối. Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Tòng, cho biết tại một số khu vực, Công ty hỗ trợ người dân xong lại tiếp tục bị tái chiếm, lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty và thiệt hại nguồn thu thuế của Nhà nước.

"Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp sẽ được giao mặt bằng sạch để thuê đất, triển khai dự án và khai thác than bùn đóng thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay Công ty vẫn gặp khó khăn trong việc đàm phán với các hộ dân lấn chiếm trái phép", ông Nguyễn Đình Quang chia sẻ.

Theo tìm hiểu, từ tháng 5/2022, chính quyền huyện Bù Đốp đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xã Tân Thành phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Tòng cắm mốc xác định ranh giới đất dự án. Trong quá trình làm việc, đoàn công tác đã gặp sự phản đối của các hộ dân nên việc cắm mốc chưa có kết quả. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân, nhiều hộ bày tỏ nguyện vọng tăng giá hỗ trợ lên đến vài trăm triệu đồng/ha. Do các bên chưa thống nhất về mức hỗ trợ nên kéo dài việc bàn giao mặt bằng.

Chú thích ảnh
Khu vực đất dự án bị một số hộ dân xâm canh, lấn chiếm trái phép. Ảnh: TTXVN phát

Nguồn gốc đất trong vùng dự án thuộc UBND xã Tân Thành quản lý, các hộ xâm canh, lấn chiếm trái phép không có giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất nên tùy từng trường hợp doanh nghiệp tự thỏa thuận mức hỗ trợ. Mặt khác tình trạng sang nhượng trái phép qua nhiều chủ sử dụng trên cùng một mảnh đất đã gây không ít khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng là người dân chưa phối hợp với chính quyền địa phương và Công ty trong việc xác định diện tích mình xâm canh, lấn chiếm để có biện pháp hỗ trợ về cây trồng, vật kiến trúc, tài sản khác trên đất.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Tài, ngoài thành lập tổ hỗ trợ nhà đầu tư để kiểm kê giải phóng mặt bằng diện tích đất 13 hộ dân xâm canh, lấn chiếm, bàn giao cho doanh nghiệp, UBND huyện Bù Đốp đã chỉ đạo các cấp, ngành đi từng nhà, vận động từng người dân tiếp tục hợp tác với UBND xã Tân Thành, với nhà đầu tư để kiểm kê diện tích đất này. Đồng thời, UBND huyện Bù Đốp báo cáo UBND tỉnh để xin hướng chỉ đạo trong thời gian tiếp theo, cố gắng bàn giao diện tích mặt bằng 65,4ha còn lại thực hiện dự án theo quy hoạch của UBND tỉnh.

Việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm xử lý tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất dự án trái phép, không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Tất Thành - Thùy Linh (TTXVN)
Quyết liệt xử lý dứt điểm các vi phạm tại khu vực bãi sông Hồng
Quyết liệt xử lý dứt điểm các vi phạm tại khu vực bãi sông Hồng

Nạn đổ trộm phế thải dọc theo tuyến sông Hồng và xây dựng công trình trái phép đã trở thành vấn đề nhức nhối nhiều năm qua, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Điều này không chỉ gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường mà còn vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng, hành lang đê điều, thoát lũ. Trước thực trạng này, quận Tây Hồ, Hà Nội đang vào cuộc quyết liệt, tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm mới phát sinh và đã tồn tại từ lâu tại khu vực ngoài bãi sông Hồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN