Báo động tội phạm vị thành niên

Dư luận cả nước rất lo lắng trước thông tin: Từ năm 2014 đến nay, cả nước xảy ra trên 17.000 vụ tội phạm với trên 25.000 trẻ vị thành niên vi phạm.

Nhiều nhất là các dạng tội phạm: trộm cắp, sử dụng ma túy, cướp giật, gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Đáng lo ngại, có đến 17 vụ trẻ em giết người.

Các chuyên gia phân tích: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm vị thành niên trong thời gian qua gia tăng đột biến, trong đó có tình trạng các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải bươn chải mưu sinh từ sớm…, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình. Đáng lo ngại là hiện nay có nhiều trường hợp phạm tội khi gia đình các em tương đối đầy đủ vật chất lẫn tinh thần, có đủ cha mẹ đang có chức vụ, vị trí cao, thành đạt.

Thực tế cho thấy, nhiều gia đình đã phó mặc cuộc sống tinh thần của trẻ em cho nhà trường, xem đây là cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu về nhân cách, đạo đức các em. Nhiều phụ huynh còn phản ứng mạnh với nhà trường khi được thông tin “xấu” về con em của mình. Nhiều gia đình dễ dàng đáp ứng yêu cầu của trẻ như: xe máy, điện thoại đắt tiền, tiền bạc, nữ trang… nhưng không tìm hiểu chúng sử dụng các phương tiện trên vào mục đích gì? Với lý do bận việc mưu sinh, nhiều gia đình không quan tâm đến thời gian đi lại, nếp sinh hoạt, chuyển biến về tâm sinh lý các cháu.

Trên thực tế, nhiều người lớn đã không gương mẫu trong giao tiếp, ăn nói, cư xử, hành động, thậm chí còn đi ngược lại thuần phong mỹ tục, có động cơ sống thiếu lành mạnh, đúng đắn, phạm tội dẫn đến sự sa sút lòng tin vào cuộc sống đối với các em.

Về góc độ tâm lý, một số trẻ có tính cá biệt, tự cho mình là người lớn để tự quyết định suy nghĩ, hành động bản thân mà không quan tâm đến sự khuyên ngăn của phụ huynh dần biến mình xa lạ với gia đình và cộng đồng.

Xét về góc độ luật pháp, Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, có sự khoan hồng đối với các vụ phạm pháp do trẻ vị thành niên gây ra.

Vấn đề đặt ra là liệu tình trạng tội phạm vị thành niên ngày một gia tăng đáng báo động là do những bản án chưa đủ sức răn đe cảnh báo? Đó là chưa kể đến tình trạng nhiều kẻ bất lương lợi dụng kẽ hở này để “giật dây” trẻ em tiếp tục phạm pháp với hành động ngày càng nguy hiểm hơn để khi tội ác được phát hiện thì trẻ em là người trực tiếp lãnh án, còn những kẻ phía sau vẫn “bình chân như vại” .

Xã hội rất quan tâm và luôn cộng đồng trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước. Thế nhưng ngoài những động thái mà dư luận cho là “biết rồi, nói mãi” là tạo mối liên kiết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội thì cần có nhiều cách làm mới hơn, sát hợp hơn, chủ yếu là giáo dục răn đe đối với các cháu, trong đó lấy cảm hóa là chính. Song song đó, cần có những bản án nghiêm khắc hơn đối với bọn xấu dùng trẻ em làm “bình phong” để thực hiện các loại tội phạm nguy hiểm.
Phương Anh
Những 'bà mẹ' tuổi vị thành niên
Những 'bà mẹ' tuổi vị thành niên

Đã có biết bao chuyện đau lòng quanh việc “yêu sớm” của lứa tuổi vị thành niên, nhưng hình như đa số các bậc phụ huynh vẫn chủ quan coi con mình “nhỏ dại chưa biết gì”. Trong khi đó, các bạn trẻ ngày một lớn lên và trưởng thành về tâm lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN