Bảo đảm quyền được tiếp cận pháp luật

Hiện nay, việc triển khai, thi hành các thiết chế cũng như các điều kiện bảo đảm để người dân tiếp cận pháp luật đầy đủ đang gặp không ít vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Ngại cung cấp thông tin

Theo TS Nguyễn Văn Tuân, Hội Luật gia Việt Nam, tiếp cận pháp luật được hiểu là quyền của người dân được biết về pháp luật hay nói cách khác là quyền được tiếp cận thông tin pháp luật.

Người dân được biết về quá trình xây dựng chính sách pháp luật, đặc biệt là những chính sách liên quan đến quyền lợi của mình. Trách nhiệm Nhà nước là cung cấp thông tin pháp luật đầy đủ cho người dân, hỗ trợ người dân để họ hiểu từ đó bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc công khai bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các thông tin liên quan đến đất đai như dự án, công trình đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết…

Điển hình như vụ việc thu hồi đất của 17 hộ gia đình phục vụ việc xây dựng khu tái định cư của quận Long Biên tại phường Cự Khối (Long Biên, Hà Nội). Ông Đào Thế Dư (tổ 13, phường Cự Khối) cho biết: "Ngày 31/12/2013, UBND quận Long Biên ra Quyết định 8906 phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đối với 17 hộ dân, nhưng chúng tôi vẫn không hề biết gì về thông tin này. Đến ngày 18/1/2014, nhờ có người quen cho biết thông tin nên tôi lên UBND để xin quyết định này, tuy nhiên các cán bộ "đá bóng" từ phòng nọ sang phòng kia, tôi phải đợi một buổi chiều mới xin được, mà cũng chỉ là bản phô tô. Chúng tôi là đối tượng trực tiếp thụ hưởng quyết định, vậy mà tại sao lại không hề được thông báo, được cho biết, mà phải đi xin mới được cho?".

Khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong những năm qua cho thấy, người dân đòi hỏi lớn từ chính quyền địa phương về trách nhiệm giải trình bao gồm: tiếp xúc trực tiếp với người dân (thông qua phòng tiếp dân) và thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả khảo sát PAPI từ năm 2011 đến năm 2012 cho thấy mức độ tiếp xúc giữa chính quyền và người dân ngày một giảm. Nếu như trong năm 2011, 2012, khoảng 12% số người được hỏi cho biết họ được gặp cán bộ chính quyền xã/phường khi có khúc mắc thì tỷ lệ này trong năm 2013 chỉ còn 9%.

Nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức

Từ bất cập trên, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển thực hành pháp luật đề xuất, để thúc đẩy tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở thì cần chuẩn bị tốt về mặt nhân sự, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức. Nhà nước có thể đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng thực thi công vụ để nâng cao khả năng đảm nhiệm công việc của cán bộ, công chức trong đó tập trung vào đào tạo pháp luật, kỹ năng quản lý, giải quyết những vấn đề thường xuyên đặt ra đối với cấp xã và văn hóa giao tiếp với nhân dân.

Từ thực tế hoạt động tại địa phương, ông Ngô Văn Hà, Phó phòng Tư pháp huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) cũng cho rằng, để bảo đảm công lý, duy trì pháp luật thì vai trò của người cầm cương là rất quan trọng. Vì thế, không chỉ cán bộ tư pháp mà bản thân lãnh đạo như chủ tịch, phó chủ tịch huyện hay bí thư huyện ủy… cũng cần nắm chắc quy định của pháp luật. Do đó, ông Ngô Văn Hà kiến nghị, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần đơn giản, minh bạch, rõ ràng, “dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm” để cán bộ cũng như người dân dễ dàng tiếp cận, từ đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Thu Phương

Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng đặc thù
Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng đặc thù

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương Hà Hùng Cường tại phiên họp thứ 4 diễn ra chiều 12/2 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN