Bài học về bệnh dại với người dân bản Lĩnh

Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ gần 30 km theo quốc lộ 12, biệt lập và khuất nẻo bên kia dòng suối Nậm Pun hiền hoà, từ bao đời nay, hơn một trăm hộ dân ở bản Lĩnh, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên đâu biết gì về bệnh dại. Thế nhưng hơn 1 tuần nay, sau sự việc chị Lò Thị Xương (38 tuổi) ở bản bị chết vì “con virút chó dại”, người dân trong bản đã biết tác hại của bệnh dại là như thế nào.

Con gái chị Xương lặng lẽ làm công việc trước đây của mẹ.

Hơn 1 tháng trước, con chó vàng của gia đình anh Lò Văn Pính (47 tuổi), bỗng dưng bỏ nhà đi. Vợ chồng anh đã đèo nhau bằng xe máy theo quốc lộ 12 để tìm nó về. Xuôi về hướng thành phố Điện Biên Phủ khoảng 3 km thì vợ chồng anh thấy con chó trên đường. Nhìn thấy chủ nhân, con chó dừng bước, quẫy đuôi. Chị Xương mừng rỡ ẵm nó trong lòng rồi ngồi sau xe máy cho anh Pính chở về nhà. Đi được một quãng thì con chó vùng vằng, gằn gứ lên rồi táp mạnh vào tay trái vợ anh, tuy vết cắn hụt nhưng cũng kịp để lại những vết xước trên chị Xương. Về đến nhà, sau 2 ngày, sợ con chó lại một lần bỏ đi nên anh chị đã quyết định làm thịt. Vết thương do chó cắn trên tay trái chị Xương sau đó ít lâu cũng có biểu hiện sưng tím. Anh Pính hỏi chị Xương thì chị trả lời “Vết thương thấy ngứa ngứa, tê tê, rất khó chịu”. Là lao động trụ cột trong gia đình, thời gian này chị Xương thường xuyên làm những công việc quen thuộc, gắn bó với chị bao năm nay. Nhưng mỗi lần xong công việc, chị lại thấy mệt mỏi, chỉ muốn đi nằm nghỉ.

Nghi ngờ việc vợ mình ốm, vết thương không lành nguyên nhân sâu xa là do “con ma rừng” đã theo chị về bản trong những lần chị đi lên nương rồi “ám” vào người chị, nên anh đã mổ gà, bày biện cỗ lễ để “cúng ma”, xua đuổi ác tà ra khỏi người chị. Tin chắc vào việc cúng ma, xua tà đuổi khí sẽ hiệu nghiệm, anh chị cũng không đi đến bất cứ một cơ sở khám chữa bệnh nào trên địa bàn để khám, điều trị, theo dõi nữa.

Thế nhưng những ngày ở nhà, con “ma rừng” vẫn không chịu buông tha chị, làm cho tình trạng sức khỏe của chị ngày một nặng hơn, vết thương trên tay chị Xương có phần tím tái hơn. Thấy sức khỏe, bệnh tình của vợ mình ngày một sa sút, anh Pính đã đưa vợ mình lên Trạm y tế xã Mường Pồn để kiểm tra. Tại đây, chị Xương đã được cán bộ y tế của trạm tận tình khám và hỏi han tỉ mỉ về vụ việc trước lúc viết giấy giới thiệu đi lên tuyến trên. Nghe các cán bộ y tế ở đây nói, anh Pính bàng hoàng, rụng rời chân tay, tức tốc về nhà chuẩn bị mọi thứ khăn gói chở chị Xương ra thành phố, lên tuyến tỉnh để mong việc chạy chữa cho vợ còn kịp. Xong, điều đau lòng đã xảy ra, kết quả mà anh Pính nhận được từ bệnh viện tuyến trên trả lời là đã muộn, cứu chữa cũng không kịp nữa. Chị Xương ra đi trong vật vã, quằn quại để lại 2 đứa con đang theo học và “cảnh gà trống nuôi con” cho anh Pính.

Theo anh Lò Văn Giót, Trạm trưởng Trạm y tế xã Mường Pồn cho biết: Nếu người nhà và bản thân chị Xương không chủ quan thì không dẫn đến sự việc đau lòng. Trường hợp của chị Xương là trường hợp đầu tiên xảy ra trên địa bàn xã Mường Pồn. Sau cái chết của chị Xương đã có 7 trường hợp bị chó cắn ở rải rác các bản trong xã đã đến khám và xin giấy giới thiệu để đi lên tuyến trên.

Bài và ảnh: Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN