01:10 09/01/2012

Pháp, Đức tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro

Ngày 9/1, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức có cuộc gặp tìm biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hoàn tất thỏa thuận về tăng cường phối hợp tài chính trong Khu vực đồng euro.

Ngày 9/1, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức có cuộc gặp tìm biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hoàn tất thỏa thuận về tăng cường phối hợp tài chính trong Khu vực đồng euro.



Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Internet


Trong bối cảnh các nước Khu vực đồng euro đang phải vật lộn với vấn đề khủng hoảng nợ công và tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, lãnh đạo 2 "đầu tàu" kinh tế khu vực là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tìm cách thúc đẩy việc làm giữa lúc các nước Khu vực đồng euro đều siết chặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Hai nhà lãnh đạo cũng chủ trương trao đổi về thuế giao dịch tài chính mới mang tên "thuế Tobin".

Đức và Pháp muốn áp "thuế Tobin", do Pháp khởi xướng và được đặt theo tên người đoạt giải Nôben Kinh tế năm 1981 James Tobin, trong toàn Liên minh châu Âu như một biện pháp răn đe hành động đầu cơ và mang lại nguồn tài chính mới cho EU. Ông Sarkozy coi vấn đề này là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch vận động tái cử tổng thống của mình và ngày 6/1 vừa qua tuyên bố Pari sẽ đơn phương áp dụng "thuế Tobin" nếu các nước khác trong EU không "ngồi cùng thuyền" với Pháp.

Tuy nhiên, giới quan sát cho biết lãnh đạo các nước EU đang bất đồng về thuế tài chính mới. Ủng hộ đề xuất của Pháp về "thuế Tobin", song Thủ tướng Đức Merkel không còn mặn mà với ý tưởng này sau tuyên bố mới đây của Pari. Thủ tướng Italia Mario Monti sẵn sàng ủng hộ việc áp thuế mới với điều kiện đây phải là nỗ lực chung của EU. Trong khi đó, Anh kiên quyết phản đối ý tưởng này vì lo ngại "thuế Tobin" có thể gây thiệt hại cho trung tâm tài chính Luân Đôn, trụ cột của nền kinh tế Anh. Ngày 8/1 vừa qua, Thủ tướng nước này David Cameron tuyên bố sẽ phủ quyết thuế giao dịch tài chính mới trong toàn EU trừ phi hình thức thuế này được áp dụng trên toàn cầu.

TTXVN/Tin Tức