03:07 30/03/2015

Pháp: Cánh hữu thắng vang dội tại bầu cử Hội đồng tỉnh

Cuộc bầu cử Hội đồng tỉnh vòng hai diễn ra ngày 29/3 tại Pháp đã kết thúc với chiến thắng vang dội của phe cánh hữu.

Cuộc bầu cử Hội đồng tỉnh vòng hai diễn ra ngày 29/3 tại Pháp đã kết thúc với chiến thắng vang dội của phe cánh hữu được thể hiện qua việc một số lượng lớn các tỉnh vốn thuộc quyền kiểm soát của đảng Xã hội (PS) nay được chuyển vào tay liên minh cánh hữu đối lập.

Kết quả kiểm phiếu được Bộ Nội vụ Pháp chính thức công bố sáng sớm ngày 30/3 cho biết tại vòng hai, phe trung hữu gồm 2 đảng là Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) và Liên minh Dân chủ-Độc lập (UDI) đã thắng áp đảo, nắm quyền kiểm soát tại 2/3 số tỉnh trên toàn nước Pháp, cụ thể là 64 trên tổng số 101 tỉnh.

Cánh tả mà đại diện là Đảng Xã hội cầm quyền (PS) đã thất bại nặng nề khi bị mất gần một nửa số tỉnh đang nắm giữ, tức là chỉ còn 31 tỉnh so với 61 tỉnh trước đây. Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) tuy không giành được quyền lãnh đạo tại bất kỳ tỉnh nào nhưng nhiều ứng cử viên của đảng đã lọt được vào vòng 2 và xu hướng ủng hộ quan điểm của đảng FN đang gia tăng tại nhiều địa phương của Pháp. Kết quả kiểm phiếu cuối cùng chưa được thông báo, nhưng xu hướng thắng thua đã hoàn toàn ngã ngũ.

Thủ tướng Manual Valls.


Phát biểu trên các kênh truyền hình được truyền hình trực tiếp vào bản tin  20 giờ cùng ngày, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã thừa nhận thất bại của cánh tả và cho rằng nguyên nhân là do sự chia rẽ. Ông cũng khẳng định rằng đã nghe thấy thông điệp của cử tri qua kết quả bỏ phiếu. Theo ông, cử tri Pháp qua lá phiếu của mình hoặc thậm chí bằng chính sự vắng mặt không đi bỏ phiếu, đã nói lên những điều họ chờ đợi, những yêu cầu, sự giận dữ và mệt mỏi khi phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống như tình trạng thất nghiệp, đời sống đắt đỏ, nhiều loại thuế má. Ông cũng cam kết là chính phủ Pháp sẽ quyết tâm cao nhất để đáp ứng các yêu cầu đó của cử tri.

Liên quan đến đảng cực hữu FN, Thủ tướng Valls đã cảnh báo là tỷ lệ ủng hộ đảng FN khá cao đang là một thách thức, thậm chí là một sự đe dọa đối với nước Pháp và Chủ tịch đảng là bà Marine Le Pen có thể chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.

Về phần mình, Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (2007-2012), Chủ tịch đảng UMP hài lòng với thắng lợi của cánh hữu, đồng thời cũng cho rằng cử tri quay lưng lại với đảng PS là do trong 3 năm qua, chính phủ cánh tả đã không thực hiện được các cam kết là đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, giảm đà tăng tỷ lệ thất nghiệp. Thực tế cho thấy, tại vòng hai, cánh hữu giành chiến thắng ngay tại các tỉnh vốn là "căn cứ địa" của Tổng thống và Thủ tướng Pháp như La Corrèze (Tây-Nam nước Pháp) hay L’Essonne (ngoại ô Paris), hoặc tại các địa phương mà trong nhiều năm qua nằm dưới sự kiểm soát của cánh tả.
 
Tại cuộc bầu cử Hội đồng tỉnh vòng một, liên minh UMP-UDI đã về nhất khi giành được xấp xỉ 30% số phiếu bầu, Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) đứng ở vị trí thứ hai với 25,2% số phiếu, Đảng PS cầm quyền và các liên minh tụt xuống hàng thứ 3 khi chỉ giành được 21,9% số phiếu. Tương quan này cho thấy sự đối đầu tả-hữu giữa 2 đảng lớn là PS và UMP đã chấm dứt, nhường chỗ cho cuộc đua tam giác giữa 3 đảng hay 3 lực lượng chính trị lớn trong đó có đảng FN. 

Báo chí Pháp cho rằng Chủ tịch đảng FN, bà Marine Le Pen đã thành công trong việc tuyên truyền về những mối đe dọa đến từ nhập cư, về tình trạng mất an ninh, về việc nền kinh tế tiếp tục suy thoái. Một bộ phận cử tri bị thuyết phục rằng các đảng nắm quyền thời gian qua đã thất bại và không còn đáng tin cậy, vì thế họ đã bỏ phiếu cho FN.

Về thất bại của đảng PS, báo chí sở tại cho rằng cánh tả bị chia rẽ sâu sắc. Tại vòng một, các đảng cực tả và đảng Xanh - liên minh truyền thống của PS, đã từ chối không ủng hộ chính phủ đảng Xã hội vì cho rằng chính phủ theo đuổi đường lối kinh tế tự do, ngày càng gần với đường lối của cánh hữu. Chính sự chia rẽ đó đã tạo cơ hội cho cánh hữu giành chiến thắng.

Tổng thống Pháp François Hollande từng bóng gió trước đó rằng ngay cả trong trường hợp thất bại, ông sẽ không thay đổi đường lối và Thủ tướng Manuel Valls sẽ tiếp tục điều hành chính phủ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sẽ có một vài thay đổi trong thành phần nội các với sự quay trở lại của một số gương mặt đến từ đảng Xanh (EELV). Sự thay đổi này được cho là sẽ mở rộng hơn tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hollande tại Nghị viện Pháp. Đây là một sự ủng hộ cần thiết đối với một tổng thống mà chỉ số mất lòng dân luôn ở mức cao trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới đang ngày một đến gần.

 
Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)