11:11 25/11/2010

Phần V: Khắc phục hậu quả lũ lụt và ứng phó với biến đổi khí hậu

Thủ tướng nêu rõ, công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả và đã giảm thiểu được thiệt hại.

Thủ tướng nêu rõ, công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả và đã giảm thiểu được thiệt hại. Tuy nhiên, các đợt mưa lớn liên tiếp xảy ra trên diện rộng vừa qua đã làm cho lũ trên nhiều sông ở miền Trung vượt đỉnh lũ lịch sử, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống. Tính đến ngày 22/11/2010, đã có 198 người chết, 35 người mất tích, 197 người bị thương; ước tính thiệt hại về vật chất trên 13.544 tỷ đồng.

Ngay trong và sau mưa lũ xảy ra, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền và quân dân các địa phương, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã trực tiếp đến các địa phương bị thiệt hại nặng thăm hỏi, động viên, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 770 tỷ đồng và 17.500 tấn gạo để các địa phương cứu đói, hỗ trợ dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục hồi sản xuất. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành theo chức năng và nhiệm vụ được giao trực tiếp đi kiểm tra, đánh giá thiệt hại, giúp các địa phương sớm ổn định đời sống nhân dân, không để người dân nào bị đói, nhanh chóng khôi phục lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu, đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ, phòng chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất. Đồng bào ta ở cả trong và ngoài nước đã hướng về miền Trung để chia sẻ những khó khăn, mất mát và có những hỗ trợ thiết thực.

Về lâu dài, để ứng phó có hiệu quả với thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương ưu tiên vốn thực hiện chương trình củng cố, nâng cấp đảm bảo an toàn hồ chứa nước, nhất là trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Chất lượng dự báo và khả năng phòng chống thiên tai được chú trọng nâng cao; bổ sung các trạm đo thu thập số liệu khí tượng thủy văn; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dự báo bão lũ, các cán bộ chuyên ngành thủy lợi ở cấp huyện. Các quy trình vận hành liên hồ chứa tiếp tục ban hành và hoàn thiện theo Danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt để điều tiết dòng chảy, trữ nước mùa mưa, cấp nước mùa khô và tham gia cắt giảm lũ cho hạ du, trước hết là các hồ chứa ở khu vực miền Trung và các nơi có yêu cầu cấp bách. Bổ sung các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc thù địa phương để tăng cường khả năng ứng cứu tại chỗ...

Thực tế những năm qua cho thấy yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống ngập úng ngày càng trở nên cấp bách. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Các bộ, ngành và địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch hành động của mình, tiến tới xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ đã ký hợp tác với Chính phủ Hà Lan về việc giúp Việt Nam rà soát, xây dựng quy hoạch các công trình thủy lợi phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và đang triển khai các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đê biển, chương trình đầu tư nâng cấp hệ thống đê sông. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ phê quyệt Đề án rà soát, điều chỉnh quy hoạch, ban hành tiêu chuẩn xây dựng cho các thành phố, khu công nghiệp và khu kinh tế thuộc vùng ven biển để ứng phó hiệu quả với tình trạng nước biển dâng.

TTN/TTXVN