Xung quanh quyết định rút lui của Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen

Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Ehud Barak - chiến lược gia hàng đầu trong việc xây dựng chính sách đối đầu với Iran nhằm phản đối chương trình hạt nhân của nước này - đã ra một thông báo bất ngờ hôm 26/11 rằng ông sẽ rút khỏi chính trường sau cuộc tổng tuyển cử vào ngày 22/1/2013.


 

Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak (phải) và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

 

Một số nhà bình luận cho rằng, ông Barak đang nỗ lực tránh một thất bại được dự báo trước mà đảng theo chủ trương ôn hòa của ông có thể sẽ vấp phải trong cuộc bầu cử sắp tới, sau đó Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người đứng đầu đảng cánh hữu Likud, có thể sẽ giúp ông Barak trở lại trụ sở của bộ quốc phòng bằng cách chính thức bổ nhiệm ông.


Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng có thể ông Barak, 70 tuổi, từng giữ chức Thủ tướng Ixraen và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, hiện chỉ muốn tập trung giải quyết vấn đề Iran trước khi rời chính trường.


Trong cuộc họp báo ở trụ sở Bộ Quốc phòng ngày 26/11, ông Barak nói: "Tôi đứng trước các quý vị để thông báo về quyết định rút khỏi chính trường của tôi. Tôi sẽ không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử nghị viện sắp tới". Ông nói thêm rằng ông sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng cho tới khi chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức.


Phát biểu trên của ông Barak được đưa ra chỉ 5 ngày sau khi chiến dịch tấn công Dải Gaza kéo dài 8 ngày của Ixraen kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn với phong trào Hamas đang nắm quyền cai trị vùng đất này. Lý do mà ông Barak đưa ra là ông muốn dành nhiều thời gian hơn bên gia đình và rằng chính trị "chưa bao giờ là niềm đam mê” của ông.


Danny Yatom, một người bạn cũ trong quân đội của ông Barak, từng đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Ixraen, miêu tả ông Barak là "chiếc mỏ neo ôn hòa" trong chính phủ của ông Netanyahu từng nhiều lần đe dọa tấn công Iran, khiến Mỹ và nhiều nước phương Tây tức giận. Thành viên ôn hòa duy nhất trong chính phủ liên minh này thường xuyên tới Oasinhtơn để hội đàm với nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ và từng chỉ trích Thủ tướng Netanyahu vì có những phát biểu trái ngược với quan điểm của Mỹ.


Một số người còn cho rằng, tuyên bố “nghỉ hưu” của ông Barak - người từng bất ngờ xuất hiện trên một kênh truyền hình trào phúng hàng đầu của Ixraen nhằm khiến Palextin mất cảnh giác, rồi sau đó bất ngờ tiến hành cuộc chiến tranh 2008 - 2009 tại Dải Gaza - chỉ là trò "bịp bợm".


Tại Dải Gaza, Hamas coi quyết định nghỉ hưu của ông Barak là bằng chứng cho thấy cuộc tấn công vừa qua của Ixraen nhằm vào Dải Gaza là một thảm họa. Fawzi Barhoum, phát ngôn viên của phong trào Hamas, nói: "Đây là bằng chứng cho thấy thất bại về mặt chính trị và quân sự mà chính phủ của ông Netanyahu cùng Bộ trưởng Quốc phòng của ông ta phải hứng chịu".


Nếu ông Barak thực sự từ chức, người kế nhiệm ông chắc chắn sẽ thuộc đảng Likud. Hiện nay, người có khả năng thay thế ông là Ngoại trưởng Avigdor Lieberman, nhân vật có tư tưởng "diều hâu" hơn.


Phó Thủ tướng Moshe Yaalon, thuộc đảng Likud và là cựu Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ixraen, cũng có triển vọng trở thành người kế nhiệm ông Barak sau cuộc bầu cử nếu ông Netanyahu đứng ra thành lập chính phủ tiếp theo. So với ông Barak, Yaalon từng nhiều lần đe dọa tấn công Iran hơn. Đồng thời, trong khi vị Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm lên tiếng ủng hộ ông Obama sau khi ông vừa tái đắc cử, thì ông Yaalon lại cáo buộc chính quyền Mỹ, do đảng Dân chủ đang nắm quyền chi phối, đã quá mềm mỏng đối với Têhêran.


Theo các quan chức trong bộ quốc phòng, trong số những ứng cử viên có khả năng thay thế ông Barak còn có Avi Dichter, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa và hiện là Bộ trưởng chịu trách nhiệm chuẩn bị về hậu cần cho đất nước nếu chiến tranh xảy ra.

 

TTK (Theo Reuters)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN