Xuất hiện nhiều quan điểm trái ngược giữa Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trao cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis quyền lực chưa từng có nhưng dự đoán ông sẽ không thể chịu nổi việc trái lệnh của vị cấp dưới này lâu hơn nữa.

Tổng thống Trump liệu có sa thải Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (phải)?

Theo Tạp chí Foreign Policy, Hiến pháp Mỹ nêu rõ tổng thống là “Tổng Tư lệnh lục quân và hải quân Mỹ”, song tất cả các đời tổng thống đều ủy quyền lãnh đạo và quản lý quân đội cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên sự ám ảnh với quân đội của ông Trump đã khiến ông triển khai một vài bước đi xa hơn, cấp cho các viên chỉ huy một quyền năng dường như không giới hạn và tự hào chuyển sức mạnh của một vị Tổng Tư lệnh cho Bộ trưởng James Mattis mà không cần suy nghĩ. “Chúng tôi trao cho họ toàn bộ quyền quản lý. Điều tôi làm là tôi quản lý quân đội của tôi”, Tổng thống Trump phát biểu.

Thậm chí ông Trump còn phó mặc các quyết định về mạng sống của người Mỹ đặt vào trong nguy hiểm. Cho phép ông Mattis và các tướng chỉ huy cấp cao tự thiết lập mức độ quân sự ở Syria và hiện tại Afghanistan, ông Trump là tổng thống đầu tiên sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh ủy thác những quyết định chiến lược liên quan đến chiến tranh và hòa bình quan trọng như vậy cho người khác.

Có người sẽ nghĩ để đổi lấy việc thực hiện những quyết định đó, ông Trump mong đợi sự hướng dẫn và thông điệp của mình sẽ được các tướng lĩnh làm theo, và Bộ trưởng Mattis sẽ không công khai gây mâu thuẫn với Tổng Tư lệnh. Song đây là chính quyền Trump, nơi mà những mong đợi hợp lý sẽ không xuất hiện.

Ví dụ, xét về cách mà hai người miêu tả về các mối đe dọa đối với Mỹ, Tổng thống Trump nêu rõ quan điểm về một mối đe dọa đến từ “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan”, trong khi Bộ trưởng Mattis lại dùng lối miêu tả hoàn toàn đối nghịch về kẻ thù: “những tay khủng bố làm mất danh dự đạo Hồi”.

Họ cũng có quan điểm khác biệt khi bàn về tầm quan trọng của NATO. Trong khi Bộ trưởng Mattis chưa vào giờ nghi ngờ các đồng minh, tuyên bố trong phiên điều trần trước Quốc hội rằng tổ chức này rất quan trọng với an ninh nước Mỹ: “Nếu ngày nay chúng ta không có NATO, chúng ta sẽ cần phải tạo ra nó”, thì Tổng thống Trump (trước khi thay đổi thái độ về đồng minh), thường xuyên gọi NATO là “lỗi thời” và cho rằng “nên bị loại bỏ”. Trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại vào tháng 4 năm ngoái khi còn đi vận động tranh cử, ông Trump khẳng định: “Mỹ phải chuẩn bị để các quốc gia này (thành viên NATO) tự bảo vệ chính mình”. Và thậm chí khi Tổng thống Trump rút lại sự hoài nghi của mình về đồng minh, ông vẫn yêu cầu các nước thành viên cần phải “trả tiền”, cụ thể Đức “nợ” Mỹ một khoản tiền cho sự bảo vệ mạnh mẽ, đắt đỏ mà Mỹ cung cấp. Trong khi đó, Bộ trưởng Mattis bác bỏ tuyên bố của ông Trump về việc các quốc gia thất bại trong việc giữ cam kết sẽ phải trực tiếp trả tiền Mỹ.

Không chỉ có vậy, Bộ trưởng Mattis và Tổng thống Trump cũng ở thế đối đầu khi bàn về vai trò của Bộ Ngoại giao trong đường lối đối ngoại.

Kế hoạch ngân sách đầu tiên của ông Trump khi nhậm chức bao gồm việc cắt giảm 28% ngân sách Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Hầu hết các vị trí lãnh đạo tại bộ vẫn còn bỏ trống. Những dấu hiệu này, đi cùng với niềm say mê của ông Trump dành cho quân sự, đã cho thấy ông đánh giá thấp vai trò của các biện pháp ngoại giao, viện trợ quốc tế và các lời khuyên chính sách đối ngoại.

Trong khi đó, Bộ trưởng Mattis, trong phiên điều trần trước Thượng viện khi vẫn còn là tư lệnh thuộc Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, bảo vệ phải hỗ trợ ngân sách đầy đủ: “Nếu như không cung cấp đủ ngân sách cho Bộ Ngoại giao, thì tôi sẽ phải mua thêm nhiều vũ khí đạn dược hơn”.

Mối quan hệ mật thiết của Mattis với Ngoại trưởng Rex Tillerson kể từ khi nhậm chức và thực tế Bộ Ngoại giao luôn dẫn đầu trong việc phản ứng với các hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên, đã nhấn mạnh niềm tin của ông về một lối tiếp cận toàn diện của Mỹ trên đấu trường quốc tế, bao gồm việc ủng hộ mạnh mẽ viện trợ quốc tế và các phương pháp ngoại giao.

Có thể thấy rõ quan điểm đó của Bộ trưởng Mattis khi xét về tình hình Yemen. Trong suốt chuyến công du Saudi Arabia, ông tin tưởng vào chính sách ngoại giao. Ông tuyên bố mục đích của Washington là làm cho khủng hoảng dịu lại và muốn thúc đẩy "càng sớm càng tốt" các vòng đàm phán hòa bình Yemen do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Ngược lại, Nhà Trắng dường như lại theo đuổi giải pháp quân sự trước tiên. Tổng thống Trump ra lệnh tăng cường các hoạt động quân sự tại Yemen, chỉ đạo 3 cuộc không kích nhằm vào nước này chỉ ngay trong cuối tuần đầu tiên nhậm chức. Và chỉ sau đó một tuần, ông lần nữa chỉ đạo đặc nhiệm SEAL thực hiện một cuộc đột kích "thất bại" - khiến một lính đặc nhiệm thiệt mạng - cùng hơn 80 cuộc không kích khác tính đến nay. Theo các nguồn tin, chính quyền Trump cũng đang hoàn thành các phi vụ bán vũ khí trị giá hàng chục tỷ đô la cho Saudi Arabia.

Ngoài ra, quan điểm về việc sử dụng các hình thức tra tấn hay như cướp đoạt dầu mỏ của Iraq của hai người cũng "đối nhau chan chát". Khi còn là một ứng viên tổng thống, ông Trump cam kết sẽ đưa hình phạt “trấn nước” quay trở lại, còn Bộ trưởng Mattis từ trước đến nay vẫn luôn phản đối các cách thức tra tấn dã man.

Có thể nói chưa có một tổng thống nào trong thời hiện đại lại tỏ rõ quan điểm đối lập công khai với Bộ trưởng Bộ quốc phòng đến vậy.

Sự chia rẽ này đều không thể lường trước và gây ảnh hưởng tiêu cực. Ủy quyền cho ông Mattis trong các vấn đề mà hai ông không thể đồng nhất quan điểm có thể tạo ra những quyết định mà ông Trump không hề hay biết. Trước đó, trong lịch sử nước Mỹ, vẫn có ghi nhận sự bất đồng quan điểm giữa người đứng đầu Nhà Trắng và Lầu Năm góc, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger "phớt lờ" sự chỉ đạo của cựu Tổng thống Ronald Reagan tiến hành một vụ đột kích tại thung lũng Baalbek ở Lebanon vào năm 1983, hay như Bộ trưởng James Schlesinger từ chối triển khai lệnh sơ tán của cựu tổng thống Gerald R. Ford ở Việt Nam cuối tháng 4/1975. Song Bộ trưởng Mattis đã đem những lần mâu thuẫn này đẩy lên một tầm mới.

Sự chia rẽ khiến các đồng minh cũng như kẻ thù của Mỹ gặp khó khăn khi tìm hiểu chính sách ngoại giao nước này. Vì lời nói của ông Trump không phản ánh một chính sách thực tế, nên Mỹ sẽ trở nên khó đoán hơn, dẫn đến hủy hoại các thỏa thuận với đồng minh và khiến kẻ thù tính toán sai lầm.

Sự chia rẽ cũng khiến các giới chức chính quyền Mỹ bối rối. Lầu Năm góc mơ hồ khi xác định ưu tiên hàng đầu của họ. Ngày trước, các quan chức quân sự luôn xem xét kỹ lưỡng những lời chỉ dẫn, thông điệp của Tổng Tư lệnh được lặp đi lặp lại qua thư điện tử, bài phát biểu… Nhưng ngày nay, các quan chức hành động như thể Tổng Tư lệnh không tồn tại. Khoảng cách giữa ông Trump và Bộ trưởng Mattis sẽ tạo nên sự "xói mòn" lòng tin và tính toán sai lầm trong các cấp chính quyền.

Bộ trưởng Quốc phòng là người được bổ nhiệm chính trị phục vụ dưới quyền Tổng thống. Hiện Tổng thống Trump vẫn rất tôn trọng chuyên môn cũng như tính chuyên nghiệp của ông Mattis. Khi nói về các tướng lĩnh quân đội, ông Trump miêu tả: “Tôi tin tưởng vào những người chuyên nghiệp… Họ thích làm điều đó. Họ biết rõ từng centimet trong lãnh thổ này, phải vậy không?”. Tuy nhiên, sẽ có lúc ông Trump nhận ra rằng sự thỏa mãn trong công việc và kiến thức bản đồ học là không đủ.

Khi sự việc không xảy ra theo đúng như ý muốn, có thể nói đến những cuộc chiến tranh mở rộng ở Iraq, Syria, Somalia, Afghanistan và Yemen, và không quan tâm đến hậu quả từ những quyết định không giống ai của  ông Trump khi sa thải các quan chức cấp cao. Trong trường hợp đối với Bộ trưởng Mattis, một khi ông khiến những gì Tổng thống Trump đã quyết định trở thành một bước đi sai lầm, ông chắc chắn sẽ bị sa thải.
.
Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Tướng Mattis phải làm gì để ra kế hoạch xử IS hợp lòng Tổng thống Donald Trump?
Tướng Mattis phải làm gì để ra kế hoạch xử IS hợp lòng Tổng thống Donald Trump?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và các nhân vật quân sự cấp cao khác đều đang phải chạy nước rút trước thời hạn 30 ngày mà Tổng thống Donald Trump đặt ra để "xuất trình" dự thảo cho kế hoạch mới đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN