Xuất hiện dấu hiệu Mỹ chuẩn bị tấn công Triều Tiên sau cảnh báo của ông Trump?

Các chuyên gia cho rằng sẽ không quá ngạc nhiên khi thấy Mỹ điều động lực lượng tới gần Bán đảo Triều Tiên trong vài ngày tới, có thể là một nhóm tàu sân bay, một chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình khác cập cảng Hàn Quốc hoặc máy bay ném bom chiến lược di chuyển tới Đảo Guam hay Okinawa.

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tại một địa điểm bí mật. Ảnh: EPA/TTXVN

Tuy nhiên, tất cả những động thái đó đều mang tính phòng thủ và đóng vai trò là một lời cảnh báo tới Bình Nhưỡng hơn là ám chỉ Mỹ sẽ tấn công. Đó là lời nhận xét của ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Chiến dịch tại Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, hiện là Giáo sư giảng dạy tại Đại học Hawaii Thái Bình Dương.

Mặc cho bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un "lời qua tiếng lại" gay gắt thách thức tấn công lãnh thổ của nhau, các nhà phân tích cho rằng vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có kế hoạch tấn công trước Triều Tiên hay ông Kim Jong-un sẽ làm theo lời đe dọa tấn công đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Trước đó, theo một tuyên bố do hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ngày 9/8, quân đội nhân dân Triều Tiên cho biết đang xem xét kỹ lưỡng kế hoạch kế hoạch hành động để “bắn bao trùm” vào các khu vực quanh đảo Guam bằng tên lửa đạn đạo chiến lược Hwasong-12 tầm trung hoặc tầm xa.

Theo các chuyên gia, quân đội Mỹ đang không ở trong bất kỳ vị trí nào đế tấn công Triều Tiên với một chiến dịch mà cần đến hàng tuần, thậm chí là hàng tháng để chuẩn bị cho một cuộc quyết đấu giành phần thắng về cho mình.

Mark Hertling – một tướng quân đội Mỹ nghỉ hưu đồng thời là chuyên gia phân tích cho kênh truyền hình CNN – nhận xét việc cần làm đầu tiên là hàng chục ngàn công dân Mỹ, rất nhiều trong số đó không liên quan đến quân đội, phải được sơ tán khỏi Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần phải tăng cường sức mạnh lực lượng trong khu vực, với đội ngũ tàu hải quân, tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình, máy bay ném bom của không quân hoạt động ngoài căn cứ ở Nhật Bản hay đảo Guam.

Hiện Triều Tiên đang rải hàng ngàn khẩu pháo có tầm bắn tới thủ đô Hàn Quốc – Seoul. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, nếu xung đột thực sự xảy ra, thì chỉ trong ngày đầu, con số thương vong tại Hàn Quốc sẽ lên tới hàng chục ngàn người.

Để san phẳng toàn bộ đội pháo đó, Mỹ cần phải thực hiện chiến dịch không kích kéo dài một vài tuần. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ cần máy bay, bom, nhiên liệu và lực lượng binh sĩ hỗ trợ vào sẵn vị trí để triển khai chiến dịch, giống như chiến dịch "Bão táp Sa mạc" lật đổ Saddam Hussein của Iraq năm 1991. Trong chiến dịch này, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành chiến dịch đánh bom Iraq kéo dài hơn 5 tháng.

Giống như "Bão táp Sa mạc" tại Iraq trước đây, đội tăng Mỹ và lính đánh bộ cũng cần vài tuần để di chuyển từ căn cứ ở Mỹ tới Hàn Quốc và nếu như quyết đấu với Triều Tiên thì thời gian còn phải lâu hơn.

Theo chuyên gia Hertling, ít nhất 2 nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ cũng phải có mặt trên vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên, trước khi Mỹ phát động bất kỳ cuộc chiến nào.

Giáo sư Schuster còn khuyến cáo cần phải 3 tàu sân bay và huy động thêm lính thủy đánh bộ, lính hải quân và không quân.

Ông Schuster cũng cho biết Mỹ cần phải đảm bảo đủ bom, tên lửa và máy bay tác chiến điện tử để làm “vô hiệu hóa” hàng rào phòng không của Triều Tiên, trước khi Mỹ nhả bom hạng nặng xuống các kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một sự kiện tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters.

Ông hi vọng các nhà ngoại giao Mỹ sẽ thể hiện mình rõ ràng hơn, bao gồm cả Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson – người đang có chuyến công du tới các quốc gia Đông Nam Á tuần này.

“Điều này sẽ buộc ông Tillerson phải thể hiện rõ hơn. Ông ấy sẽ nhận được nhiều câu hỏi về việc ý định của chúng ta là gì”, Schuster nhận xét khi bàn về thông điệp cứng rắn của Tổng thống Donald Trump ngày 8/8 gửi tới Triều Tiên rằng nước này sẽ phải đối mặt với “lửa thịnh nộ” từ Mỹ.

Chuyên gia Schuster cũng bày tỏ không mong đợi Triều Tiên sẽ tấn công đảo Guam hay bất kỳ nơi nào khác như lời đe dọa, với lời giải thích: “Thứ nhất, các loại tên lửa cả Triều Tiên chưa từng được được thử nghiệm trong một cuộc chiến tranh thực sự và độ chính xác của chúng vẫn còn mơ hồ. Thứ hai, Mỹ có thể trả đũa theo cách mà chắc chắc Triều Tiên không thể chịu đựng nổi”, đồng nghĩa với việc chế độ dưới thời của lãnh đạo Kim Jong-un sẽ chấm dứt.

Một tướng Không quân về hưu ngày 7/8 tuyên bố Mỹ có thể san phẳng Triều Tiên chỉ trong 15 phút nếu Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân lãnh thổ Mỹ và Hàn Quốc. Tờ Business Insider (Mỹ) khẳng định rằng trong trường hợp Triều Tiên tấn công đảo Guam, những tên lửa đạn đạo liên lục địa của Không quân Mỹ luôn sẵn sàng “ra trận” bất cứ lúc nào và lực lượng máy bay ném bom cũng tương tự.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Nếu xảy ra, chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ như thế nào?
Nếu xảy ra, chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ như thế nào?

Với việc Washington không còn nhiều cơ hội để ngăn chặn Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân, giới quan sát bắt đầu phân tích đến các lựa chọn quân sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN