Xu hướng khủng bố mới ở phương Tây

Tại sao một đất nước hòa bình và thịnh vượng như Na Uy lại phải hứng chịu vụ đánh bom và thảm sát đẫm máu đến như vậy do chính công dân của mình gây ra? Câu hỏi đó đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, những manh mối đã bắt đầu xuất hiện, nhiều câu hỏi hóc búa hơn đang được nêu ra về bản chất của hoạt động khủng bố tại các quốc gia phương Tây.

Người dân Na Uy đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của hai vụ tấn công , tại Oslo (Na Uy) ngày 24/7 . AFP-TTXVN


Tại phiên tòa kín diễn ra ở Ôxlô ngày 25/7, Anders Behring Breivik - người Na Uy, 32 tuổi, kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ đánh bom và xả súng hồi tuần trước - đã nói về động cơ hành động của hắn. Theo Thẩm phán Kim Heger, chủ tọa phiên tòa, Breivik nói với quan tòa rằng, các vụ tấn công nhằm mục đích gửi "một tín hiệu mạnh mẽ tới người dân Na Uy" và hắn muốn "làm tổn hại Công Đảng nhiều nhất có thể, để đảng này khó có thể có thêm các thành viên mới".

Breivik đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom kinh hoàng hôm 22/7. Tuy nhiên, Breivik đã không nhận tội, hắn khăng khăng rằng những hành động đó là cần thiết để cứu nguy cho Na Uy và Tây Âu. Tính chất và quy mô của hai vụ tấn công đã thể hiện rõ ý định của hắn nhằm gây tổn thương cho giới lãnh đạo chính trị và làm lung lay nền tảng xã hội mở của Na Uy.

Tuy nhiên, sự thù địch của Breivik đã không chỉ dừng lại ở chính trường dân chủ xã hội của Na Uy. Theo lời thẩm phán Heger, Breivik đã nói với quan tòa: "Tôi không thể để mảnh đất này (Na Uy) bị những kẻ Hồi giáo biến thành thuộc địa". Những lời phát biểu tương tự như vậy từng được Breivik đưa ra trong một bản tuyên bố dài tới 1.500 trang mà hắn đã đăng tải lên mạng Internet hôm 22/7, nhiều giờ trước khi tiến hành hai vụ tấn công. Trong bản tuyên bố này, y thể hiện sự giận dữ của mình đối với chủ nghĩa đa văn hóa và đạo Hồi, đồng thời y cũng bộc lộ những quan điểm cực hữu.

Mahdi Serifpour, một sinh viên đại học người Iran 26 tuổi đứng trong đám đông những phóng viên và những người theo dõi bên ngoài nơi xét xử Breivik tại thủ đô Ôxlô hôm 25/7, nói: "Thành thật mà nói, ban đầu tôi đã nghĩ rằng vụ nổ bom là do một nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện". Serifpour tin rằng, rất nhiều người đã ngay lập tức kết luận rằng hai vụ tấn công hôm 22/7 là do một nhóm tín ngưỡng cực đoan thực hiện chứ không phải là do một kẻ cực hữu tại chính đất nước này hành động.

Theo Luraas, lời cam kết của Na Uy rằng đất nước này là một nền dân chủ mở và minh bạch, dựa trên lòng tin và những giá trị cộng đồng gắn kết với nhau, có nghĩa rằng Na Uy không cần thiết phải nhờ tới các biện pháp an ninh của các nước khác. Ông nói: "Na Uy được mọi người nghĩ tới là một đất nước an toàn, nhưng cấu trúc lực lượng an ninh của đất nước chúng ta lại có quy mô chưa tương xứng và lạc hậu". Chính điều này khiến cho việc bảo vệ đất nước khỏi những kẻ có quan điểm cực hữu như Breivik trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đợi kết quả phiên tòa xét xử Breivik hôm 25/7, Samir Shatara - người đứng đầu chi nhánh của mạng tin tức toàn cầu "Al Jazeera" tại Ôxlô - nói với Tân Hoa xã: "Tiêu điểm lúc nào cũng là những người Hồi giáo, nhưng nay chúng ta cũng phải quan tâm tới cả những kẻ cực đoan cánh hữu".
Các chuyên gia an ninh đang lập luận rằng việc chỉ tập trung vào cái gọi là các nhóm khủng bố tôn giáo có thể đang làm chệch hướng quan tâm khỏi những kẻ cực đoan ở nhiều dạng khác tại các nước phương Tây. Giống như Breivik, có thể chúng cũng bị thúc đẩy do thiếu lòng tin vào tiến trình dân chủ, sự thù hận phi lý và cảm giác bị bỏ rơi.

Trong bối cảnh rất nhiều các quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng nợ công chồng chất và tăng trưởng thấp, những khó khăn về kinh tế có thể khiến một thiểu số những người bị vỡ mộng có các hành động chính trị và tư tưởng cực đoan. Luraas cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp khá thấp và nền kinh tế vững mạnh của Na Uy cho đến nay đã giúp đất nước này tránh được nhiều vấn đề như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, nỗi lo về sự hội nhập của những người nhập cư đến từ các nước đang phát triển vào dòng chảy chính của xã hội Na Uy đang ngày càng dâng cao.

Với dân số chỉ 4,8 triệu người, trữ lượng dầu mỏ ngoài khơi phong phú, một nền kinh tế năng động và mức độ minh bạch cao, Na Uy hiện là một quốc gia giàu có và ổn định với hệ thống phúc lợi xã hội dồi dào. Tuy nhiên, hai vụ tấn công mới đây đã buộc các nhà lãnh đạo của nước này phải chú ý tới mối đe dọa khủng bố từ những kẻ cánh hữu và giải quyết sự bất mãn của xã hội.

TTK (Theo THX)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN