Xóa tên, không xóa được quá khứ

Ukraine gần đây đã thông qua một loạt đạo luật nhằm xóa bỏ mọi thứ có thể nhắc nhở nước này về thời còn thuộc Liên bang Xô Viết. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh quan hệ Nga - Ukraine đang ở giai đoạn căng thẳng liên quan tới cuộc xung đột ở Đông Ukraine. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hành động duy ý chí và cực đoan đó không giúp gì cho hòa bình ở Đông Ukraine.

Mới đây, báo chí Ukraine cho biết: Theo một đạo luật mới, chính phủ Ukraine sẽ đổi tên một loạt thành phố được đặt theo tên các nhà lãnh đạo thời Xô Viết. Tổng cộng 25 thành phố có thể bị thu hồi tên gắn liền với quá trình lịch sử. Theo luật, các thành phố này cần có tên mới trong vòng sáu tháng. Không chỉ tên thành phố, mà tên làng, tên thị trấn, tên đường phố, tên tượng đài, tên địa điểm đều phải xóa bỏ nếu dính dáng đến quá khứ Xô Viết.

Ukraine muốn xóa bỏ những biểu tượng gắn liền với thời Xô Viết.


Kế hoạch này chỉ là một phần trong luật “thanh trừng quá khứ” của Ukraine. Theo đó, luật này cấm và hình sự hóa việc sử dụng các biểu tượng thời Xô Viết, cấm tuyên truyền và sử dụng các biểu tượng này nơi công cộng. Luật liệt kê các biểu tượng gồm: cờ, biểu tượng, hình ảnh, hình vẽ trên huy hiệu có hình búa, liềm; búa, liềm và ngôi sao 5 cánh; cày, búa và ngôi sao 5 cánh… Như vậy, Ukraine sẽ phải loại bỏ hàng trăm bức tượng, hàng ngàn biển tên phố cùng với hàng tấn việc giấy tờ liên quan đến “thay tên đổi họ”. Nhà khoa học chính trị Ukraine Andrei Zolotarev ước tính rằng luật đổi tên sẽ ảnh hưởng tới ít nhất là 2 triệu người ở khắp 250 thành phố, thị trấn, làng mạc.

Sau khi Ukraine độc lập năm 1991, nhiều cái tên gắn với thời kỳ Xô Viết đã bị các hội đồng địa phương xóa khỏi bản đồ. Năm 2014, khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ dẫn tới cuộc xung đột ở Đông Ukraine, Ukraine đã xảy ra một làn sóng tấn công các bức tượng lãnh tụ Xô Viết trên khắp đất nước. Sau khi dự luật mới được quốc hội Ukraine thông qua, chính quyền các thành phố miền Đông cho biết một số người bịt mặt không rõ danh tính đã kéo đổ nhiều bức tượng trong đêm, trong đó có tượng nhà chính trị thời Xô Viết Sergo Ordzhonikidze ở lối vào nhà máy sản xuất máy kéo Kharkov. Giám đốc nhà máy coi hành động này là “phỉ báng lịch sử Ukraine và tâm hồn nhân viên nhà máy”.

Theo dự luật, kể cả một số thành phố và thị trấn ở Đông Ukraine cũng sẽ phải đổi tên một khi được ký ban hành. Trong số đó là thành phố Dnipropetrovsk nằm ở phía bắc Zaporizhya. Một phần tên của thành phố này được đặt theo ông Grigory Petrovky, một nhà lãnh đạo thời Xô Viết. Theo luật mới, hội đồng thành phố này đã phải lập một ủy ban để chọn tên mới cho thành phố và các đường phố.

Còn ở thành phố Kharkov, một ủy ban của chính quyền thành phố đã xác định rằng gần 1/9 số tên sẽ phải thay đổi, trong đó có 200 tên phố và quảng trường, 5 tên quận và một số tên ga tàu điện ngầm.

Động thái cấm các biểu tượng thời Xô Viết đã khiến Nga rất tức giận. Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là hành động “phạm thượng”, là ý đồ viết lại lịch sử và cho rằng các quan chức Ukraine có “một ý tưởng ngoan cố về thiện và ác”. Kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya-1 nói: “Lãnh đạo Ukraine đã tuyên chiến với chính quá khứ của mình bằng cách biến những tòng phạm của Hitler thành anh hùng”.

Các nhà phê bình Ukraine cũng cho rằng lệnh cấm các biểu tượng Xô Viết sẽ làm trầm trọng thêm khác biệt chính trị vốn đã sâu sắc trong lòng Ukraine. Chuyên gia chính trị Kost Bondarenko phát biểu với tờ Segodnya ở Kive: “Những đạo luật như vậy chỉ làm căng thẳng thêm tình hình. Đó không phải là những gì xã hội chúng ta cần”.

Đúng như ông Bondarenko nói, việc thanh trừng các biểu tượng quá khứ không phải là thứ người dân Ukraine cần. Cái họ cần bây giờ là việc làm, là ổn định cuộc sống, là kinh tế phát triển, là hòa bình ở Đông Ukraine. Các chuyên gia ước tính kế hoạch thay tên đổi họ hàng loạt sẽ rất tốn tiền và thời gian. Thời gian: Có thể mất đến cả chục năm mới làm xong. Tiền bạc: Cựu Bộ trưởng Tài chính Alexander Klymenko nói rằng dự án vô bổ này sẽ tốn khoảng 5 tỷ hryvnia (tức khoảng 214 triệu USD) trong khi thâm hụt ngân sách của Ukraine hiện là 9 tỷ USD. Khoản tiền đó nên được đầu tư vào chỗ khác thay vì dùng để rũ bỏ quá khứ và Ukraine nên hướng tới tương lai thay vì gắng sức thay đổi quá khứ.

Thùy Dương

Ukraine đề xuất cử phái đoàn EU tới Donbass
Ukraine đề xuất cử phái đoàn EU tới Donbass

Đại sứ Ukraine tại Liên minh châu Âu (EU) Konstantin Eliseev cho biết Kiev đang thảo luận với các nước EU về việc cử một phái đoàn công tác đặc biệt của EU tới Donbass (miền Đông Ukraine).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN