Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas báo hiệu thay đổi gì trong nỗ lực chiến tranh của Israel

Khi một cặp tên lửa từ UAV bắn vào một tòa chung cư ở phía Nam thủ đô Beirut của Liban ngày 2/1, giết chết phó thủ lĩnh Hamas, nó dường như đã đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cuộc chiến của Israel chống Hamas.

Chú thích ảnh
Ảnh cố thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri trong đám tang của Ahmad Hammoud, người cũng thiệt mạng trong vụ ám sát ông al-Arouri ở Beirut, ngày 3/1/2024. Ảnh: Reuters 

Theo tờ Washington Post, trong ba tháng qua, Israel đã tiến hành một chiến dịch quân sự toàn diện nhằm vào Gaza, phá huỷ phần lớn dải đất này và khiến hơn 22.000 người thiệt mạng trong cuộc truy lùng các tay súng Hamas thực hiện vụ thảm sát ngày 7/10. Cho đến nay, Israel vẫn chưa hành động vì một mục đích chiến tranh đã nêu khác là: nhắm vào những người đứng đầu Hamas “bất kể họ ở đâu”.

Giờ đây, khi cuộc xung đột bước sang tháng thứ tư, Israel rõ ràng đã bắt đầu thực hiện tốt lời đe dọa đó, dù chấp nhận mạo hiểm gây ra một cuộc chiến tranh rộng hơn dọc theo biên giới với Liban, ngay cả khi nước này bắt đầu rút quân ở Gaza.

Các nhà lãnh đạo quân sự cho biết việc rút quân một phần có thể thực hiện được vì chiến dịch của Israel đã làm suy yếu Hamas ở phía Bắc Gaza và điều đó sẽ cho phép hàng ngàn lính dự bị trở về nhà, quay lại làm việc. Washington cũng đã gây áp lực trong nhiều tháng để Israel giảm bớt tình trạng mà họ mô tả là “đánh bom bừa bãi” và giảm số thương vong nặng nề với dân thường.

Các sự kiện diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về thiệt hại kinh tế do chiến tranh gây ra ở Israel cũng như sự quay trở lại của các cuộc biểu tình và âm mưu chính trị trong nước. Tuy nhiên, trong khi một số nhà phân tích nhận thấy bạo lực ở Gaza đã ngưng bớt, họ lại phát hiện ra một sự tiến triển khác.

Giai đoạn 3 - sẵn sàng chiến tranh hai mặt trận

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết binh sĩ của họ đã “chuẩn bị kỹ càng cho mọi tình huống” sau khi Hamas đưa tin về cái chết của Saleh Arouri, phó thủ lĩnh của tổ chức này, trong vụ nổ ở ngoại ô Beirut ngày 2/1.

Cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Israel Chuck Freilich cho biết: “Chúng tôi đang ở Giai đoạn 3” - đề cập đến giai đoạn chiến tranh dự kiến ​​sẽ diễn ra sau phản ứng ban đầu đối với loạt cuộc tấn công ngày 7/10 cũng như cuộc chiến trên không và trên bộ kéo dài bên trong khu vực này”.

“Tôi nghĩ chúng ta đang chuyển sang một chế độ mới, gần hơn với những gì Mỹ đã ủng hộ ngay từ đầu”, ông Freillich nói thêm.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tấn công của Israel nhằm vào tòa nhà của phong trào Hamas tại ngoại ô Beirut, Liban ngày 2/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong những tháng qua, quân đội Israel đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận, điều động binh sĩ và xe tăng dọc biên giới với Liban, và sơ tán ít nhất 70.000 cư dân. Các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Israel thường xuyên đọ súng với Hezbollah, nhóm chiến binh Liban liên kết với Iran, tuy nhiên các cuộc tấn công và phản công chưa bao giờ lan đến thủ Beirut, cho tới vụ việc ngày 2/1.

Israel từ chối xác nhận hoặc phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, Saleh Al-Arouri, người đóng vai trò liên lạc với Iran và Hezbollah. Nhưng tên ông này có trong danh sách đen của Israel.

Chuyên gia về các vấn đề Palestine, Avi Issacharoff viết trên tờ Yedioth Ahronoth ngày 3/1: “Không nghi ngờ gì nữa, đây là vụ ám sát nghiêm trọng nhất đối với bất kỳ thủ lĩnh cấp cao nào của Hamas kể từ khi cuộc chiến bắt đầu ngày 7/10”.

Mặc dù Israel cho biết họ đã giết chết một số chỉ huy và quan chức của Hamas ở Gaza thì Yehiya Sinwar, được cho là chủ mưu vụ tấn công ngày 7/10, và các thủ lĩnh cấp cao khác vẫn chưa bị loại bỏ.

Giới chức Liban và quốc tế đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi ngăn chặn sự trả đũa tiềm tàng của Hezbollah, dù đến nay nhóm này vẫn từ chối đề nghị từ Hamas tham gia vào cuộc chiến. Một số quan chức Israel giấu tên nói, họ hy vọng thủ lĩnh Hezbollah Hasan Nasrallah sẽ thể hiện sự kiềm chế vì không có người nào của ông thiệt mạng trong cuộc tấn công.

Trong khi đó, ông Nasrallah đã cảnh báo “đáp trả và trừng phạt” trong bài phát biểu ngày 3/1, nhưng không đưa ra manh mối về cách các chiến binh của ông sẽ phản ứng.

Chú thích ảnh
Các bệ phóng tên lửa đa nòng của Israel ở miền bắc gần biên giới với Liban ngày 3/1. Ảnh: AFP/Getty Images

Cư dân Israel ở thành phố cảng Haifa phía Bắc nước này được khuyên nên có kế hoạch trú ẩn đề phỏng một cuộc tấn công. Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc rút quân ở Gaza có thể sẽ cho phép Israel có nhiều nguồn lực hơn để đối phó với Liban.

“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống”, phát ngôn viên IDF, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari nói sau khi phó thủ lĩnh Hamas bị giết.

Ngày 3/1, tại Eilon, một khu định cư cách biên giới Liban gần 2km về phía Nam, pháo binh Israel cứ vài phút phóng về phía mà IDF coi là “mục tiêu khủng bố”. Tên lửa chống tăng của Hezbollah cũng bị đánh chặn, và thỉnh thoảng rơi xuống những ngôi làng trống không.

Ông Hagari nói: “Chúng tôi đang bị lôi kéo vào một cuộc chiến mà chúng tôi không muốn”.

Bước chuyển trong nội bộ Israel

Vụ ám sát ở Liban đã được ca ngợi ở Israel, mặc dù một số người cho biết, với 133 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza, họ lo ngại rằng vụ tấn công sẽ làm chệch hướng các cuộc đàm phán về một cuộc trao đổi con tin khác.

“Chính phủ hiện đang bị thúc đẩy bởi ý thức trả thù”, anh Carmit Palti-Katzir, người có anh trai Elad đang bị bắt làm con tin, nói với đài phát thanh Israel.

Tuần trước IDF cho biết họ đã rút tới 5 lữ đoàn khỏi phía Bắc Dải Gaza, đánh dấu sự chuyển đổi tiềm năng từ ném bom trên diện rộng sang các cuộc tấn công có mục tiêu hơn của quân đội. Tuy nhiên, các quan chức Israel đã nhiều lần nói rằng chiến sự có thể sẽ tiếp tục trong nhiều tháng.

Trong khi đó, ở Israel, cuộc chiến không còn choán hết mọi không gian nữa, và người dân đã bắt đầu tìm chỗ cho các cuộc tranh luận chính trị rộng rãi hơn. Hôm 1/1, tòa án tối cao Israel đã đảo ngược cuộc bỏ phiếu của liên minh cầm quyền do Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn đầu, nhằm tước bỏ các quyền giám sát tư pháp quan trọng của tòa án, một phán quyết được phe đối lập ca ngợi là một chiến thắng cho nền dân chủ Israel.

Và các cuộc biểu tình chống chính phủ từng làm rung chuyển đất nước trong suốt năm ngoái nhưng tạm dừng sau ngày 7/10, đã quay trở lại.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ dập lửa tòa nhà của phong trào Hamas sau vụ tấn công của Israel vào ngoại ô Beirut, Liban ngày 2/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hôm 30/12/2023, đám đông ở Tel Aviv và Jerusalem đã hô vang khẩu hiệu đòi bầu cử sớm trong bối cảnh sự tức giận dồn nén đối với Thủ tướng Netanyahu, người bị đổ lỗi vì đã không ngăn chặn được cuộc tấn công 7/10 và đã chứng kiến sự ủng hộ giảm mạnh trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng.

“Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn mới; người biểu tình đang quay trở lại đường phố”, Gayil Talshir, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Do Thái, cho biết. “Bây giờ những người dẫn đầu cuộc biểu tình là gia đình các con tin, gia đình của những binh sĩ thiệt mạng và những người lính dự bị”.

Sự chia rẽ ngày càng lộ rõ trong nội các chiến tranh khẩn cấp, trong đó ông Netanyahu chia sẻ quyền lực với đối thủ chính trị của mình, cựu tham mưu trưởng IDF, Benny Gantz, cùng những người khác. Ông Gantz và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã từ chối xuất hiện cùng ông Netanyahu tại một số cuộc họp báo gần đây. Cả hai đều bày tỏ sự cởi mở hơn với những ý tưởng do Tổng thống Biden thúc đẩy về một chính phủ thời hậu chiến ở Gaza dựa vào Chính quyền Palestine - một quan điểm mà ông Netanyahu và các thành viên cực đoan hơn trong liên minh của ông đã bác bỏ.

Ông Gantz nói rằng các vấn đề chính trị và các cuộc điều tra về thất bại của ngày 7/10 nên đợi cho đến khi chiến tranh lắng dịu. Trong bối cảnh một số lực lượng bộ binh đã rút khỏi Gaza, các nhà quan sát chính trị đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông có thể sẵn sàng hành động.

Ông Gantz có thể kích hoạt các cuộc bầu cử mới bằng cách thuyết phục 5 thành viên của liên minh, nhiều người trong số họ chỉ trích ông Netanyahu, tham gia một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Nhà khoa học Talshir bình luận: “Ngay khi ông Gantz cảm thấy mình có thể rời khỏi nội các chiến tranh, quả cầu tuyết đó sẽ bắt đầu lăn. Điều đó bắt đầu trở nên khả thi hơn khi tình hình ở Gaza đang ổn định”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post)
Xung đột Hamas - Israel: Nhiều nước quan ngại bạo lực lan rộng
Xung đột Hamas - Israel: Nhiều nước quan ngại bạo lực lan rộng

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 3/1, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani đã bày tỏ quan ngại trước thực trạng leo thang xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza hiện nay, một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế tích cực can thiệp và xoa dịu tình hình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN