Vụ ám sát đại sứ Nga có khiến hai nước căng thẳng trở lại?

Hô vang hai từ “Aleppo” và “Báo thù” trước khi nổ súng bắn vào ngài Đại sứ Nga Andrey Karlov, lí do của kẻ thủ ác rất rõ ràng: Hắn phẫn nộ vì Nga can thiệp vào cuộc nội chiến Syria.

Đại sứ Nga Andrey Karlov (phía trước) bị kẻ tấn công (phía sau) bắn trọng thương tại trung tâm nghệ thuật ở Ankara ngày 19/12. Ảnh: EPA/TTXVN

Đại sứ Karlov đã bị một đối tượng bắn từ phía sau khi đang phát biểu tại lễ khai mạc một cuộc triển lãm ảnh vào ngày 19/12 ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Kẻ nổ súng được xác định là một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, tức giận trước suy nghĩ Nga đã gây ra tội ác chiến tranh tại Syria. Trước khi nổ súng, hắn hô vang: “Chúng ta chết ở Aleppo, còn các người thì chết tại đây”.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang nỗ lực hết sức có thể để hạn chế các căng thẳng ngoại giao giữa hai nước sau khi xảy ra vụ ám sát. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều lên án vụ tấn công này là một “động thái khiêu khích” và cam kết sẽ tăng cường hợp tác chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thề sẽ không để vụ này “được phép” phá hủy quan hệ hai nước.

Giới chức cũng khẳng định cuộc họp giữa các nhà ngoại giao ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran bàn về tình hình Syria dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 20/12 tại Moskva vẫn tiếp tục được tiến hành. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã cùng nhau đứng ra bảo trợ một thỏa thuận ngừng bắn và lên kế hoạch sơ tán dân thường và các tay súng đầu hàng ra khỏi miền đông Aleppo.

Đại sứ Karlov được bổ nhiệm giữ chức vụ tại Ankara từ năm 2013 và là một mắt xích ngoại giao quan trọng trong việc giữ gìn mối quan hệ hai nước có thời gian rơi vào khủng hoảng khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiếc chiến đấu cơ của Nga tham chiến tại Syria vào tháng 11/2015. Sau hàng tháng trời căng thẳng với nhiều lần đe dọa có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, hai bên đã nối lại quan hệ vào mùa hè vừa qua khi Tổng thống Erdogan xin lỗi về vụ việc và đã có cuộc gặp gỡ người đồng cấp Putin tại St. Petersburg. Họ khởi động tiến tình hòa hoãn, ký kết một thỏa thuận ống dẫn khí đốt và cam kết tăng cường quan hệ kinh tế.


Trong khi đó, trên mặt trận Syria, tuy ở hai phía đầu chiến tuyến - Nga thì bảo vệ Tổng thống Syria Bashar Assad còn Thổ Nhĩ Kỳ thì ủng hộ lực lượng nổi dậy chống chính phủ - nhưng hai bên cũng nhất trí cùng nhau chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhờ có Nga mà quân đội của ông Erdogan có thể được phép tiến vào phía Bắc Syria trong tháng 8 và tiêu diệt sạch các tay súng IS tại các thành trì của chúng ở sát biên giới hai nước.

Hiện vẫn chưa rõ kẻ nổ súng ám sát thực hiện một mình hay nhận lệnh từ một tổ chức nào đó hay không. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trong tình trạng rối ren hỗn loạn đầy bạo lực kể từ năm 2015, khi một vụ tấn công liều chết do một tay súng IS thực hiện đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và Đảng Công nhân Kurdistan (PKK)

Hồng Hạnh (theo Economist)
Thổ Nhĩ Kỳ: "Sự cố an ninh" tại ĐSQ Mỹ sau vụ ám sát Đại sứ Nga
Thổ Nhĩ Kỳ: "Sự cố an ninh" tại ĐSQ Mỹ sau vụ ám sát Đại sứ Nga

Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đóng cửa sau một "sự cố an ninh" trong bối cảnh Đại sứ Nga tại Ankara bị ám sát trước đó vào tối 19/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN