Volkswagen “kiếm củi ba năm đốt một giờ”

Mới tháng trước, hãng Volkswagen của Đức còn là một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất, được tôn trọng nhất trong làng xe hơi thế giới. Xét về mặt doanh số, đây là hãng chế tạo ô tô số một thế giới. Thế nhưng, danh tiếng ấy bỗng chốc tiêu tan khi người ta phanh phui ra một trong những vụ bê bối có sức hủy diệt thương hiệu lớn nhất từng xảy ra trong lịch sử gần đây: Volkswagen gian lận kết quả kiểm tra khí thải.


Tập đoàn Volkswagen bị Mỹ phanh phui là làm sai lệch cuộc kiểm tra mức độ ô nhiễm khi cho lắp một phần mềm để khiến lượng khí xe thải ra trong cuộc kiểm tra ít hơn so với lượng khí thải trong thực tế. Điều đó có nghĩa là, ô tô của Volkswagen khi bon bon trên đường sẽ thải ra lượng khí nitơ ôxít cao gấp 40 lần mức độ cho phép, tổn hại lớn đến môi trường và sức khỏe con người. Volkswagen thú nhận với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ là 11 triệu xe có thể bị ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Uy tín của Volkswagen tiêu tan sau vụ bê bối gian lận khí thải.

Vụ bê bối gian lận này bị một phòng thí nghiệm ở Tây Virginia (Mỹ) phát hiện ra năm 2014. Phòng thí nghiệm này được “chống lưng” bởi một tổ chức ủng hộ năng lượng sạch. Tổ chức này từ lâu đã nghi ngờ về lượng khí thải mà các xe dùng động cơ diesel thải ra môi trường. Trong suốt hơn một năm qua, Volkswagen đã “gân cổ” với giới chức Mỹ rằng mình không làm điều gì sai trái cả. Mãi đến khi không thể giấu giếm được nữa, họ mới thừa nhận đã lắp đặt cái gọi là “thiết bị triệt tiêu” để xe hơi của mình đạt tiêu chuẩn về khí thải.

Hiện chưa rõ Volkswagen sẽ thay đổi các xe không đạt chuẩn khí thải như thế nào cho phù hợp quy định. Volkswagen đã bị ra lệnh phải thu hồi 500.000 ô tô ở Mỹ và đã ngừng hoạt động bán hàng. Giới chức Mỹ cho biết xe Volkswagen vẫn an toàn và chủ xe hiện giờ không phải làm gì cả. Tuy nhiên, sau này, xe sẽ cần chỉnh sửa để đạt chuẩn khí thải. Còn tại Tây Âu - thị trường quan trọng nhất của Volkswagen và là nơi mà cứ bốn xe ô tô mới thì có một xe mang thương hiệu Volkswagen, chính quyền ở Liên minh châu Âu đã kêu gọi các chính phủ thành viên điều tra hãng này.

Volkswagen đang đối mặt với một khoản phạt khổng lồ. Hãng đã phải bỏ ra 7,3 tỷ USD để thu hồi xe và trang trải các chi phí khác. Tuy nhiên, số tiền Volkswagen phải chi sẽ còn tăng. Về mặt lý thuyết, chính quyền Mỹ có thể phạt hãng này tới 18 tỷ USD vì vi phạm quy định giới hạn khí thải. Chính quyền Đức có thể phạt nặng hãng xe “con cưng” của mình. Chủ xe cũng như các đại lý bán xe của Volkswagen cũng có thể đòi bồi thường.

Volkswagen đã cam kết phối hợp với các công tố viên Đức trong cuộc điều tra hình sự. Những người chịu trách nhiệm có thể bị truy tố vì gian lận. Nếu bị kết án, họ sẽ phải trả các khoản phạt cá nhân lớn và có thể ngồi tù tối đa 10 năm. Công tố viên Đức đang điều tra cựu Tổng giám đốc Volkswagen là ông Martin Winterkorn - người đã nhận trách nhiệm về vụ bê bối và từ chức tuần trước dù nói rằng mình không làm gì sai trái.

Vụ bê bối đã để lại hậu quả nặng nề cho thương hiệu xe hơi danh tiếng hàng đầu nước Đức và thế giới. Hậu quả nhãn tiền là 1/4 giá trị thị trường của Volkswagen đã bốc hơi chỉ trong tuần đầu tiên khi bê bối bị phanh phui. Nó khiến cho các cổ đông lớn của tập đoàn này, từ gia đình Porsche, Qatar cho tới bang Lower Saxony của Đức, thiệt hại không kể hết. Về lâu dài, thương hiệu Volkswagen có thể trở thành vết nhơ “trơ trơ” trong làng xe hơi thay vì niềm tự hào như trước đây. Lòng tin của người tiêu dùng đối với xe hơi Volkswagen tụt dốc thảm hại. Không mấy ai có thể ngờ chiếc xế hộp mình từng tự hào là “diesel sạch” hóa ra lại thải không biết bao nhiêu khí độc vào môi trường. Đánh giá về vụ bê bối của Volkswagen, chuyên gia phân tích Dave Sullivan thuộc tổ chức nghiên cứu và tư vấn thị trường ô tô AutoPacific, nói: Vụ bê bối có thể ảnh hưởng tới mục tiêu chiếm ngôi vị nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới của Toyota và có thể tổn hại tới ngành sản xuất ô tô động cơ diesel của thế giới.

Bê bối này không chỉ dính dáng đến uy tín của Volkswagen mà còn ảnh hưởng đến cả quốc thể của Đức. Vụ việc khiến dư luận thế giới hoài nghi cả nền văn hóa của một quốc gia vốn nổi tiếng với đức tính vô cùng cẩn thận, trung thực, làm việc theo nguyên tắc, đáng tin cậy, nhạy cảm với môi trường và luôn vì lợi ích chung. Khi mà cái tên Volkswagen gần như đồng nghĩa với nước Đức thì sự việc còn gây tổn hại hơn đến uy tín của Đức, nhất là khi mọi con mắt ở Liên minh châu Âu đang trông cậy vào sự dẫn dắt, lãnh đạo của Đức trong nhiều vấn đề như khủng hoảng di cư, khủng hoảng nợ công.

Vậy là danh tiếng, uy tín mà hãng xe Volkswagen dày công vun đắp, xây dựng từ năm 1937 này bỗng rơi vào tình cảnh “kiếm củi ba năm đốt một giờ”. Thế mới biết, xây dựng thương hiệu, đẳng cấp đã khó, giữ gìn nó còn khó hơn.
Thùy Dương
Nhiều kỹ sư thừa nhận lắp thiết bị gian lận cho xe Volkswagen
Nhiều kỹ sư thừa nhận lắp thiết bị gian lận cho xe Volkswagen

Nhiều kỹ sư của Tập đoàn Volkswagen (VW) Đức đã thừa nhận lắp đặt thiết bị gian lận khí thải trong các xe ô tô do hãng sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN