Vì sao bom Mỹ chống IS rơi ở Iraq, không rơi ở Syria?

Trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq, việc Mỹ liên tiếp triển khai các cuộc không kích hỗ trợ chính phủ Iraq đã làm dấy lên một câu hỏi: Vì sao Mỹ sẵn sàng đánh bom IS ở Iraq nhưng lại từ chối ra tay với nhóm này, lực lượng cực đoan gieo rắc tai ương và chịu trách nhiệm cho nhiều vụ phá hủy ở Syria?

Dư luận quan tâm tại sao việc tấn công IS có thể diễn ra phía bên này đường biên giới Syria – Iraq nhưng lại không xảy ra ở phía bên, trong khi Syria chứ không phải Iraq mới là nơi IS gây ra nhiều hậu quả hơn?

Người Kurd cầm biển cám ơn Mỹ ở Erbil.


1. Đánh bom Iraq là nhằm giữ nguyên trạng, nhưng đánh bom Syria sẽ là để thay đổi hiện trạng, công việc mang tính không có giới hạn và khó khăn hơn

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh tổ chức các cuộc không kích chống IS tại Iraq với mục đích được giới hạn là bảo vệ khu vực bán tự trị của người Kurd. Trước khi IS bắt đầu tiến vào khu vực của người Kurd ở Iraq từ khoảng đầu tháng 8, phần lớn phần lãnh thổ này đã được đảm bảo an ninh. Nơi đây có một chính quyền ổn định, thân Mỹ và có kinh tế dựa vào sản xuất dầu mỏ.

Vì vậy, các cuộc không kích của Tổng thống Mỹ Barack Obama là nhằm tăng khả năng phòng thủ của khu vực này để duy trì hiện trạng của một khu vực có an ninh của người Kurd. Một cách rõ ràng, các cuộc không kích này không nhằm vào việc thay đổi cuộc chiến tranh có quy mô lớn hơn của IS tại Iraq, hay là nhằm giúp chính phủ Iraq chiếm lại những vùng đất rộng lớn đã bị IS chiếm đóng.

Trong khi đó, tại Syria không tồn tại một hiện trạng “tốt” nào để Mỹ muốn động tay bảo vệ. Bất kì cuộc không kích nào của Mỹ chống IS ở Syria sẽ là nhằm đẩy lùi nhóm phiến quân Hồi giáo này ra khỏi vùng lãnh thổ đã bị chúng kiểm soát để các phần tử nổi dậy ôn hòa khác tại quốc gia Trung Đông này có thể thế chân. Nói cách khác, các cuộc không kích của Mỹ tại Syria, nếu có, sẽ là để thay đổi, chứ không phải duy trì, tình hình trên mặt đất.

Bên cạnh đó, có vẻ như Tổng thống Obama sẵn sàng sử dụng vũ lực khi ông nhìn thấy những điểm sáng, như một khu vực người Kurd ở Iraq ổn định, an ninh đảm bảo, nhưng ông lại không sẵn sàng thử sức với nhiệm vụ sửa chữa những thứ không đúng và bất ổn. Ông không muốn nhận lấy kết quả của hành động đó, và bị kẹt chân vào một vự can dự có khả năng kéo dài và dễ dàng leo thang, hay mạo hiểm đẩy cuộc xung đột xoay theo một hướng mới không thể dự đoán trước. Vì vậy Mỹ duy trì cách tiếp cận nhất quán trong hai vấn đề Syria và Iraq.

2. Tại Iraq, Mỹ có một đối tác địa phương để lãnh đạo phong trào, nhưng không có ai ở bên kia đường biên giới

Người Kurd ở Iraq sẵn sàng chiến đấu chống IS.


Dù đó là cuộc chiến tranh nào đi nữa, ở Iraq hay ở Syria, hẳn nhiên Tổng thống Obama không muốn phải rước trách nhiệm vào thân. Ông sẵn sàng can thiệp vào vùng đất của người Kurd ở Iraq, nhưng lại nói không ở Syria bởi ở khu vực của người Kurd ở Iraq Mỹ có một đối tác đáng tin cậy, ổn định, thân Mỹ, có thể lãnh đạo cuộc chiến chống IS - người Kurd. Do đó, thay vì phải điều hành toàn bộ các mặt của cuộc chiến, Mỹ đơn giản chỉ phải giúp sức các lực lượng của người Kurd và để họ tự xử lí cuộc xung đột.

Hai vấn đề Mỹ suy nghĩ ở đây là việc nước này không muốn bị hút vào việc phải đưa quân đến chiến trường cho một nhiệm vụ chưa thấy hồi kết cũng như không muốn tạo ra một lỗ trống quyền lực. Mỹ an tâm là việc đánh bom IS ở khu vực người Kurd tại Iraq sẽ không tạo ra một khoảng trống quyền lực như vậy bởi chính quyền của người Kurd đã hiện diện sẵn trên chiến trường để sẵn sàng lấy lại lãnh thổ của họ.

Trong khi đó, tại Syria, Mỹ lại không nắm chắc liệu các phần tử nổi dậy ôn hòa có khả năng để đẩy lùi IS hay không. Và cho dẫu lực lượng này có khả năng để thực hiện sứ mệnh đó, thì một mạng lưới không có tổ chức của các phần tử nổi dậy lại không hoàn toàn là một chính quyền ổn định, có khả năng tự duy trì mà Mỹ biết chắc sẽ hành động một cách có trách nhiệm và có thể dự báo trước. Và đó là còn chưa kể đến nguy cơ nhiều nhóm cực đoan khác ở Syria có thể chiếm lấy bất kì vùng lãnh thổ nào mà IS bị đánh bật ra.

3. Đánh bom IS ở Syria sẽ đồng nghĩa với việc giúp Tổng thống nước sở tại Bashar al-Assad

Tại Syria, IS có hai kẻ thù lớn. Một là các phần tử nổi dậy ôn hòa. Hai là chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad. Do đó việc Mỹ đánh bom IS, một cách gián tiếp, sẽ là nước cờ có lợi với ông Assad. Trong chính phủ Mỹ, không ai thích Tổng thống Syria Assad, người mà chính phủ của ông này bị cáo buộc đóng vai trò chủ chốt trong việc giết hại dân thường trong cuộc nội chiến đang bước vào năm thứ tư. Dù vậy Mỹ vẫn duy trì chính sách tránh việc lật đổ ông Assad một cách ngay lập tức, bởi vì điều này có thể mở ra một khoảng trống quyền lực nguy hiểm, khiến IS có thể chen vào.

Nếu có một giải pháp để đánh bom IS mà không phải trở thành “kẻ giúp việc” cho ông Assad, có thể Mỹ sẽ cởi mở hơn với vấn đề này. Song trên thực tế không tồn tại một giải pháp như vậy.

Ông Obama từng tuyên bố ông không muốn quân đội Mỹ đóng vai trò là một lực lượng không quân phi chính thức của Iraq vì đó không phải công việc mà người Mỹ phải đảm nhận. Do đó, chắc chắn là vị Tổng thống Mỹ cũng sẽ không thích ý tưởng quân đội Mỹ hành động như là không lực của ông Assad.

4. Thế nhưng, đánh bom ông Assad lại là hỗ trợ IS


Tổng thống Syria Bashar al-Assad.


Một trong những cuộc tranh luận khác trong chính giới ở Mỹ là, nếu không định đánh bom IS ở Syria, thì ít ra Tổng thống Mỹ nên đánh bom các mục tiêu của chính quyền sở tại. Tuy nhiên, một lần nữa, Nhà Trắng lại không có phương cách nào để Mỹ vừa có thể thực hiện việc này mà lại không trở thành lính đánh thuê cho IS, ngay cả khi mục tiêu của Mỹ là nhằm giúp các phần tử nổi dậy ôn hòa ở Syria.

Chừng nào cuộc nội chiến ở Syria còn là cuộc chiến tay ba giữa hai kẻ thù của Mỹ (chính quyền ông Assad và IS) cùng một bên có thể có khả năng là đồng minh tiềm năng của Mỹ nhưng lại không đủ sức để nắm lấy chiến thắng, thì chừng đó Mỹ sẽ còn không can dự.

Trong khi đó, ở miền bắc Iraq, cuộc chiến đấu diễn ra giữa kẻ thù của Mỹ (IS) và đồng minh thân cận (người Kurd ở Iraq). Chính vì vậy, những tính toán tại khu vực này trở nên rõ ràng hơn.

5. Mỹ có quyền hợp pháp để can thiệp ở Iraq, nhưng không có ở Syria

Chính phủ Iraq đã cho phép Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS trên lãnh thổ nước này. Điều đó có nghĩa Mỹ không cần đến sự cho phép của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) để thực hiện nhiệm vụ theo luật quốc tế.

Trái lại, ở Syria, không có sự cho phép của một HĐBA nào cho việc sử dụng vũ lực, bởi Nga đã thể hiện rõ ràng lập trường nước này sẽ phủ quyết bất kì nỗ lực nào nhằm thông qua việc cho phép sử dụng vũ lực ở Syria. Và tất nhiên, Tổng thống Assad không đưa ra lời mời nào để Mỹ được phép tiến hành các cuộc không kích.

Điều này có nghĩa là bất kì hoạt động quân sự nào được thực hiện nhằm bảo vệ thường dân Syria cũng sẽ vượt qua ranh giới cho phép xa nhất của cái gọi là quyền hợp pháp. Dẫu vậy, theo một số giả thuyết về tính hợp pháp, việc can thiệp vì mục đích nhân đạo là chấp nhận được ngay cả khi không có sự cho phép của HĐBA nếu hành động đó là để đáp lại yêu cầu cấp thiết của việc bảo vệ thường dân. Nhưng những học thuyết đó ít có uy tín hơn và ít mang tính hợp pháp hơn quyền can thiệp hợp pháp tại Libya trước đó và giờ đây là tại Iraq.

Xét về mặt hợp pháp, các cuộc không kích của Mỹ ở Iraq mang nhiều màu sắc của các cuộc tấn công do NATO dẫn đầu tại Libya năm 2011. Nghị quyết 1973 của HĐBA cho phép thực hiện chiến dịch Libya, đã sử dụng những ngôn ngữ tương tự với nghị quyết 7/8 về vấn đề Iraq: Nghị quyết này nhắc đến “các cuộc tấn công mang tính hệ thống và mở rộng” chống lại thường dân, “có thể cấu thành tội ác chống lại loài người”.

Trong khi đó, với Syria, không có sự cho phép nào như trên và không có cách rõ ràng nào để đạt được sự cho phép này. Đó là vấn đề rõ ràng có ảnh hưởng đến Tổng thống Mỹ.

6. Các cuộc không kích ở Iraq có được sự ủng hộ rộng lớn của quốc tế, còn các cuộc không kích ở Syria thì không


Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc phát biểu tại HĐBA.


Ngay trước khi các cuộc không kích ở Iraq được công bố, sau một cuộ họp khẩn cấp, HĐBA thông qua một nghị quyết đã nhận được sự đồng ý của tất cả các thành viên, thể hiện “sự bất bình mạnh mẽ” với các vụ tấn công của IS với các nhóm người dễ bị tấn công, và chỉ ra rằng những hành động như vậy “có thể cấu thành tội ác chống lại loài người”.

Nghị quyết trên cũng “đã (và đang) kêu gọi cộng đồng quốc tế” hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ Iraq để giúp đỡ những cộng đồng người bị IS tấn công. Nghị quyết cũng đề nghị một cách mạnh mẽ rằng HĐBA hỗ trợ các cuộc không kích.

Không phải ngẫu nhiên mà HĐBA được xem là nơi làm chuẩn cho những hành động hỗ trợ quốc tế trong các chiến dịch quân sự. Năm thành viên của hội đồng là 5 ông lớn trong hệ thống quốc tế (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc), và việc cả năm nước cùng đồng thuận một vấn đề không phải là điều dễ dàng có được.

Tổng thống Syria ông Bashar al-Assad có một người bạn là chức sắc trong HĐBA là Nga và do đó Syria là quốc gia có các đồng minh khác không muốn thấy cảnh Mỹ dội bom ở nước này. Trong khi đó, IS là kẻ thù chung của thế giới, và vì vậy các nước rất sẵn lòng để Mỹ ra tay đẩy lùi tổ chức này.

Đại sứ của Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power đã đăng tải trên mạng xã hội Tweeter một tấm ảnh của nghị quyết trên ít phút trước khi Tổng thống Mỹ tuyên bố ông đã cho phép tổ chức các cuộc không kích nhằm vào IS tại Iraq. Hành động này chỉ ra rằng chính quyền Obama muốn chứng minh rằng có một sự hỗ trợ quốc tế cho chiến dịch của Mỹ trước khi họ đưa ra tuyên bố chính thức.


Anh Tiếu (Theo VOX)



Đồng lòng trên một mặt trận chống IS
Đồng lòng trên một mặt trận chống IS

Một mặt trận đoàn kết quốc tế quy tụ nhiều quốc gia từ các châu lục đang dần được hình thành nhằm ngăn chặn, tiến tới quét sạch lực lượng phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN