Vì sao Ấn Độ sẽ hết sạch đạn dược chỉ sau 10 ngày chiến tranh?

Kho vũ khí đạn dược của quân đội Ấn Độ được cho là chỉ đủ dùng trong vòng 10 ngày nếu xảy ra chiến tranh. Tình hình này vẫn chưa được cải thiện mặc dù chính phủ đã đưa ra kế hoạch bổ sung nhanh chóng.

Báo India Today dẫn báo cáo của Bộ Tài chính và Tổng Kiểm toán Ấn Độ (CAG) trình quốc hội hôm 21/7 cho biết, có tới 61 loại đạn dược, trong tổng số 152 loại đạn mà quân đội Ấn Độ dự tính dùng trong một cuộc chiến tranh, chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong 10 ngày. Chỉ có 20% kho vũ khí, tương đương với 31 loại đạn dược, được xác nhận là thỏa mãn nhu cầu.

Như vậy, thời gian kho đạn được của Ấn Độ có thể đáp ứng trong trường hợp xảy ra chiến tranh biên giới với Pakistan hay Trung Quốc đã giảm một nửa so với con số 20 ngày theo đánh giá của CAG đưa ra năm 2015.

Kho vũ khí đạn dược của Ấn Độ được cho là chỉ đủ dùng trong 10 ngày nếu xảy ra chiến tranh. Ảnh: India Today

Trong khi đó, theo tiêu chuẩn, quân đội Ấn Độ lẽ ra phải có Kho Dự trữ hao hụt chiến tranh (WWR) đủ để đối phó một cuộc chiến tranh cường độ cao kéo dài 40 ngày. 40 ngày là thời gian tối thiểu để các nhà máy tăng cường sản xuất bổ sung thêm đạn dược cần thiết cho quân đội.

Điều này trở nên đáng lo ngại trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới không có dấu hiệu hạ nhiệt sau hơn một tháng đối đầu.

Vì sao thiếu hụt?

CAG chỉ ra, bất chấp những cảnh báo của kiểm toán cũng như cảnh báo từ các báo cáo về mức độ sẵn sàng quốc phòng năm 2015, đến nay tình hình WWR vẫn không có sự cải thiện.

Theo CAG, điều này là do hoạt động sản xuất và cung ứng của các nhà máy quân nhu vẫn chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng.

Quân đội Ấn Độ lớn thứ 3 thế giới với hơn 1,3 triệu binh sĩ. Với một lực lượng quân đội lớn như vậy, việc dự trữ vũ khí đạn dược dường như khó khăn hơn.

Một vấn đề nữa là chất lượng dự trữ, bảo quản. Thông thường, đạn dược có thời gian sử dụng lên tới vài thập niên nếu được bảo quản tốt, nhưng nhiều loại đạn dược dự trữ của Ấn Độ có dấu hiệu xuống cấp và có thể không sử dụng được.

Ngoài vấn đề từ phía các nhà máy quân nhu, vấn đề ảnh hưởng đến dự trữ vũ khí, đạn dược của quân đội Ấn Độ chính là ngân sách dành cho sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu từ nước ngoài.


Các nhà quan sát quốc phòng cho rằng, những cơ chế, thủ tục quan liêu đã phần nào cản trở năng lực quốc phòng của Ấn Độ những năm qua.

Theo một báo cáo, nhập khẩu chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu đạn dược cần mua của Ấn Độ trong giai đoạn 2008-2013 do những trở ngại thủ tục.

Thêm vào đó, chính sách “Make in India” (Ưu tiên hàng sản xuất nội địa) cũng ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm quốc phòng của quốc gia này. Chính sách do chính quyền Thủ tướng Narendra Modi công bố năm 2014 này đặt mục tiêu, Ấn Độ sẽ giảm nhập khẩu vũ khí, đạn dược để thúc đẩy nền sản xuất trong nước. Thủ tướng Modi kì vọng, Ấn Độ sẽ trở thành nhà xuất khẩu vũ khí, đạn dược cho thế giới, đặc biệt là các nước nhỏ hơn.

Báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới. Trong giai đoạn từ 2012 đến 2016, kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ chiếm 13% toàn cầu. Tuy nhiên, chiến lược gia Ian Bremmer cho rằng, dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ chi tiêu ngân sách cho cơ sở hạ tầng nhiều hơn chi tiêu quốc phòng.

Theo dantri.com.vn
Pakistan liên tiếp triệu đại diện ngoại giao Ấn Độ liên quan tới thỏa thuận ngừng bắn ở LoC
Pakistan liên tiếp triệu đại diện ngoại giao Ấn Độ liên quan tới thỏa thuận ngừng bắn ở LoC

Pakistan ngày 20/7 đã triệu Phó Cao ủy Ấn Độ tới và trao công hàm phản đối sau khi xảy ra vụ nổ súng ở khu vực dọc đường Ranh giới kiểm soát (LoC) mà phía Islamabad cáo buộc là do phía binh sĩ Ấn Độ gây ra, khiến 1 binh sĩ và 2 dân thường thiệt mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN