Vết rạn nứt mới trong nội bộ EU?

Phát biểu chiều 8/4 trong cuộc hội đàm diện hẹp với Tổng thống nước chủ nhà Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khẳng định mục đích chuyến thăm Nga lần này của ông là để “bắt đầu một mối quan hệ mới với Nga, vì lợi ích của nhân dân Hy Lạp và Nga”. Tuy nhiên, dư luận quốc tế lại nhìn nhận chuyến thăm này như một dấu hiện rõ ràng nhất, thể hiện sự rạn nứt trong nội bộ EU, liên quan các mối quan hệ với Nga.

 

Cuộc hội đàm diện hẹp chiều 8/4 giữa hai nhà lãnh đạo. Ảnh: TASS


Hy Lạp đã khiến Liên minh châu Âu (EU) không khỏi lo ngại, khi bất ngờ đòi Đức bồi thường chiến tranh gần 280 tỷ euro hôm 7/4 và đồng thời công khai ý định “xoay trục” sang Nga và Trung Quốc. Thực tế, Athens đang phải vật lộn với những khoản nợ đến hạn thanh toán và những cuộc đàm phán xin cứu trợ không mấy khả quan với EU, và phải chăng đây chính là lý do Hy Lạp tìm đến Moskva.


Giới quan sát, các quan chức cũng như lãnh đạo các nước châu Âu có lẽ đang suy đoán xem liệu ông Putin và ông Tsipras có thể đi đến một thỏa thuận kinh tế nào hay không? Cuộc gặp này đã được thông báo từ cách đây gần 1 tháng và không khó để nhận thấy cả Nga và Hy Lạp đều trông đợi chuyến thăm này có thể hóa giải những vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Hy Lạp cần thanh toán món nợ 448 triệu euro cho IMF vào ngày 9/4, còn Nga cũng đang phải gánh chịu những tổn thất kinh tế nặng nề bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây và việc giá dầu suy giảm mạnh.


Tuy nhiên, tại cuộc hội đàm, Tổng thống Putin và Thủ tướng Tsipras dường như không chú trọng vào những khó khăn kinh tế của Nga hay Hy Lạp. Hai bên chỉ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và nhân đạo, cũng như các vấn đề quốc tế cấp bách khác. Ngoài ra, hai bên cũng đặc biệt lên án những âm mưu nhằm bóp méo ý nghĩa lịch sử của Ngày Chiến thắng 9/5 đối với nhân loại cách đây 7 thập kỷ. Và những điều này đã được đưa vào Biên bản ghi nhớ chung được ký giữa hai nhà lãnh đạo sau đó. 


Phát biểu trước thềm chuyến thăm Nga, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras cho rằng "Hy Lạp, vốn là một thành viên của EU, có thể là cầu nối giữa phương Tây và Nga", đồng thời ông cũng khẳng định các lệnh trừng phạt Nga của châu Âu dường như không đi đến đâu. Ông Tsipras nêu rõ quan điểm không đồng tình các lệnh cấm vận mà châu Âu áp đặt lên Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine thời gian qua. Bên cạnh đó, một nguồn tin từ Ủy ban các vấn đề quốc tế trực thuộc Đuma Quốc gia (hạ viện) Nga cũng cho biết, Nga có thể xem xét hủy bỏ hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Hy Lạp, Síp và Hungary, vốn sẽ có hiệu lực đến hết ngày 8/8/2015. Theo số liệu thống kê do trang web FruitNews cung cấp, trước khi cấm vận, Hy Lạp cung cấp tới 40% lượng dâu tây và 25% lượng đào mà Nga nhập khẩu. Ngoài ra, Nga cũng xem xét việc giảm giá khí đốt cung cấp cho Hy Lạp, và cũng có thể đề nghị một số khoản vay mới dành cho Athens, cho dù đây không phải là mục tiêu chính của ông Tsipras khi đến Nga.

 

Có thế thấy rõ thắt chặt quan hệ với Nga chính là mục đính chuyến đi tới Moskva lần này của ông Tsipras. Nó không chỉ làm hài lòng dư luận trong nước, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Hy Lạp trong EU. Châu Âu đang có nhiều vấn đề phải giải quyết, và rõ ràng không phải vô cớ mà một quốc gia thành viên EU, khi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ chính các đồng minh của mình, lại quay sang tìm kiếm sự ủng hộ và tăng cường hợp tác với Nga. Điều đó một lần nữa cho thấy vai trò và vị thế quan trọng của Nga trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hy Lạp Tsipras giống như một rạn nứt mới và rõ ràng nhất trong nội bộ EU, liên quan các mối quan hệ với Nga.



Quế Anh(P/v TTXVN tại Moskva)

Hy Lạp vẫn ‘xoay trục” sang Nga và Trung Quốc
Hy Lạp vẫn ‘xoay trục” sang Nga và Trung Quốc

Chính quyền Athens đã trấn an các chủ nợ về cam kết trả các khoản tiền vay, thế nhưng vẫn công khai ý định “xoay trục” sang Nga, Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN