Vấn đề nợ và sức ép về sự tồn tại của G-8

Các báo Pháp những ngày gần đây cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại khu nghỉ mát Deauville (Pháp) thực chất là nhằm tìm cách bảo vệ các giá trị đang dần mai một và muốn khẳng định lý do tồn tại của thể chế quốc tế này.

Theo báo Le Figaro, G-8 đang phải gồng mình đối mặt với những khó khăn nội tại và các vấn đề quốc tế lớn như hỗ trợ và giúp đỡ các nước khởi nguồn phong trào “Mùa xuân Arập” ở Trung Đông và châu Phi; đảm bảo an toàn hạt nhân; đương đầu với các khoản nợ khổng lồ; ủng hộ sự phát triển của mạng Internet toàn cầu. Tuy nhiên, với những vấn đề lớn như vậy, trên thực tế, G-8 không đủ khả năng giải quyết tất cả. Cuộc khủng hoảng nợ đang tấn công châu Âu và Mỹ cho thấy các phương tiện cứu trợ ngày càng hạn chế.

Theo tờ Le Monde, ngoại trừ Canađa và Nga, các thành viên khác của G-8 nhóm họp tại Deauville lần này có chung một đặc điểm: Họ đều là những con nợ lớn, có chủ nợ ở khắp nơi. Le Monde nhận xét, các thành viên chính của G-8, chủ yếu là các nước phương Bắc giàu có nhưng già nua, lại đang phải đối mặt với các nước phương Nam trẻ trung và mới nổi. Do vậy, có thể thấy rằng sự mất cân đối mới trên thế giới đang được thiết lập: Tiền bạc chảy về phương Nam, còn nợ nần ở phương Bắc. Tình trạng này chứng minh cho sự mất cân đối lớn của nền kinh tế thế giới. Từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, thế giới đã quen với một thực tế: Các nước chủ nợ phương Bắc quản lý các khoản nợ của các nước phương Nam. Những nước phương Nam cần vay tiền cho các dự án về kết cấu hạ tầng lớn của họ. Các nước phương Bắc giàu có tiếp tục cho vay và các nước phương Nam là những nước đi vay.

Với các nước phương Bắc, nghịch lý không phải không diễn ra. Người ta đã quen với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giúp các nước phương Nam các khoản vay phát triển nhờ vào sự rộng lượng của các cổ đông phương Bắc. Song thực tế dường như đang thay đổi khi IMF phải bắt tay tham gia cứu trợ tài chính các nước khu vực đồng euro. Chịu tác động của khủng hoảng, Mỹ và châu Âu có lý do để vay nợ trong hai năm qua nhằm tránh việc ngừng đột ngột mọi hoạt động. Phương châm của họ là thà nợ công tăng còn hơn để suy thoái. Tuy nhiên, các khoản nợ lớn của phương Tây vượt ra khỏi khuôn khổ của cuộc khủng hoảng. Chỉ khoảng 20% các khoản nợ công của phương Bắc liên quan đến gói giải pháp chống khủng hoảng.

Các khoản nợ của các nước phương Bắc cũng bắt nguồn từ những lý do về mặt cấu trúc. Một phần lớn trong các khoản nợ nằm trong bối cảnh toàn cầu hóa các trao đổi thương mại. Tăng trưởng của các nước phương Nam thường lấy xuất khẩu làm động lực.


Trong cơn khủng hoảng, không phải không có những làn sóng đầu cơ. Người ta nhận thấy trong cơn bùng nổ của thị trường bất động sản và những lĩnh vực khác, nhiều ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay với những điều kiện rất thuận lợi gắn với những rủi ro lớn. Chỉ có thể đưa ra một lý do đơn giản: Các khoản vay nợ nuôi dưỡng các thị trường tài chính. Gánh nặng của những khoản vay nợ này tương ứng với sự gia tăng các khoản nợ trong ngân sách nhà nước. Các thị trường thích nợ và họ sống cũng nhờ các khoản vay nợ. Song cũng có một nghịch lý: Các khoản nợ lớn ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng, tạo thêm gánh nặng cho thế hệ tương lai, làm tăng nguy cơ lạm phát, làm giảm sức mua và gây xói mòn cho các nhà nước quen với truyền thống bảo hộ. Giải quyết những vấn đề đó là quá sức đối với G-8 và chính vì thế, sức ép đối với sự tồn tại của thể chế này ngày càng tăng.

Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN