Vai trò của tàu ngầm ở Tây Thái Bình Dương

Cuộc tập trận hải quân đa phương mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) đã diễn ra xung quanh quần đảo Hawaii (Mỹ) từ ngày 27/6. Cuộc tập trận được tổ chức 2 năm một lần năm nay đánh dấu một bước quan trọng thể hiện sự phối hợp tác chiến giữa các nước tham gia trong bối cảnh Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược về Thái Bình Dương. Nhân dịp này, mạng tin tình báo Stratfor (Mỹ) đã có bài phân tích về tương quan sức mạnh tàu ngầm của một số quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương.

 

Tàu ngầm được coi là vũ khí chiến lược trong phát triển hải quân của bất kỳ nước nào vì nó phù hợp với hàng loạt tình huống tác chiến như chống thâm nhập, đánh chặn, đặt ngư lôi, phong tỏa và thực hiện nhiệm vụ thu tin tình báo. Hầu hết các quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương đã phát triển hoặc đang cố gắng có được sức mạnh dưới đại dương.


Mỹ, Trung Quốc và Nga đang duy trì các hạm đội tàu ngầm lớn nhất ở khu vực Tây Thái Bình Dương và là những nước triển khai tàu ngầm hạt nhân trong khu vực. Ngoài ra, trong số các quốc gia ở Tây Thái Bình Dương, Nhật Bản, Ôxtrâylia và Hàn Quốc đang duy trì các đội tàu ngầm thông thường lớn nhất.


 

Tàu ngầm nguyên tử chiến lược Yuri Dolgoruky của Nga. Ảnh: Internet

 

Với Nhật Bản, do lo ngại sức mạnh tăng nhanh của hải quân Trung Quốc, chính sách mới của Nhật Bản, công bố tháng 12/2010, đã nhấn mạnh nhu cầu thay đổi từ chính sách phòng thủ bị động sau Chiến tranh Thế giới thứ II sang chính sách linh hoạt và tấn công. Chính sách này đã yêu cầu mở rộng đội tàu ngầm của Nhật Bản, nhấn mạnh vai trò thực hiện các chiến dịch thu thập tình báo, giám sát và do thám cũng như tiến hành hoạt động tuần tiễu thường xuyên ở các vùng biển xung quanh nước này. Nhật Bản hiện có 18 tàu ngầm chạy bằng điện và dầu diesel gồm 3 thế hệ. Thế hệ tàu ngầm mới nhất được trang bị hệ thống khí đẩy độc lập cho phép tàu hoạt động ngầm dưới nước lâu hơn.


Với Hàn Quốc, việc tàu hộ tống Cheonan bị đánh chìm năm 2010 với nghi ngờ do tàu ngầm CHDCND Triều Tiên tấn công, Hàn Quốc đã đặt trọng tâm phát triển lực lượng tàu ngầm. Nhiệm vụ của đội tàu ngầm Hàn Quốc không chỉ giúp phát hiện và giám sát các hành động của tàu ngầm Triều Tiên mà còn được sử dụng cho các chiến dịch đặc biệt nhằm chủ động tấn công hay thu thập tin tình báo. Hàn Quốc đang tìm cách mở rộng lực lượng tàu ngầm khi có ý định mua thêm 9 chiếc do Đức đóng và ít nhất thêm 9 chiếc khác được trang bị hệ thống khí đẩy độc lập của Đức. Hiện tại, hải quân Hàn Quốc đã triển khai 3 chiếc tàu ngầm và sẽ có thêm 6 chiếc nữa được triển khai trước năm 2018.


Với Ôxtrâylia, nhiệm vụ chính của hải quân Ôxtrâylia là ngăn chặn kẻ thù xâm nhập hải phận nước này đồng thời bảo đảm an toàn cho các tuyến hàng hải thương mại ra vào Ôxtrâylia. Thương mại đường biển là xương sống của nền kinh tế Ôxtrâylia với 75% hàng xuất nhập khẩu của nước này được vận chuyển bằng đường biển.

Mặc dù Ôxtrâylia phụ thuộc vào Mỹ trong việc đảm bảo đường vận tải trên biển, song hải quân nước này cũng muốn mở rộng khả năng tự vệ. Về lý thuyết, tàu ngầm là lực lượng chủ lực của hải quân Ôxtrâylia nhưng lực lượng này đã gặp nhiều vấn đề. Tháng 6/2008, Ôxtrâylia đã thiếu 37% số thủy thủ tàu ngầm trong khi đội tàu ngầm 6 chiếc thế hệ Collins gặp nhiều trục trặc kỹ thuật. Với mối lo ngại gia tăng từ sức mạnh của Trung Quốc, Ôxtrâylia đang có kế hoạch mua thêm 12 chiếc tàu ngầm thông thường trong thời gian từ 15 - 20 năm tới.


Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và các quốc gia biển khác ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, có những học thuyết khác nhau dựa trên những lợi ích và vị trí địa chính trị riêng của họ. Tuy nhiên, tàu ngầm đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tất cả các chiến lược quân sự của các quốc gia này. Với sự đa năng, chi phí phù hợp, được sử dụng trong nhiều tình huống, chiến thuật khác nhau, tàu ngầm sẽ tiếp tục là lực lượng được ưu tiên phát triển trong nỗ lực hiện đại hóa hải quân của các nước này.


Quang Tuyến

Chiến hạm, máy bay, tàu ngầm đổ xô đến Hawai tập trận
Chiến hạm, máy bay, tàu ngầm đổ xô đến Hawai tập trận

Lực lượng hải quân của 22 quốc gia Thái Bình Dương đang tiến hành cuộc tập trận lớn nhất thế giới mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) do Mỹ tổ chức.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN