Ukraine trên đường sụp đổ?-Kỳ 1: Bên bờ vực khủng hoảng

Bế tắc gần đây trong quan hệ với Nga, cuộc xung đột tại Donbass và cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn đang biến nền kinh tế vốn rất ảm đạm của Ukraine trở nên ngày càng u ám. Trong khi đó, sự phát triển về kinh tế mới là điều có ảnh hưởng rõ ràng nhất đối với sự ổn định trong tương lai của quốc gia này.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Ukraine không phải chỉ do tình trạng hỗn loạn tại khu vực phía đông nước này, vốn chiếm 16% GDP của Kiev. Suy thoái ở Ukraine đã diễn ra từ năm 2012 và các sự kiện ở Donbass chỉ làm sâu sắc thêm tình trạng trên. Kể từ khi ông Victor Yanukovych lên nắm quyền, các số liệu kinh tế tiêu cực đã liên tục xuất hiện và không có sự cải thiện nào cho đến nay.

Đầu tiên là trình trạng yếu kém trong thị trường các sản phẩm hóa học và luyện kim vốn là nền tảng trong lĩnh vực xuất khẩu và chiếm tới 65% GDP của Ukraine. Hai là có sự suy giảm về nhu cầu nội địa và đầu tư nước ngoài. Điều này đã dẫn đến tình trạng tham nhũng hàng loạt và sự mở rộng cái gọi là các tổ hợp doanh nghiệp “gia đình” có liên quan đến ông Yanukovych. Tiếp theo, có một sự hạn chế ngày càng tăng trong việc tiếp cận thị trường Nga, nơi mà trong nhiều năm qua là nhà nhập khẩu quan trọng nhất đối với hàng hóa của Ukraine.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Ukraine không phải chỉ do tình trạng hỗn loạn tại khu vực miền đông nước này, vốn chiếm 16% GDP.


Cuối cùng nhưng cũng quan trọng không kém, đó là mô hình kinh tế mà nước này thông qua vào năm 1991 đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Mô hình này được xây dựng dựa trên sự phụ thuộc chủ yếu vào một số ngành công nghiệp chủ chốt (luyện kim và hóa chất) trong khi các ngành khác vẫn chưa thực sự phát triển và không được cải cách triệt để.

Các số liệu tiêu cực

Rõ ràng là việc giá khí đốt tăng cũng đã giáng một đòn nặng nề đối với mô hình kinh tế trên của Ukraine trong những năm gần đây. Theo một thỏa thuận Kiev và Moskva ký năm 2009, Ukraine đã phải trả một trong những mức giá cao nhất về khí đốt ở châu Âu. Năm 2015, nước này phải trả 3,1 tỷ USD tiền khí đốt (chiếm 3,5% GDP), 3 năm trước con số này là 9,5 tỷ USD (chiếm 5,3% GDP) và năm 2012 là 14 tỷ USD, chiếm hơn 8% GDP. Với sự “hào phóng” trong việc trợ giá năng lượng của nhà nước dành cho các nhà tiêu dùng trong lĩnh vực công và cả tư nhân trong khi phải chi trả ở mức cao, không có gì ngạc nhiên khi nền kinh tế Ukraine bị tổn hại nghiêm trọng.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra từ tháng 3/2013 và tình hình bất ổn tiếp diễn tại khu vực Donbass đã tạo thêm “chất xúc tác” cho sự sụp đổ của các chỉ số kinh tế. Chính phủ thời hậu Maidan của ông Arseniy Yatsenyuk đã “thừa hưởng” một mức thâm hụt ngân sách khổng lồ cùng một số vấn đề tiêu cực chủ yếu khác của nền kinh tế. Vì vậy, ngay khi thành lập chính phủ mới, việc khôi phục nền kinh tế rõ ràng là vấn đề quan trọng sống còn của chính phủ mới và để Ukraine tiếp tục tồn tại.

Một trong những quyết định đầu tiên được ông Yatsenyuk thực hiện là tiến hành đàm phán với Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cho vay khẩn cấp. Tuy nhiên đến tận tháng 4/2014, IMF mới bật đèn xanh cho Ukraine để nhận khoản vay 16,6 tỷ USD. Đợt đầu tiên của gói tín dụng này (trị giá 3,2 tỷ USD) đã được chuyển cho Kiev một tháng sau đó, kèm theo là những điều kiện mà theo đó Ukraine phải tiến hành những cải cách quan trọng trong lĩnh vực tài chính và năng lượng. Khoản vay trên của IMF cũng là một sự hỗ trợ chính trị đáng kể cho Ukraine, giúp nước này thu hẹp những khoảng cách về ngân sách.

Mặc dù khoản vay đã cứu các lĩnh vực tài chính công của Ukraine thoát khỏi sự phá sản hoàn toàn, nhưng lại không thể ngăn chặn sự leo thang hơn nữa sự suy thoái kinh tế. Cuộc xung đột tại các khu vực Luhansk và Donetsk đóng vai trò quan trọng ở đây bởi vì một phần lớn ngành công nghiệp của Ukraine nằm ở khu vực này. Đa số các nhà máy ở Donbass đã phải đóng cửa, gây ảnh hưởng xấu đến sản lượng công nghiệp. Từ tháng 1 – 8/2014, sản xuất trong các ngành công nghiệp nhẹ và lĩnh vực hóa chất của Ukraine lần lượt giảm 50 và 45%.

Một phụ nữ trả tiền khi mua đồ tại Ukraine. Đồng tiền của nước này đã mất hơn một nửa giá trị trong năm 2014. Ảnh: AFP


Kết quả là, thất nghiệp gia tăng và sự bần cùng hóa sâu hơn xuất hiện trong khu vực này là vài trong số những tác động ngay lập tức có thể cảm nhận được. Các nguồn tài nguyên than và ngành công nghiệp khai thác mỏ nổi tiếng của Donbass cũng bị tổn thương nghiêm trọng do các cuộc xung đột. Hiện nay, 69 trong tổng số 93 mỏ than tại khu vực này bị ngưng hoạt động, trong đó có một số mỏ bị hư hại do các cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và lực lượng dân quân, một số khác thì bị ngập nước hoặc mất điện.

Hậu quả khôn lường

Những hậu quả thảm khốc từ việc loại khu vực Donbas ra khỏi “mạch máu” kinh tế của Ukraine hiện vẫn còn chưa rõ. Một mặt, khu vực này đóng góp 15% các nguồn thu ngân sách cho Ukraine và các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp tại Donbas mang lại nhiều lợi nhuận cho nhiều công ty trên khắp cả nước. Mặt khác, khu vực này cũng nhận nhiều trợ cấp từ ngân sách nhà nước (đối với các mỏ thua lỗ). Theo ước tính, sự phục hồi của khu vực này sẽ tốn ít nhất 1 tỷ USD, nhưng trước tiên, cuộc xung đột cần phải chấm dứt.
 
Trong nửa đầu năm 2014, GDP của Ukraine đã giảm 4,6 %. Các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Nga với Ukraine cũng có những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế của Kiev, đặc biệt là về các ngành công nghiệp cơ khí và thực phẩm. Xuất khẩu sang Nga - đối tác thương mại quan trọng nhất của Ukraine – đã giảm 23,7% trong bảy tháng đầu năm 2014. Xuất khẩu hàng hóa chung của Ukraine giảm 5,3%.
 
Tuy nhiên, hàng hóa Ukraine đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường châu Âu. Điều này chủ yếu nhờ vào Thỏa thuận Ưu đãi Thương mại Độc lập (ATP) ký ngày 23/4/2014, theo đó cho phép giảm hoặc thậm chí xóa bỏ thuế hải quan của EU đối với hàng hóa có xuất xứ từ Ukraine. Một yếu tố khác góp phần thúc đẩy thương mại giữa EU và Ukraine là sự mất giá của đồng hryvnia, ở mức khoảng 70% kể từ đầu năm 2014.

Cũng trong giai đoạn này, xuất khẩu hàng hóa Ukraine sang EU đã tăng chưa từng có, đạt mức 32,6%; trong khi xuất khẩu sang Nga giảm 20%, mức thấp nhất kể từ năm 1991. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã ảnh hưởng mạnh tới mối quan hệ kinh tế của nước này với Belarus và Kazakhstan. Trao đổi thương mại nước ngoài của Ukraine đã thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây và rất có thể sẽ thay đổi mạnh hơn nữa trong tương lai gần.
 

Công Thuận (còn tiếp)
Kỳ cuối: Nhân tố quyết định

Giành giật sân bay Donetsk: ‘Trận Stalingrad ở Đông Ukraine’
Giành giật sân bay Donetsk: ‘Trận Stalingrad ở Đông Ukraine’

Cảnh tượng đổ nát tại sân bay Donetsk gợi lại những gì từng diễn ra ở Mặt trận phía Đông trong Chiến tranh thế giới 2. Một số người bắt đầu ví đây là “Trận Stalingrad” của riêng người Ukraine, xét trên các khía cạnh giá trị chiến lược và giá trị biểu tượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN