Ukraine cần tiền hơn vũ khí

Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tiếp tục kêu gọi Washington hỗ trợ vũ khí để đối phó với lực lượng ly khai. Tuy nhiên, Ukraine hiện nay không cần thêm vũ khí cho cuộc chiến mà nước này không thể chiến thắng. Điều mà chính quyền Kiev cần lúc này là sự trợ giúp về kinh tế. 

Tổng thống Mỹ Obama (phải) hội đàm với Tổng thống Ukraine Poroshenko tại Washington ngày 18/9. Ảnh: AFP/TTXVN


Tổng thống Petro Poroshenko ngày 18/9 đã tới Washington để gặp người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Poroshenko nhấn mạnh rằng Ukraine cần có thêm nhiều trang bị vũ khí, kể cả vũ khí sát thương và phi sát thương. Tuy nhiên trên thực tế, Kiev không cần thêm vũ khí, điều mà nước này thực sự cần là viện trợ kinh tế để vực dậy nền kinh tế đang tuột dốc của mình.

Xét về tiềm lực quân sự, nếu không có sự can dự của NATO trên thực địa, Ukraine không thể đương đầu với Nga, cường quốc quân sự của thế giới. Tuy nhiên, giới lãnh đạo NATO đã khẳng định rõ rằng liên minh này sẽ không can thiệp quân sự vào Ukraine. Về phía Mỹ, thông báo của Nhà Trắng sau cuộc gặp giữa hai vị nguyên thủ tại Washington cho biết Mỹ sẽ viện trợ 53 triệu USD cho Ukraine, song Tổng thống Obama đã khước từ yêu cầu viện trợ vũ khí sát thương của Kiev.

Thực tế là dù Mỹ, hay nước nào khác có tăng cường viện trợ hơn nữa thì quân đội Ukraine vẫn  không phải là đối thủ của Nga. Kiev cần xây dựng một quân đội mới, chuyên nghiệp, được huấn luyện và trang bị tốt, có khả năng vận hành hệ thống chỉ huy kiểm soát tốt, cùng lực lượng tình báo, hậu cần hiện đại. Điều này đòi hỏi cần có tiền, sự hỗ trợ quốc tế và thời gian, có thể là nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ.

Trái lại, sự hỗ trợ cho nền kinh tế Ukraine mới là vấn đề then chốt. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế  Ukraine sẽ sụt giảm 6% trong năm nay, lạm phát dự kiến sẽ đạt tới 19%, tỷ lệ thất nghiệp hiện đang gần mức 9% sẽ tiếp tục tăng. Theo các con số chính thức, do hậu quả của cuộc xung đột sản lượng xuất khẩu của Ukraine đã giảm gần 10%.

Ukraine cần nhiều hơn sự hỗ trợ mà nước này nhận được từ quốc tế. Gói 17 tỷ USD do IMF viện trợ hồi tháng 5 phải đi kèm với những cải cách kinh tế đau đớn. Trong khi đó, viện trợ của Mỹ từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng hồi năm ngoái vẫn rất khiêm tốn, chưa tới 250 triệu USD, trong đó đã bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật cho việc cải cách, tổ chức hội nghị quốc tế về việc truy tìm các tài sản quốc gia bị đánh cắp và giám sát bầu cử.

Trên giấy tờ, Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra hào phóng hơn với gói viện trợ 14 tỷ USD, nhưng đây chỉ là con số đẹp về hình thức. Thực tế, gói viện trợ này bao gồm 2 tỷ USD tiền cho vay và tới 10 tỷ là các khoản vay tái cấu trúc và tất nhiên gói viện trợ còn bao hàm cả hỗ trợ kỹ thuật nhằm “thuyết phục” Ukraine triển khai các cải cách “khủng khiếp”.

Kinh nghiệm từ các quốc gia khác, như Nga trong những năm 1990, hay gần hơn là Hy Lạp năm 2010, cho thấy rằng những cải cách mà IMF đòi hỏi, điều kiện đi kèm các khoản vay, luôn ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng. Lý thuyết đó là cơn đau ngắn hạn của nền kinh tế sẽ đem lại lợi ích dài hạn cho người dân. Nhưng nếu một đất nước thiếu đi những yếu tố cơ bản để giúp tăng trưởng, như thể chế chính trị, quyền sở hữu trí tuệ, pháp trị…, sẽ rất khó hiện thực hóa những thành quả mà cải cách vẽ ra.


Thái Nguyễn
Ba Lan sẵn sàng bán vũ khí cho Ukraine
Ba Lan sẵn sàng bán vũ khí cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan tuyên bố nước này sẵn sàng bán vũ khí cho Ukraine nếu được yêu cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN