Từng là kẻ thù, vì sao Nga để ngỏ khả năng hợp tác với Taliban

Trong khi nhiều quốc gia đang cố gắng dọn dẹp đại sứ quán và sơ tán công dân khỏi Afghanistan, thì Nga vẫn giữ nguyên trạng thái. Moskva đã chuẩn bị từ lâu cho sự xuất hiện của Taliban ở Kabul.

Chú thích ảnh
Quân đội Nga tham gia các cuộc tập trận chung với Uzbekistan và Tajikistan trong tháng 8 này gần biên giới Tajik-Afghanistan. Ảnh: Reuters

Khi chính phủ Afghanistan sụp đổ trong tuần trước ở Kabul, Mỹ và phương Tây tăng tốc nỗ lực sơ tán, thì hàng trăm xe bọc thép và pháo của Nga đang hiện lên rõ mồn một cách đó vài trăm dặm, trên biên giới với Tajikistan.

Đó là một phần của cuộc tập trận, diễn ra chỉ cách vị trí của Taliban chưa đến 20km. “Họ đã ở đó, để làm rõ [lập trường]” - Tướng Anatoly Sidorov, chỉ huy các lực lượng tham gia cuộc tập trận cho biết - “Tất cả đều nhìn thấy rõ. Họ không ẩn nấp gì cả”. Cuộc tập trận cho thấy, bây giờ sẽ là Nga - người bảo vệ Trung Á khỏi nguy cơ bạo lực tiềm tàng ở cửa ngõ.

Trong cuộc cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng kéo dài thời hậu Xô-viết ở Trung Á, đôi khi còn được gọi là “Cuộc chơi Vĩ đại mới”, một người chơi vượt trội hơn bao giờ hết đã xuất hiện từ những hỗn loạn và rối ren của Afghanistan: đó là Nga, ít nhất là trong các vấn đề an ninh. ("Cuộc chơi Vĩ đại" - "The Great Games" là cuộc đối đầu chính trị, ngoại giao trong hầu hết thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 giữa hai đế chế Anh-Nga xung quanh vấn đề Afghanistan và các vùng lãnh thổ tiếp giáp ở Trung Nam Á)

Hôm 17/8, Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov, tuyên bố về việc NATO và các lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan: “Đây là một nhóm các quốc gia đang trên con đường rất khó khăn khi từ bỏ những vị trí trên thế giới mà họ đã quen thuộc trong nhiều thập kỷ.”

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Nga, Sergey V. Lavrov, tại Moskva vào tháng trước. Với việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, Nga đang có ảnh hưởng lớn hơn ở Trung Á. Ảnh: New York Times

Việc Nga củng cố vị thế của mình trong các vấn đề an ninh Trung Á là một phần của sự thay đổi lớn hơn đến từ sự trỗi dậy quyền lực của Taliban. Nga, Trung Quốc và Pakistan đều có thể giành được ảnh hưởng trong các vấn đề khu vực với sự rút lui của phương Tây, trong khi Mỹ và Ấn Độ chịu thua.

Alexander Cooley, Giám đốc Viện Harriman tại Đại học Columbia (Mỹ), nhận xét: "Đó là một khu vực đang chuyển mình mà không có Mỹ".

Đối với Moskva, cuộc rút lui hỗn loạn của Mỹ là một chiến thắng về mặt tuyên truyền trên quy mô toàn cầu. Từ Mỹ Latinh đến Đông Âu, Nga đã tranh giành ảnh hưởng bằng cách khẳng định rằng không thể tin cậy được Mỹ. Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, mới đây cảnh báo rằng những người bạn của Mỹ ở Ukraine cũng có thể sớm thất vọng.

Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Tổng thống Ashraf Ghani cũng là minh chứng cho chiến lược xây dựng mối quan hệ ngoại giao kéo dài nhiều năm của Nga với Taliban, bất chấp mối quan hệ cựu thù ở thập niên 1980, trong cuộc nội chiến Afghanistan.

Khi các nhà ngoại giao phương Tây chạy khỏi Kabul trong tuần này, các quan chức Nga đã ở lại, và Đại sứ quán Nga được Taliban đảm bảo an ninh. “Họ đã tạo ấn tượng tốt với chúng tôi. Họ là những người tử tế, được trang bị tốt”, Đại sứ Nga tại Kabul, Dmitri Zhirnov, nói về lực lượng bảo vệ Taliban mới của Đại sứ quán Nga.

Tại cuộc gặp gần đây nhất của Nga với đại diện Taliban ở Moskva hồi tháng 7, nhóm này đã cam kết rằng lợi ích quân sự của họ sẽ không phải là mối đe dọa đối với Nga hay các lợi ích của Nga. Moskva đã đăng cai tổ chức nhiều vòng đàm phán với Taliban mặc dù về mặt chính thức, nhóm này vẫn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố bị cấm với Nga và bất kỳ liên hệ nào với Taliban đều có khả năng trở thành tội phạm.

Chú thích ảnh
Lực lượng Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1989. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/AP 

Arkady Dubnov, một chuyên gia người Nga về Trung Á, mô tả chiến lược của Chính phủ Nga trong việc xây dựng mối quan hệ với Taliban dựa trên “chủ nghĩa thực dụng”. Các nhà phân tích cho rằng Điện Kremlin muốn bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Á, và muốn tránh bất ổn và nguy cơ khủng bố lan rộng qua khu vực "sân trước". 

Các cuộc tập trận của Nga với Trung Á còn đại diện cho một khía cạnh khác trong chiến lược của nước này, một cuộc phô trương lực lượng nhằm thể hiện sự sẵn sàng trừng phạt Taliban nếu họ bước quá giới hạn. 

Daniel Kiselyov, biên tập viên của Fergana, một trang báo tiếng Nga chuyên về Trung Á, cho biết: “Bạn có thể nói chuyện với Taliban nhưng bạn cũng cần phải cho họ thấy một nắm đấm”.

Ngoài Afghanistan, Nga vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ chính sách “ngoại giao nợ” và “ngoại giao cơ sở hạ tầng” của Trung Quốc ở Trung Á, một trọng tâm trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Hôm 18/8, Trung Quốc và Tajikistan đã có cuộc tập trận chống khủng bố cung.

Tuy nhiên, sự hiện diện an ninh của Nga vẫn là chủ đạo. “Dấu chân” quân sự rộng lớn mà Mỹ thiết lập ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, từng tạo điều kiện cho việc đưa quân vào Afghanistan, đã biến mất. Edil Baisalov, Đại sứ Kyrgyzstan tại Anh, bình luận ngắn gọn trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Thời điểm tuyệt vời của nước Mỹ ở Trung Á đã trôi qua từ lâu”.

Thực sự là vậy, các căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ở Kyrgyzstan và Uzbekistan đã đóng cửa từ lâu, dọc theo một tuyến đường hậu cần chính có tên “Mạng lưới phân phối phương Bắc” trải dài từ các quốc gia Baltic qua Nga và Trung Á đến bắc Afghanistan.

Chú thích ảnh
Lính Mỹ lên đường tới Afghanistan sau khi căn cứ của họ ở Manas, Kyrgyzstan đóng cửa năm 2012. Ảnh: AFP/Getty Images

Khi nỗ lực quân sự của Mỹ giảm sút, ảnh hưởng chính trị của Washington cũng suy giảm theo. Mùa Hè vừa qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra đề nghị với bốn trong số năm quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ - Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan - cung cấp những thứ như viện trợ tài chính và vaccine COVID-19 để đổi lấy việc chia sẻ 9.000 người tị nạn Afghanistan. Nhưng cho đến nay, Washington vẫn không tìm được người tiếp nhận.

Một số quốc gia, như Tajikistan, vui vẻ nhận tiền và vaccine nhưng vẫn từ chối nhận người tị nạn. Người dân địa phương cho biết hiện nay vaccine Moderna được cung cấp miễn phí trong các lều y tế do chính phủ thiết lập ở vùng núi Badakhshan, Tajikistan.

Tuy nhiên, gần đó, các đoàn tàu chở xe tăng và thiết giáp của Nga vẫn chạy ầm ầm dọc các con đường, tung bụi mù mịt trong một khu vực mà Tajikistan từ chối cho Mỹ tiếp cận trong quá trình rút quân.

Chú thích ảnh
Máy bay trực thăng quân sự của Nga tại Tajikistan trong cuộc tập trận tầm cao gần biên giới với Afghanistan trong tháng này. Ảnh: NYT

Trong suốt mùa Hè, các nhà lãnh đạo Nga đã chỉ rõ ai mới là người đứng sau những nỗ lực ngoại giao khu vực ở phía bắc Afghanistan, đồng thời loại bỏ hai sáng kiến của chính quyền Biden trong khu vực, một về người tị nạn Afghanistan và một sáng kiến khác về viện trợ an ninh.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NYT, NDTV)
Taliban thảo luận tương lai của đất nước với lực lượng an ninh Afghanistan
Taliban thảo luận tương lai của đất nước với lực lượng an ninh Afghanistan

Theo hãng tin Reuters của Anh, ngày 19/8, một quan chức Taliban cho biết các lãnh đạo của lực lượng này đã bắt đầu thảo luận với các thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan về tương lai của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN