Từ Grab đến Sea, các công ty công nghệ ASEAN đối mặt sự kết thúc của ‘thập niên vàng’

Grab là một trong số các công ty công nghệ khu vực đang lo lắng, tìm mọi cách đảo ngược những năm thua lỗ với chiến lược "bơm" tiền mặt, giành thị trường.

Chú thích ảnh
Giám đốc điều hành Grab, Anthony Tan (bên trái,) chụp ảnh với Thủ tướng chỉ định của Singapore Lawrence Wong (giữa) tại lễ khai trương trụ sở mới của công ty. Ảnh: Grab

Cách quận tài chính ở trung tâm Singapore chừng 10 phút lái xe, tòa trụ sở mới 9 tầng của Grab với 3.000 nhân viên cho thấy công ty đã vươn lên như thế nào kể từ những ngày đầu làm việc tại một văn phòng cho thuê xe nhỏ bé.

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Grab, tổ chức hồi tháng 8 đúng dịp khai trương trụ sở mới, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Singapore, Lawrence Wong, người đã được chỉ định làm Thủ tướng kế nhiệm ông Lý Hiển Long.

Những "biểu tượng" lo lắng

Theo trang Nikkei Asia, mặc dù năm 2022 là dấu mốc kỷ niệm lớn đối với Grab, một trong những doanh nghiệp biểu tượng cho sự đổi mới ở Đông Nam Á, thị trường chứng khoán lại không có sự thể hiện tưng bừng như vậy khi các nhà đầu tư ngày càng mất kiên nhẫn với kết quả hoạt động của công ty. Cổ phiếu của Grab đã giảm mạnh kể từ khi công ty này lên sàn vào tháng 12 năm ngoái, với mức vốn hóa thị trường lao dốc 80%.

Grab là một trong số các công ty công nghệ khu vực đang lo lắng, tìm mọi cách đảo ngược những năm thua lỗ. Một công ty Singapore khác được thành lập cùng năm - nhà điều hành thương mại điện tử Lazada, vẫn đang dựa vào nguồn vốn từ công ty mẹ Trung Quốc Alibaba. Các công ty cùng ngành như Sea (công ty mẹ của Shopee), với giá cổ phiếu đã giảm hơn 80% so với mức đỉnh, đang nhanh chóng giảm quy mô khi mức lỗ tăng lên.

Sự ra đời và lớn mạnh của các doanh nghiệp này đã trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy vượt bậc của hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á. Ông Ryu Muramatsu, đối tác sáng lập của GMO VenturePartners - công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Nhật Bản - cho biết: “Nhiều ngõ ngách của xã hội đã được chuyển đổi kỹ thuật số nhờ các công ty đó”.

Chú thích ảnh
Các công ty công nghệ Đông Nam Á đang đứng trước thách thức lớn ở cuối "thập niên vàng".

Khi có nhiều công ty khởi nghiệp hơn xuất hiện, các nhà đầu tư săn lùng lợi nhuận trong môi trường lãi suất cực thấp cũng nhiều hơn. Theo công ty phân tích Preqin, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong khu vực tăng vọt lên 24,8 tỷ USD vào năm 2021 - gấp hơn 120 lần trong 10 năm - trong khi các giao dịch tài trợ tăng 16 lần.

Nhưng kể từ tháng 12 năm ngoái, lãi suất tăng, lạm phát và triển vọng suy thoái kinh tế mạnh hơn ở các thị trường phát triển đã khiến các công ty khởi nghiệp tư nhân chịu những tác động của việc bán tháo công nghệ, làm giảm mức định giá cao ngất một thời.

Từ đầu năm đến tháng 9, các giao dịch đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á đứng ở mức 1.030 - tăng 24% so với cùng kỳ năm trước - vượt mạnh so với mức giảm 5% toàn cầu, theo Preqin. Nhưng tổng giá trị thương vụ của khu vực hầu như không thay đổi ở mức 16 tỷ USD, cho thấy quy mô thương vụ trung bình đã giảm.

Các công ty trong giai đoạn tăng trưởng đang tập trung vào việc hạn chế đốt tiền mặt và “sống sót” cho đến khi thị trường phục hồi. Liệu các công ty khởi nghiệp thế hệ đầu của Đông Nam Á như Grab và Sea có thể đạt được mục tiêu và xác thực mô hình kinh doanh hay không, đó sẽ là một bài kiểm tra quan trọng đối với hệ sinh thái của khu vực trong bối cảnh thị trường lần đầu tiên suy thoái.

Thay đổi hay là chết

Grab bắt đầu hành trình tại Malaysia với tư cách là một nền tảng gọi xe cho taxi và xe hơi cá nhân. Sau khi trở thành kỳ lân chỉ trong hai năm, công ty khởi nghiệp này đã khởi động một cuộc đột phá đầy tham vọng nhưng tốn kém vào các lĩnh vực kinh doanh khác, bao gồm cả lĩnh vực giao hàng thực phẩm và fintech vốn đông đúc.

Thị trường hoạt động của Grab là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, chứng tỏ tầm nhìn và thành công trong việc thu hút người dùng nhưng vẫn dẫn đến thua lỗ lớn trong nhiều năm. Năm nay, mặc dù cải thiện lợi nhuận, Grab vẫn lỗ ròng 1 tỷ USD trong nửa đầu năm.

Vào ngày 27/9, Grab đã tổ chức ngày hội nhà đầu tư đầu tiên tại trụ sở chính mới khai trương. Lần đầu tiên, công ty cam kết sẽ hòa vốn ở cấp độ tập đoàn vào nửa cuối năm 2024. Giám đốc điều hành của Grab, Alex Hungate đã vạch ra một loạt các sáng kiến ​​mới, chủ yếu là đổi mới tập trung vào GrabUnlimited, một chương trình đăng ký người dùng hàng tháng.

Chú thích ảnh
Grab bắt đầu từ một văn phòng nhỏ tại Malaysia (ảnh trái) trước khi xây dựng được trụ sở mới ở Singapore (ảnh phải). Ảnh: Grab 

Trọng tâm của chương trình nêu bật sự thay đổi của Grab: tăng cường quan hệ với người dùng hiện tại thông qua việc đăng ký người dùng mới, do đó giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiều ưu đãi của Grab. Trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, các khoản ưu đãi của Grab cho người tiêu dùng đã lên tới 311 triệu USD, một trong những lý do chính khiến hãng này lỗ 572 triệu USD trong thời gian này.

Thời "bơm" tiền mặt giành thị trường

Không gian công nghệ của Đông Nam Á bắt đầu nở rộ vào đầu những năm 2010 - khoảng 5 đến 10 năm sau Trung Quốc - cùng với tốc độ “phủ sóng” của điện thoại di động trong khu vực. Các nhà đầu tư và chính phủ vào thời điểm đó đang học hỏi các hệ sinh thái công nghệ hàng đầu như Thung lũng Silicon, cố gắng thúc đẩy một bối cảnh tương tự ở quê nhà.

Trong nhiều năm, các công ty khởi nghiệp khu vực bị chế giễu là "người nhái" hoặc "bản sao" của Thung lũng Silicon và Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, các công ty Đông Nam Á phải tiến hành nhiều đổi mới, xây dựng mạng lưới hậu cần và đối tác, tính đến sự kết hợp phức tạp giữa văn hóa kinh doanh, ngôn ngữ và con người trong khu vực.

Cuối cùng, những công ty khởi nghiệp này đã đạt được sức hút lớn. Năm 2016, Alibaba mua lại Lazada để mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh trong khu vực của Uber Technologies vào 2018 đã củng cố quan điểm rằng nội địa hóa là chìa khóa thành công trong khu vực phức tạp này.

Tuy nhiên, khi thị trường tăng trưởng, các nhà đầu tư lo sợ bị bỏ lỡ. Họ ném tiền vào nhiều công ty khởi nghiệp với hy vọng rằng một hoặc hai người cuối cùng sẽ thu được lợi nhuận kếch xù. Ngay cả những công ty khởi nghiệp chưa được kiểm tra kỹ càng cũng đã chứng kiến ​​những quỹ như Y Combinator của Thung lũng Silicon, bơm tiền để tăng giá trị.

Chú thích ảnh
Đầu tư tài chính cho các startup Đông Nam Á bùng nổ trong hơn một thập kỷ qua.

Lượng tiền mặt dồi dào cho phép các công ty khởi nghiệp tiếp tục tồn tại kiểu cá nhân lâu hơn và nhận thêm tiền mặc dù thua lỗ nặng. Những doanh nhân non trẻ giàu tiền mặt này tập trung vào việc mở rộng thị phần, để ngăn các đối thủ có thể bước vào và thách thức họ.

Nhìn lại thì các công ty khởi nghiệp nên tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận. Nhưng hồi đó, giành thị phần là một nước đi hợp lý, gần như là một "quy luật của trò chơi". Chuyên gia Muramatsu của GMO VenturePartners cho biết. “Ngày xưa, bạn chỉ cần đạt được điều đó thật nhanh. Vì vậy, những gì bạn làm là ưu tiên tốc độ hơn hiệu quả sử dụng vốn".

Trong thời gian diễn ra đại dịch, các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các giao dịch thông qua video mà không thực hiện những bước thẩm sát cơ bản cần thiết. Chuyên gia Chua Kee Lock, CEO của Vertex Holdings (nhánh đầu tư mạo hiểm của Temasek, Singapore), nhận xét: "Nhiều người nói rằng nó hoạt động hiệu quả. Nhưng tôi nghĩ là thiếu kỷ luật. Họ đã tạo ra một bong bóng lớn".

Thị trường lớn vẫn nhiều tiềm năng

Tuy nhiên, với thị trường dân số 680 triệu người nơi việc áp dụng kỹ thuật số còn đầy tiềm năng, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Đông Nam Á và hoạt động gây quỹ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Các nhà đầu tư cũng đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc.

Cuối tháng 9 vừa qua, SuperReturn Asia - hội nghị đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới - lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore thay vì Hong Kong. Kỷ lục 1.000 giám đốc điều hành từ hơn 40 quốc gia đã tham gia hội nghị kéo dài 5 ngày này.

Thậm chí trong năm nay, Đông Nam Á vẫn đang chứng kiến ​​nhiều tiền mặt đổ vào hơn. Trong sáu tháng đầu tiên, các công ty đầu tư mạo hiểm trong nước đã đóng 23 quỹ với số tiền thu được hơn 3 tỷ đô la, tương đương với kết quả hoạt động cả năm của 2021, theo DealStreetAsia.

Tuy nhiên, khi các lệnh thoát (exit) cần bắt đầu thực hiện, các nhà đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận ngắn hạn. Cũng giống như các công ty công nghệ đã giành được khu vực thông qua nội địa hóa, các nhà đầu tư sẽ cần phải có mặt trên thực địa.

Chuyên gia Chua cho biết: “Đây là thời điểm tốt. Không may một số người có thể không sống sót trong cuộc suy thoái này. Nhưng tôi nghĩ đó là một bài học đáng để xem xét”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Nikkei Asia)
Các nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu Đông Nam Á tăng trưởng mạnh
Các nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu Đông Nam Á tăng trưởng mạnh

Ngày 27/10, Google, Temasek và Bain & Company công bố báo cáo mới nhất cho thấy nhóm 6 nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong năm 2022, ước tính đạt tổng giá trị trao đổi hàng hóa (GMV) 200 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, báo cáo lưu ý Việt Nam sẽ là nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 2022 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN