Tư duy sử dụng cán bộ lãnh đạo mới của ông Tập Cận Bình

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đã khiến một loạt quan chức “ngã ngựa” và thay thế họ là các gương mặt mới. Trong số các quan chức mới được cất nhắc đó, người ta thấy không ít nhân vật là hiệu trưởng trường đại học, học giả, nhà tham mưu chiến lược nổi tiếng.

Thực tế này phản ánh tư duy sử dụng cán bộ lãnh đạo mới của ông Tập Cận Bình và việc “học giả tham chính” có thể sẽ trở thành một trong những “trạng thái bình thường mới” trong việc luân chuyển, sử dụng cán bộ ở Trung Quốc.

Tờ “Kinh tế Nhật báo” của Hong Kong ngày 9/2 cho biết vào ngày 28/1 vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc tuyên bố Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa Trần Cát Ninh được điều chuyển làm Bí thư Đảng ủy Bộ Bảo vệ Môi trường, thay cho ông Chu Sinh Hiền 65 tuổi (đến tuổi về hưu).

Ông Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN.


Dư luận cơ bản tin rằng Trần Cát Ninh sẽ hoàn thành trình tự pháp luật tại Hội nghị Ủy ban Thường vụ Nhân đại Toàn quốc hoặc tại Hội nghị Nhân đại Toàn quốc tổ chức vào tháng 3 tới để chính thức tiếp quản chức Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường. Cùng ngày, Ban Tổ chức Trung ương tuyên bố Hiệu trưởng Đại học Khoa học Kĩ thuật Trung Quốc Hầu Kiến Quốc sẽ đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.

Trước đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Khúc Tinh cũng được xác định là sẽ đi làm Đại sứ tại Bỉ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Bắc Kinh Quách Quảng Sinh được xác định sẽ đảm nhiệm chức Phó Tổng Thư ký Thị ủy Bắc Kinh.

Vào tuần đầu tiên của tháng 2/2015, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trung Quốc Trương Cao Lệ đã chủ trì hội nghị thúc đẩy chiến lược “một vành đai, một con đường” (vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21).

Theo đó, Tổ Lãnh đạo Xây dựng “một vành đai, một con đường” lần đầu tiên ra mắt với sự xuất hiện của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương Vương Hộ Ninh được xếp ngay phía sau ông Trương Cao Lệ. Điều này cho thấy ông Vương Hộ Ninh đã đảm nhiệm chức Tổ phó Tổ Lãnh đạo Xây dựng “một vành đai, một con đường”, trở thành một trong những người thúc đẩy quan trọng của chiến lược “một vành đai, một con đường”. Thực tế này không khỏi khiến dư luận bên ngoài cảm thấy bất ngờ.

Có ý kiến cho rằng quan trường Trung Quốc trước đây đã hình thành tư duy “chỉ cần hồng, không cần chuyên”, do đó xảy ra tình trạng quyết sách không khoa học, gây ảnh hưởng không tốt tới mức độ thực thi chính sách. Việc giới chức cấp cao đưa các chuyên gia uy tín vào nắm giữ chức vụ lãnh đạo ở các bộ ngành chính là nhằm cứu vãn cục diện nêu trên. Theo Chủ nhiệm Ban Biên dịch Văn kiện Trung ương của Cục Biên dịch Trung ương Trung Quốc Dương Tuyết Đông, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đội ngũ cán bộ cũng phải tự mình điều chỉnh, nâng cao trình độ tri thức để đáp ứng yêu cầu mới.

Ông Vương Hộ Ninh, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương Trung Quốc. Ảnh: chinadailymail.com.


Nếu không có một ê kíp quan chức với tố chất cao sẽ không thể điều hành đất nước một cách hữu hiệu. Giáo sư Lưu Hân thuộc Học viện Quản lý Công cộng, Đại học Nhân dân Trung Quốc, chỉ rõ yêu cầu về mức độ chuyên nghiệp hóa trong quyết sách của chính phủ ngày một cao nên ê kíp ra quyết sách cũng cần phải có mức độ chuyên nghiệp cao hơn.

Ngoài ra, có nhà quan sát chính trị cho rằng trong hệ thống quan trường hiện nay, các quan chức hành chính cấu kết với nhau, trở thành “ổ dịch tham nhũng”. Cho nên, việc đưa các học giả tương đối thiếu mối quan hệ với quan trường vào vị trí lãnh đạo các bộ ngành còn nhằm phòng chống tình trạng kéo bè kết phái, từ đó có tác dụng chống tham nhũng tốt.

Với trường hợp của ông Vương Hộ Ninh, trong một bài viết khác ở số ra cùng ngày, tờ “Kinh tế Nhật báo” cho biết nhân vật này từng phò trợ hai thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, đồng thời là nhà tham mưu chiến lược cốt lõi dưới thời hai nhà lãnh đạo này. Ông cũng là người trực tiếp tham gia vào việc khởi thảo “Thuyết Ba Đại diện” và “Quan niệm Phát triển Khoa học” tại Trung Quốc.

Ông Vương Hộ Ninh hiện nay 59 tuổi, làm Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương từ năm 2002. Tại khóa 17, ông Vương Hộ Ninh còn kiêm nhiệm chức Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành nhân sĩ thứ hai thuộc giới lý luận, sau Đặng Lực Quần. Tháng 11/2012, tại Đại hội 18, ông Ninh tiếp tục được tấn thăng làm Ủy viên Bộ Chính trị và từ đó dần bước ra khỏi tấm màn của một nhà tham mưu chiến lược. Ông thường cùng Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Lật Chiến Thư tham gia tháp tùng nhà lãnh đạo thế hệ 5 trong các chuyến đi thăm viếng.

Việc Vương Hộ Ninh tham gia vào ban lãnh đạo Tổ Lãnh đạo Xây dựng “một vành đai, một con đường” cho thấy nhân vật này đã trở thành nhà thiết kế và quy hoạch chiến lược lớn của Trung Quốc. Trước đó, nguyên Phó Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương Thi Chi Hồng từng tiết lộ ông Vương Hộ Ninh là Chủ nhiệm Văn phòng Tổ Lãnh đạo Công tác Thúc đẩy Cải cách Toàn diện Trung ương.

Có ý kiến cho rằng việc ông Vương Hộ Ninh tiến lên tuyến đầu công tác từ vị trí của “đệ nhất tham mưu chiến lược của Trung Nam Hải” đã phản ánh tư duy bố trí, sử dụng cán bộ mới của lãnh đạo thế hệ 5, giúp cho “bộ não” của đất nước thâm nhập sâu hơn vào các khu vực quyền lực, có thể trực tiếp tham gia các hoạt động thực thi chính sách, đồng thời trợ giúp lãnh đạo thế hệ năm nâng cao trình độ điều hành đất nước.


TTK


Trung Quốc cách chức Bí thư Nam Kinh
Trung Quốc cách chức Bí thư Nam Kinh

Ông Dương Vệ Trạch, Bí thư thành ủy Nam Kinh (thủ phủ tỉnh Giang Tô miền Đông Trung Quốc) đã bị cách chức do bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN