Trung Quốc với tham vọng hồi sinh "Con đường tơ lụa"

Trung Quốc đang muốn hồi sinh con đường tơ lụa cổ xưa nhằm tăng cường hợp tác với các nước dọc tuyến đường giao thương nổi tiếng một thời này. Với lịch sử hơn 2.000 năm, tuyến đường giao thương cổ xưa dài hơn 2.000 km này được các sử gia đặt tên là "Con đường tơ lụa phương Nam".


Tuyến đường giao thương này bắt nguồn từ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đi qua các thành phố ở Tứ Xuyên và tới Mianma qua tỉnh Vân Nam. Sau đó, tuyến đường trên vươn tới Ấn Độ, Bănglađét và sang cả Trung Đông. Giống như các con đường tơ lụa nổi tiếng trước đây, "Con đường tơ lụa phương Nam" có những đóng góp đáng kể cho hoạt động giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và các nước Nam Á.


Trung Quốc đã sẵn sàng cho nỗ lực hồi sinh của "Con đường tơ lụa phương Nam". Internet


Theo Chủ tịch tỉnh Vân Nam Li Jiheng, khi các thương nhân Nam Á bắt đầu để mắt tới thị trường rộng lớn Trung Quốc, mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và các nước Nam Á ngày càng phát triển. Kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng từ 34,7 tỷ USD trong năm 2006 lên 93 tỷ USD vào năm 2012. Ông Li Jiheng cho hay Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng và nguồn đầu tư nước ngoài của các nước Nam Á, trong khi các nước này được xem là thị trường lớn về dự án đầu tư ở nước ngoài hay điểm đến đầu tư của Trung Quốc. Tỉnh Vân Nam, với vị trí là "cầu nối" trong việc mở cửa khu vực phía Tây Nam Trung Quốc, đã chứng kiến khối lượng thương mại với các nước Nam Á tăng gấp 18 lần trong 15 năm qua.


Tuy vậy, một tuyến giao thông nội địa thuận tiện vẫn chưa được thiết lập, hầu hết các hoạt động kinh doanh giữa Trung Quốc và các quốc gia khác phải chọn đường biển có nhiều rủi ro, đi qua biển Nam Trung Quốc, và sau đó qua eo biển hẹp và nguy hiểm Malacca, để đến được Nam Á. Vùng thung lũng miền núi của tỉnh Vân Nam và cơ sở hạ tầng giao thông lạc hậu đã và đang cản trở sự phát triển của các tỉnh biên giới Tây Nam.


Wang Xiliang, Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Vân Nam, cho biết Vân Nam đang nỗ lực khôi phục tuyến đường giao thương có tiếng một thời và trở thành một đầu mối giao thông quan trọng kể từ năm 1999, khi tỉnh này lên kế hoạch phát triển một hệ thống giao thông lấy thủ phủ Côn Minh làm trung tâm, nối kết khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á.


Trên thực tế, Trung Quốc đã sẵn sàng cho nỗ lực hồi sinh của "Con đường tơ lụa phương Nam" và các kế hoạch liên quan đang được thảo luận. Theo nguồn tin từ Sở Giao thông vận tải Vân Nam, bên cạnh 16 tuyến vận tải quốc tế hiện kết nối tỉnh Vân Nam và một số nước thuộc khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, thì bảy trục giao thông bắt đầu từ tỉnh Vân Nam, nơi đang phát triển nhiều đường cao tốc cao cấp, trong đó có đường cao tốc Trung Quốc - Việt Nam, Trung Quốc - Lào - Thái Lan, Trung Quốc - Mianma, và một đoạn trong tuyến đường cao tốc Trung Quốc - Ấn Độ.


Với nỗ lực chung của Trung Quốc, Ấn Độ, Mianma và Bănglađét, tuyến đường cao tốc bắt đầu từ Vân Nam đến Ấn Độ, đi qua Mianma đã được các cơ quan chức trách có liên quan của bốn nước chấp thuận. Các chuyên gia từ bốn nước trên đã có chuyến đi thị sát tuyến đường dài 2.800 km hồi tháng 2/2012. Mặc dù lộ trình của "Con đường tơ lụa phương Nam" mới vẫn chưa được xác định, nhưng sự thành công của cuộc đua xe ô tô qua bốn nước hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua cho thấy việc xây dựng đường giao thông dọc theo tuyến đường đó có thể thành hiện thực.


Minh Hằng 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN