Trung Quốc trước khối nợ khổng lồ

Theo mạng tin "Nhà Ngoại giao" ngày 4/3, bước nhảy vọt vĩ đại của Trung Quốc về kinh tế giờ đây đã dẫn quốc gia này tới câu lạc bộ của các con nợ lớn nhất thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, có phải nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang tiến tới một thảm họa?

Theo báo cáo mới nhất của Viện McKinsey Toàn cầu (MGI), nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, từ 7.000 tỷ USD năm 2007 lên 28.000 tỷ USD vào giữa năm 2014, bằng 282% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) và cao hơn so với mức của Mỹ. Nếu cứ tiếp tục đà này, nợ của Trung Quốc sẽ lên tới 400% GDP vào năm 2018, tương đương mức của Tây Ban Nha.

Bình luận về sự bùng nổ nợ của Trung Quốc, báo cáo của MGI nhận xét: "Có một số yếu tố đáng lo ngại: một nửa các khoản vay liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường bất động sản của Trung Quốc, các tài khoản ngân hàng không được kiểm soát chiếm tới gần một nửa các khoản vay mới, và món nợ của nhiều chính quyền địa phương dường như là khó trả".

Giá nhà Trung Quốc sánh ngang ngửa với giá tại Mỹ, Pháp. Ảnh: europesworld.org.

Theo MGI, giá bất động sản đã tăng 60% kể từ năm 2008 tại 40 thành phố của Trung Quốc, với giá nhà tại các vị trí đắc địa ở Thượng Hải hiện chỉ thấp hơn khoảng 10% mức giá tại New York hay Paris. Một cuộc suy thoái kéo dài sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực xây dựng nhà ở, vốn chiếm tới 15% GDP, trong khi các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, nơi các khoản cho vay liên quan đến bất động sản chiếm tới 30% danh mục cho vay, sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Có tới 9.000 tỷ USD nợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực bất động sản, trong đó phần lớn là các khoản cho vay ngầm. Ngoài ra, thị trường bất động sản chậm lại đang làm tăng nguy cơ về một đợt vỡ nợ của các chính quyền địa phương, với 40% số tiền trả nợ được trích từ hoạt động bán đất.

Bắc Kinh đang đặt mục tiêu tăng trưởng "bình thường", ở mức khoảng 7%, cho năm 2015. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng ngay cả mục tiêu thấp hơn này cũng là một thách thức lớn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 7,4% trong năm 2014 xuống mức 6,8% trong năm nay, trong khi Oxford Economics cho rằng năm nay có thể sẽ là năm cuối cùng mà Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng 6%.

Bình luận về đợt cắt giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay ở mức 2,5% mới đây, các chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng đó là một "phản ứng đối với tốc độ tăng trưởng chậm lại, nguy cơ giảm phát tăng cao và chi phí cho vay cao mà các doanh nghiệp đã phải đối mặt", gây nguy cơ thoái vốn đáng kể.

Mới đây, một quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc phát biểu với tạp chí "Financial Review" của Australia rằng chỉ riêng trong tháng 12/2014 đã có 80 tỷ USD vốn rút khỏi Trung Quốc. Năm 1997, việc thoái vốn khỏi Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc đã khiến đồng tiền của các nước này sụt giá mạnh, gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn khu vực.

Tương tự như năm 1997, việc tăng lãi suất ở Mỹ cũng khuyến khích sự thoái vốn từ các nền kinh tế mới nổi. Theo chuyên gia kinh tế Liu Li-gang của ANZ, các công ty Trung Quốc đang vay nợ khoảng 1.000 tỷ USD, trong đó 80% là các khoản vay ngắn hạn. Một tỷ giá hối đoái thấp hơn sẽ làm tăng chi phí vay nợ đối với những người vay, gây khó khăn hơn nữa cho kinh tế Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc vừa phải vực dậy một nền kinh tế sa sút vừa phải ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải đau đầu trong năm nay.


TTK

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chạm 'đáy' trong quý 1
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chạm 'đáy' trong quý 1

Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại xuống mức “đáy” là 7% trong quý I/2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN