Trung Quốc tìm đường vào châu Âu

Chuyến thăm Belarus của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là chỉ dấu mới nhất về tầm quan trọng chiến lược của Đông Âu đối với Trung Quốc. Với vị trí địa lý là một cửa ngõ vào châu Âu, Belarus đóng một vai trò lớn trong việc đưa Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa của Trung Quốc tới châu Âu.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi văn kiện sau lễ ký ngày 10/5. Ảnh: THX/TTXVN


Với việc đặt chân tới Belarus hôm 10/5 trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày, ông Tập Cận Bình đã trở thành Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên trong vòng 14 năm qua đến thăm quốc gia Đông Âu này. Đúng như dự báo, Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đã ký một hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Theo BelTA, hãng thông tấn Belarus, trong hiệp ước này, hai bên đã đồng ý hợp tác "nhằm duy trì và củng cố hòa bình và ổn định ở khu vực Á - Âu (Eurasia), nhằm biến nơi đây trở thành một khu vực hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, cùng thịnh vượng và hài hòa". Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Lukashenko cũng đã nhất trí tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, được xác lập vào năm 2013 trong chuyến thăm của Tổng thống Lukashenko tới Trung Quốc.

Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình đã đặc biệt đề cập đến nhu cầu "biến mối quan hệ chính trị cấp cao này thành các kết quả đáng kể và thực tế hơn". Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tầm nhìn tập trung hơn vào Khu công nghiệp Trung Quốc - Belarus, nơi mà theo ông có thể trở thành một "viên ngọc" trên Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa. Khu công nghiệp này, còn được gọi là "Khu công nghiệp Đại Thạch", đã bắt đầu được hình thành vào năm 2010, song chỉ đến khi Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy tầm nhìn của mình về một Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa nối Trung Quốc tới châu Âu qua Trung Á, thì khu công nghiệp này mới phát triển thực sự.

Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Belarus đã chính thức đồng ý phối hợp với Trung Quốc về Vành đai này, đồng nghĩa với việc sẽ có sự mở rộng hợp tác về thương mại, tài chính, cơ sở hạ tầng và năng lượng. Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, Tổng thống Lukashenko cho biết đối với Belarus, "điều quan trọng hàng đầu là xây dựng một mạng lưới giao thông đường sắt, đường cao tốc, đường hàng không..., và điều quan trọng thứ hai là tạo ra một nơi để sản xuất các sản phẩm có tính cạnh tranh".

Dưới góc độ địa chiến lược, Tổng thống Lukashenko đã chỉ ra ý nghĩa sâu sắc hơn của mối quan hệ Trung Quốc - Belarus với lập luận rằng sự hợp tác giữa hai nước có thể giúp gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu. Điều đó rất phù hợp với chiến lược tổng thể của Trung Quốc là sử dụng các nước Đông Âu đang khát đầu tư để có được một chỗ đứng ở châu Âu.

Hiện tại, quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) chủ yếu dựa vào thương mại và kinh tế. Hai bên đã khá chậm chạp trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh, đồng thời vẫn bị chia rẽ về các vấn đề chiến lược sâu sắc hơn, đặc biệt là khi đề cập đến tương lai của trật tự quốc tế.

Đối với Đông Âu, Trung Quốc cung cấp một nguồn tài trợ vốn mới, giúp giảm sự phụ thuộc vào EU. Và đối với Trung Quốc, quan hệ tốt với các quốc gia Trung và Đông Âu giúp nước này có thêm ảnh hưởng chiến lược tại khu vực, đồng thời mở đường cho chiến lược "Một Vành đai, Một Con đường" của Trung Quốc được đơm hoa kết trái tại châu Âu.

Quang Hòa (Theo "The Diplomat", THX)

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Brazil
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Brazil

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới Brasilia, bắt đầu chuyến thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Dilma Rousseff.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN