Trung Quốc - Siêu cường sức mạnh mềm đầu tiên của thế giới

Hơn 20 năm kể từ khi Liên Xô tan rã và sau khi thế giới trải qua giai đoạn "đơn cực" do Mỹ đứng đầu, Trung Quốc đang dần nổi lên thành siêu cường mới nhất.

Theo báo "Bưu điện Huffington" (Mỹ) ngày 30/5, tất cả các siêu cường trước đây thường thiết lập vị thế của họ bằng sức mạnh quân sự ghê gớm, song Trung Quốc lại tiến tới địa vị siêu cường bằng một con đường khác.

Nhận thấy để đuổi kịp Mỹ bằng sức mạnh quân sự, Trung Quốc có thể sẽ phải trả giá đắt, Bắc Kinh đã chú trọng đến "sức mạnh mềm" bằng cách nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua "lực hấp dẫn" chứ không phải là sự ép buộc.

Trung Quốc đã xây Viện Khổng Tử ở hàng chục quốc gia. Ảnh: Internet


Mặc dù vẫn tiếp tục duy trì sức mạnh với các nước khác bằng vũ khí kinh tế, đầu tư và thương mại, song Trung Quốc trở thành nước đại diện cho nền ngoại giao công chúng tích cực nhất thế giới.

Trung Quốc đã chi khoảng 7 tỷ USD cho các nỗ lực phát thanh quốc tế, nhiều trăm triệu USD để xây dựng mạng lưới các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới và đổ một khối lượng tiền lớn vào các dự án quan trọng khác như các chương trình giao lưu và trao đổi giáo dục, các chương trình quảng cáo trên các bảng điện tử đắt giá tại Quảng trường Thời Đại của thành phố Niu Yoóc (Mỹ).

Bên cạnh đó, một số trường đại học tổng hợp nổi tiếng của Trung Quốc đang giảng dạy về nền ngoại giao công chúng và coi đây như một môn học chủ yếu để huấn luyện thế hệ tiếp theo trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Tất cả những gì Trung Quốc đang thực hiện đều bằng tiền và nỗ lực. Các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới cho thấy những kết quả khác nhau. Chẳng hạn, nhiều khu vực của châu Phi - nơi Trung Quốc xây dựng hàng chục tuyến đường giao thông và sân vận động - sự ưa chuộng của công chúng đối với Trung Quốc tăng mạnh. Nhưng ở nhiều nơi khác, công chúng cho rằng cần phải cảnh giác đối với Trung Quốc khi nước này tăng cường sự hiện diện trên lãnh thổ của họ.

Một số nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng các phương tiện truyền thông quốc tế đối xử không công bằng và thiếu tôn trọng Trung Quốc. Nhưng trái lại, họ không hiểu việc đối xử không công bằng đó là điều mà các siêu cường phải biết để chung sống. Vấn đề trao đổi song phương là quan trọng khi các mối quan hệ đa phương hình thành. Chẳng hạn, nếu Trung Quốc muốn "xuất khẩu" các Viện Khổng Tử, Bắc Kinh cũng phải cho phép Mỹ cũng như các nước khác xây dựng các trung tâm văn hóa tại Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn mở rộng phạm vi của các buổi phát thanh quốc tế, Bắc Kinh phải cho phép các nước khác phát thanh qua mạng hoặc phủ sóng toàn lãnh thổ Trung Quốc.


Những mục tiêu như vậy xem ra có vẻ khó khăn, bởi Trung Quốc chỉ muốn cho phép tranh luận chính trị trong biên giới chứ không muốn cho phép bên ngoài đóng góp ý kiến vào các cuộc tranh luận như vậy.

Tuy nhiên, thế giới đã xác định Trung Quốc là một đối thủ toàn cầu và đang theo đuổi nền ngoại giao công chúng, chứ không đe dọa các nước bằng cuộc chạy đua vũ trang như các siêu cường khác. Do đó, đây là điều đáng khích lệ. Nếu Mỹ và các cường quốc thế giới kiên trì can dự Trung Quốc trong phạm vi ngoại giao công chúng, Trung Quốc có thể sẽ phải hướng tới mở cửa hơn nữa. Và điều đó có thể cho phép Trung Quốc - siêu cường mới nhất - tiếp tục dựa vào "sức mạnh mềm" trong quan hệ quốc tế.


TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN