Trung Quốc sẽ “ra đòn” ở Biển Đông sau Thượng đỉnh G20?

Một học giả cao cấp về chính sách quốc phòng cho rằng thời điểm kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể là thời điểm vô cùng thuận lợi để Trung Quốc đưa ra một phản ứng mạnh mẽ mà ít bị chú ý.

Máy bay chiến đấu Shenyang J-31 của Trung Quốc ra mắt cuối năm 2014.

Học giả cao cấp về Chính sách Quốc phòng Harry J. Kazianis đã bình luận trên tờ Thời báo châu Á mới đây rằng, dù Trung Quốc gặp bất lợi sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) liên quan đến vụ kiện Biển Đông, nhưng không ai nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ chịu thua một cách quá tệ hại như vậy, và những gì xảy ra tiếp theo mới là vấn đề quan trọng. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ phản ứng – và phản ứng một cách dữ dội.

Theo ông Kazianis, ít nhất cho đến nay, Bắc Kinh chỉ tăng cường phản ứng bằng những tuyên bố, nhưng tháng 9 tới có thể là thời điểm không thể tốt hơn để Trung Quốc đưa ra một phản ứng mạnh mẽ mà cộng đồng thế giới có lẽ không để ý.

Hội nghị G20 + Bầu cử tổng thống Mỹ = Thời điểm rắc rối đối với châu Á

Vậy tại sao sự phản ứng của Trung Quốc bị trì hoãn? Hãy nhớ rằng, Bắc Kinh dự kiến sẽ lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 tới ở thành phố Hàng Châu. Luôn hướng tới việc nâng cao vị thế như là một siêu cường mới nổi, cũng như đóng vai trò là một quốc gia đối tác cơ bản và không bao giờ là nước khơi mào rắc rối, Bắc Kinh sẽ đi theo một kịch bản thận trọng ở Biển Đông - rất nhiều cuộc tranh luận nảy lửa và gửi đi những thông điệp cứng rắn, nhưng không có các bước leo thang trong thời gian này.

Trung Quốc sẽ không muốn bất kỳ sự mạo hiểm nào tại hội nghị lần này - vượt ra ngoài những gì có thể xảy ra trong hội nghị khi nói đến những căng thẳng ở châu Á. Như ông Kazianis nhận định, Bắc Kinh có mọi động cơ để kiềm chế phản ứng mạnh cho đến khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20.

Pháo cổ đại của Trung Quốc.

Ngoài vấn đề trên, thêm nhiều lý do để lập luận rằng Bắc Kinh đang “giấu mình” để chọn thời điểm phản ứng. Không thể có thời điểm nào tốt hơn để khơi mào rắc rối ở Biển Đông trong thời gian mà Mỹ - là quốc gia duy nhất thực sự có thể ngăn cản Bắc Kinh trở thành kẻ gây rối - sẽ bị phân tâm rất nhiều trong vấn đề lựa chọn vị tổng thống tiếp theo của họ. Mỹ cũng như phương tiện truyền thông toàn cầu sẽ tập trung rất nhiều vào cuộc đua giữa hai ứng cử viên tổng thống - ông Donald Trump và bà Hillary Clinton, cho dù đó là những cuộc tranh luận sắp tới giữa hai ứng cử viên hay các vụ bê bối mới nhất hàng ngày của họ.

Ngay cả khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phi pháp ở Biển Đông hoặc bắt đầu công việc cải tạo bãi đá Scarborough, có một cơ hội tốt để Trung Quốc ít bị chú ý nhiều khi mà cả thế giới đang dõi theo từng lời bình luận, bài phát biểu và tranh luận của hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà trắng. Vì vậy, đối với Trung Quốc, đó có thể là thời điểm tốt nhất để chớp lấy cơ hội, trong bối cảnh mọi ánh mắt của thế giới chỉ đơn giản là nhìn về một nơi khác.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải xem xét điều này: Với một sự thay đổi quyền lực sắp diễn ra ở Mỹ và sự không chắc chắn về việc ai sẽ giành chiến thắng, cũng như không chắc chắn về quan điểm của họ sẽ như thế nào đối với châu Á, Bắc Kinh có thể “đặt cược” rằng giờ là lúc để hành động. Trung Quốc cũng có thể cảm nhận rằng họ sẽ không phải chịu sự phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ trong bối cảnh chính quyền Obama muốn kết thúc nhiệm kỳ của mình mà không bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng ở châu Á.

Công Thuận (Theo Asia Times)
Bị thua kiện ở Biển Đông, Trung Quốc "giấu mình chờ thời"?
Bị thua kiện ở Biển Đông, Trung Quốc "giấu mình chờ thời"?

Yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là một sự khiêu khích đối với cộng đồng quốc tế, nhưng rút lại những yêu sách đó có thể sẽ khiến Trung Quốc mất mặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN