Trung Quốc sẽ giúp Nga theo cách nào?

Theo mạng tin "Nhà Ngoại giao" ngày 14/3, việc Trung Quốc tăng cường trợ giúp những quốc gia gặp khó khăn về tài chính là một phần trong ý đồ của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc "can dự nhiều hơn với thế giới". Và việc Trung Quốc ra tay giúp Nga sẽ là một "mắt xích" trong vành đai cứu trợ tài chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc đối với Nga dù đã được tăng cường song vẫn còn hạn chế và chủ yếu được thực hiện một cách gián tiếp.

Các khoản cho vay và hoạt động nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc đã mang lại cho Nga một số lợi thế đáng kể về kinh tế. Kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Nga đã tăng mạnh. Ngoài ra, Bắc Kinh còn hứa hẹn với Moskva về các dự án hạ tầng và những thỏa thuận dài hạn. Một số ngân hàng của Trung Quốc - trong đó có Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Ngân hàng Cáp Nhĩ Tân, Công ty Bảo hiểm xuất khẩu và tín dụng Trung Quốc, Tập đoàn đầu tư tài chính chiến lược Trung Quốc - đã đồng ý cho các ngân hàng Nga vay 13,8 tỷ USD. Trung Quốc thậm chí đã đồng ý gánh vác phần lớn trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc trị giá 242 tỷ USD giữa Bắc Kinh và Moskva.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: scmp.com.


Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng "chúng ta đã cùng nhau vun đắp cho "cây quan hệ" Nga-Trung. Mùa thu đã tới, giờ là lúc thu hoạch, giờ là lúc chúng ta hái quả".

Theo nghiên cứu của Tập đoàn Nomura Holdings, Trung Quốc đã ký với Nga hai thỏa thuận về khí đốt, có thể cung cấp tới 17% nhu cầu về khí đốt của Trung Quốc vào năm 2020. Tuy nhiên, bất kể những khoản tín dụng, những thỏa thuận lớn về năng lượng và những đóng góp đáng kể vào thương mại của Nga, sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ không đủ để cứu nền kinh tế Nga. Hiện nay, phần đóng góp của Trung Quốc vào nền kinh tế Nga còn rất nhỏ so với phần đóng góp của Liên minh châu Âu (EU), với đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 75% tổng lượng vốn huy động của Nga. Các nguồn tài chính đáng kể từ Trung Quốc cũng chưa đạt 10% trong tổng số 265 tỷ USD tín dụng và trái phiếu mà Nga cần phải trả.

Hơn nữa, ngay cả khi Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga một khoản tín dụng đáng kể trong trường hợp xảy ra khủng hoảng thì Trung Quốc vẫn không thể đáp ứng các nhu cầu của Nga trong lĩnh vực công nghệ năng lượng. Nga cung cấp cho Trung Quốc gần 1/3 lượng khí đốt mà họ xuất khẩu ra toàn thế giới, song Nga vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ khai thác của phương Tây - những công nghệ được đánh giá là rất cần thiết đối với nền kinh tế Nga. Trung Quốc có sức mạnh về tài chính, nhưng họ không có công nghệ tiên tiến cần thiết để có thể khai thác năng lượng tại những khu vực giàu năng lượng nhưng khắc nghiệt về điều kiện tự nhiên như Bắc Cực và Đông Siberia.

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ thể hiện những cử chỉ nhỏ thông qua các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước. Một gói cứu trợ đáng kể vẫn chưa được cam kết. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, cho biết: "Nga chưa chính thức đàm phán với Trung Quốc về bất kỳ sự trợ giúp tài chính lớn nào".

Bên cạnh đó, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga về mặt chính trị - đáng chú ý là trong những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine - vẫn còn thận trọng. Đây có thể là một lập trường có tính toán của Bắc Kinh bởi Trung Quốc không thể hy sinh mối quan hệ của họ với phương Tây chỉ vì Nga.

Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Nga một gói cứu trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một thỏa thuận tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, được thành lập vào năm 2001 giữa Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác thuộc Liên Xô trước đây. Và gói cứu trợ này có thể sẽ xuất phát từ Ngân hàng Phát triển mới, còn được gọi là Ngân hàng Phát triển BRICS. Trung Quốc sẽ tránh đầu tư trực tiếp vào Nga bởi hành động này có thể gây ra hậu quả trên quy mô quốc tế. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ sử dụng các phương pháp gián tiếp để giúp đỡ Nga, bởi họ không muốn gây căng thẳng với phương Tây.


TTK

Nga-Trung tăng cường hợp tác trong các vấn đề toàn cầu
Nga-Trung tăng cường hợp tác trong các vấn đề toàn cầu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang ở thăm Bắc Kinh, trong đó hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác về các vấn đề toàn cầu trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN