Trung Quốc chuẩn bị thế chân phương Tây tại Ápganixtan?

Các quan chức Ápganixtan cho biết Ápganixtan và Trung Quốc đang chuẩn bị công bố một kế hoạch chung nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Sự kiện này được cho là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Trung Quốc đang tìm kiếm một vai trò lớn, vượt xa mối quan hệ đối tác kinh tế với Ápganixtan trong bối cảnh các nước phương Tây chuẩn bị rút hoàn toàn khỏi quốc gia này.


Trung Quốc giữ vai trò chính trị không đáng kể so với những nỗ lực trong suốt hơn một thập kỷ qua của cộng đồng quốc tế nhằm ổn định tình hình tại Ápganixtan. Thay vào đó, Trung Quốc tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế, cụ thể là việc duy trì nguồn cung từ tài nguyên khoáng sản dồi dào của Ápganixtan.


Trong khi liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu quyết định rút dần quân về nước và chuyển giao an ninh cho lực lượng địa phương thì Bắc Kinh, cùng với một số cường quốc khu vực, từng bước đẩy mạnh vai trò của mình tại một khu vực vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bị thống trị bởi các phiến quân Hồi giáo.


 

Thủ đô Bắc Kinh trang hoàng cờ hoa chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra từ ngày 6 - 7/6/2012. Ảnh: THX/TTXVN

 

Tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và người đồng cấp Ápganixtan Hamid Karzai bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong tuần này, hai bên sẽ trình bày kế hoạch tăng cường quan hệ, trong đó có cả hợp tác an ninh. Trao đổi với báo giới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ápganixtan Janan Mosazai nói: "Tổng thống Ápganixtan sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh. Đây sẽ là cơ hội để hai nước nâng cao vị thế và đưa mối quan hệ song phương lên tầm cao chiến lược mới. Thỏa thuận mới giữa hai nước sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực như hợp tác về an ninh, kinh tế và văn hóa".


Mặc dù người phát ngôn này từ chối cung cấp các chi tiết về kế hoạch hợp tác an ninh, song chuyên gia về Trung Quốc, Andrew Small tại Quỹ Marshall châu Âu, chuyên nghiên cứu về mối quan hệ của Trung Quốc với các nước Nam Á, cho rằng nhiều khả năng thỏa thuận đó sẽ đề cập đến hoạt động đào tạo các lực lượng an ninh. Theo ông, mặc dù Trung Quốc đã tỏ rõ ý định sẽ không đóng góp vào quỹ đa phương nhằm duy trì lực lượng an ninh quốc gia của Ápganixtan - ước tính tốn khoảng 4,1 tỷ USD sau năm 2014 - song cường quốc này có thể sẽ trực tiếp tham gia huấn luyện binh sĩ Ápganixtan.


Giáo sư Nam Á Zhang Li tại Đại học Tứ Xuyên, hiện đang nghiên cứu về tương lai mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ápganixtan cho rằng, Bắc Kinh muốn nắm giữ vai trò chủ động hơn, nhưng họ sẽ cân nhắc tính nhạy cảm (trong chính sách) của các nước láng giềng tại khu vực vốn luôn được coi là điểm nóng trên thế giới này. Ông nói: "Tôi không cho rằng việc Mỹ rút quân cũng sẽ đồng nghĩa với việc Trung Quốc cũng giảm bớt vai trò của họ (tại Ápganixtan), song Trung Quốc sẽ giữ thái độ kín kẽ và thận trọng, nhất là trong lĩnh vực an ninh tại quốc gia này".


Hồi tháng 2/2012, Trung Quốc đã đứng ra chủ trì một hội thảo ba bên bao gồm các quan chức từ Pakixtan và Ápganixtan nhằm thảo luận các biện pháp tiến hành hòa giải với Taliban. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc trực tiếp và cởi mở tham gia vào tiến trình ổn định hóa Ápganixtan.


Người phát ngôn Mosazai cho biết Cabun ủng hộ tất cả các nỗ lực nhằm đem lại hòa bình cho đất nước. Ông nói: "Trung Quốc có mối quan hệ gần gũi và là một người bạn của Ápganixtan. Họ cũng có quan hệ thân thiết với Pakixtan và chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh những nỗ lực của họ nhằm đem lại hòa bình và ổn định cho Ápganixtan".


Hai nước láng giềng "sát vách" với Ápganixtan là Iran và Pakixtan, và cả hai nước lân cận là Ấn Độ và Nga, đều đang tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia nằm ngay tại ngã tư của Trung Đông và Nam Á này. Nhiều người cho rằng "cuộc cạnh tranh" sẽ trở nên căng thẳng hơn sau năm 2014.


TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN