Trung Quốc "âm thầm xâm nhập" vùng ảnh hưởng của Nga ở Trung Á

Trung Quốc đã tiến hành những bước chưa có tiền lệ để trở nên chủ động hơn về mặt quân sự tại khu vực Trung Á nhằm tạo thế đối trọng với Nga, đồng thời bảo đảm an toàn cho các dự án do Bắc Kinh khởi xướng và khu vực biên giới, tạo bước đệm cho sự mở rộng quân sự tương lai và giảm tầm ảnh hưởng chung của Moskva.

Tạo thế chủ động nhằm đối trọng với Nga

Bình luận trên tờ Eurasia Daily Monitor mới đây, chuyên gia an ninh và chính trị Trung Á Umed Partov nhận định rằng Trung Quốc đã tiến hành những bước chưa có tiền lệ để trở nên chủ động hơn về quân sự ở cộng hòa nhỏ bé Tajikistan. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy hợp tác an ninh và quân sự chung gần gũi hơn với Tajikistan, Afghanistan và Pakistan. Những động thái này có thể giúp Trung Quốc trở thành một đối trọng khu vực tiềm tàng với Nga - nước mà vai trò quân đội của họ được minh chứng bởi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu (với Tajikistan cũng là một thành viên) cũng như căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài của Nga, vốn được đặt trên lãnh thổ Tajikistan.

Các binh sĩ Trung Quốc- Tajikistan trong cuộc diễn tập quân sự chung tháng 11/2016. Ảnh: AsiaPlus

Từ ngày 20-24/10, 10.000 nhân viên quân sự thuộc quân đội Tajikistan và Trung Quốc đã được huy động để tham gia các cuộc diễn tập chống khủng bố tại khu vực Ishkoshim của Tajikistan, nơi có biên giới giáp với Afghanistan. Cho đến nay, Trung Quốc và các đối tác khu vực đều không công khai bình luận về sự quan tâm bất ngờ của Bắc Kinh liên quan đến vấn đề hợp tác quân sự song phương với Tajikistan.

Theo các chuyên gia an ninh và quân sự của Nga và Tajikistan, các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á là rất bất thường. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc đã thúc đẩy lợi ích kinh tế của mình trong khu vực, nhưng nước này luôn duy trì sự hiện diện quân sự rất không rõ ràng. Một số nhà phân tích nhận định rằng nhu cầu bất thường của Tajikistan về đầu tư và hợp tác quân sự từ Trung Quốc có liên quan đến tình hình an ninh đang xấu đi dọc theo biên giới với Afghanistan. Bên cạnh đó, các hoạt động cực đoan hồi giáo ngày càng tăng của Taliban, IS, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU,và lực lượng đòi ly khai Duy Ngô Nhĩ (Trung Quốc) đã khiến Tajikistan lo sợ hoạt động khủng bố sẽ xảy ra trên lãnh thổ nước này.

Cho dù Nga không công khai phản đối hành động quân sự chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc ở Tajikistan, những diễn biến này gần như chắc chắn sẽ chọc tức Moskva. Ảnh hưởng của Nga ở Trung Á, đặc biệt là ở Tajikistan là rất lớn. Và mặc dù suốt ¼ thế kỷ qua, Nga cũng giảm sự quan tâm đến khu vực này, nhưng Moskva vẫn coi Trung Á nằm trong vùng ảnh hưởng độc quyền của mình. Căn cứ quân sự của Nga đã tồn tại ở Tajikistan hơn 70 năm, và một thỏa thuận song phương mới mà hai bên đã ký kết năm 2012 cho phép căn cứ này hiện diện ở đó đến năm 2042. Trong khi đó, có sự ngạc nhiên lớn là Trung Quốc đã tiến hành các bước đi cụ thể để thành lập liên minh chống khủng bố trong khu vực, bao gồm Tajikistan, Pakistan và Afghanistan.

Tiến trình thành lập liên minh quân sự này đã được khởi động sau một cuộc họp cấp cao giữa Bộ trưởng Nội vụ Tajikistan Ramazon Rahimzoda và Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn tại Bắc Kinh ngày 25/2/2016. Sau cuộc gặp trên, người đứng đầu các lưc lượng vũ trang của Trung Quốc, Tajikistan và Pakistan đã gặp nhau ở Dushanbe. Một trong những kết quả của cuộc gặp này là một hiệp ước xây dựng trung tâm chống khủng bố chung ở Dushanbe cho Bộ Nội vụ Tajikistan và Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cam kết viện trợ quân sự 70 triệu USD cho các lực lượng an ninh Afghanistan. Nhưng bước đi liên tục này đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 8 vừa qua trong một cuộc gặp 4 bên giữa người đứng đầu lực lượng vũ trang các nước Trung Quốc, Tajikistan, Pakistan và Afghanistan ở khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc). Các bên đã cam kết tham gia một liên minh quân sự nhằm tăng cường những nỗ lực chống khủng bố tập thể và hợp tác để tạo sự ổn định tốt hơn cho khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Tajikistan trong cuộc gặp mới đây tại Moskva. Ảnh Eurasianet.org

Trong quá khứ, Nga đã bày tỏ sự quan tâm trong việc thành lập một liên minh tương tự. Lãnh đạo các nước Nga, Tajikistan, Pakistan và Afghanistan đã gặp nhau nhiều lần trong giai đoạn 2009-2012, với mục tiêu thành lập một cơ chế ổn định và anh ninh khu vực chung sau khi Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) rút khỏi Afghanistan. Nhưng sáng kiến do Nga đề xuất này đã không thể thực hiện.

Tạo bước đệm để mở rộng sự hiện diện quân sự

Thông qua đảm nhiệm vai trò trung tâm hơn trong việc cung cấp an ninh ở Trung Á, Trung Quốc dường như quyết tâm làm giảm bớt những nguy cơ vật lý đối với lĩnh vưc kinh doanh trong khu vực. Trung Quốc có thể cũng đang tìm cách bảo đảm khu vực biên giới của mình với Tajikistan được an toàn trước các nhóm phiến quân và nổi dậy đang ngày càng tăng ở Afghanistan và khu vực rộng lớn hơn. Trong cuộc diễn tập chống khủng bố chung ngày 20-24/10 vừa qua, các binh sĩ Trung Quốc và Tajikistan đã tham gia trong một cuộc chiến giả định chống lại một nhóm khủng bố xâm nhập vào Tajikistan với nhiệm vụ nhằm gây bất ổn khu vực Tân Cương. Bộ trưởng Quốc phòng Tajikistan, Tướng Sharali Mirzo cho rằng kinh nghiệm chung trong việc hỗ trợ song phương này sẽ có hậu quả tích cực lâu dài đối với các lực lượng vũ trang của 2 nước và khả năng của họ trong việc phối hợp cùng nhau trong tương lai.

Nhiều quốc gia như Tajikistan, vốn đang phải hứng chịu những vấn đề kinh tế xã hội trầm trọng, ủng hộ mạnh mẽ việc thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Không giống như Nga, nước đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc “hào phóng” hơn trong việc đầu từ xây dựng cơ sở hạ tầng vào khu vực này. Và về mặt viện trợ quân sự, Trung Quốc đã chi 15 tỷ USD để xây dựng các căn hộ cho những sĩ quan quân đội ở Dushanbe. Bắc Kinh cũng đã đồng ý sẽ xây dựng các cơ sở quân sự mới cho lực lượng biên phòng Tajikistan. So với hàng trăm triệu USD mà Nga đã viện trợ quân sự cho Tajikistan trong nhiều năm qua, sự viện trợ của Trung Quốc là khá nhỏ, nhưng nó rõ ràng là sự khởi đầu cho một lĩnh vực hợp tác mới.

Tuy nhiên, Nga lại khá im lặng liên quan đến những sáng kiến trong lĩnh vực quân sự của Trumg Quốc ở Trung Á. Có lẽ, Nga cho rằng mục tiêu chính của Trung Quốc chỉ đơn giản là bảo đảm an ninh cho các dự án cơ sở hạ tầng trị giá nhiều tỷ USD theo sáng kiến Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa và chống khủng bố quốc tế của Bắc Kinh. Tuy nhiên, trên thực tế, có khả năng là Bắc Kinh đang tiến hành các bước chuẩn bị cho tình huống: Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) do Nga dẫn đầu - mà Tajikistan cuối cùng có thể tham gia – sẽ khiến khu vực ngừng hợp tác với Trung Quốc về kinh tế. Dù bằng cách nào, liên minh quân sự Trung Quốc-Tajikistan-Pakistan-Afghanistan có thể sẽ là một bước đệm cho sự mở rộng quân sự tương lai của Bắc Kinh trong khu vực. Như vậy, nó có thể phục vụ như là một đòn bẩy dài hạn cho Trung Quốc để làm giảm sự ảnh hưởng chung của Nga tại Trung Á.

Công Thuận
Nga, Trung Quốc phủ quyết Nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Aleppo
Nga, Trung Quốc phủ quyết Nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Aleppo

Ngày 5/12, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi ngừng bắn bảy ngày ở thành phố Aleppo, miền Bắc Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN