Trung Đông chìm đắm trong cuộc chiến khu vực

Hiện nay, cuộc chiến tại Syria dường như đã chuyển sang Iraq và những nước lớn trong khu vực đang cố ý đẩy các sự kiện thành một cuộc xung đột mà có thể biến một cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực thành một trận chiến với sự tham gia trực tiếp của nhiều quốc gia.

 

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (thường được gọi là ISIL và gần đây là IS) hiện kiểm soát một khu vực rộng lớn thuộc cả Syria và Iraq, được bao quanh bởi các quốc gia vốn trước đây ủng hộ nhóm này. Những liên minh cũ đang bị thử thách khi mà Syria và Iran hỗ trợ chính phủ Iraq chống lại ISIL, trong khi đó Mỹ, Israel và các đế chế quân chủ vùng Vịnh đang nhận thấy liên minh không chính thức của họ phải gánh chịu những căng thẳng do áp lực của những nghịch lý. Ví dụ, Mỹ được cho là đang tiến hành cuộc chiến chống khủng bố nhưng đã hình thành một liên minh quân sự không chính thức với ISIL và các nhóm khác có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda ở Syria do tất cả những nhóm này đang tích cực tham gia vào cuộc chiến chống lại chính phủ Syria.

 

Phiến quân ISIL tại một vị trí ở tỉnh Salaheddin, Iraq, ngày 14/6.Ảnh:AFP/TTXVN


Khi ISIL tiến hành xâm lược Iraq, chính phủ các nước Syria và Iran đã ngay lập tức đề xuất hỗ trợ Baghdad, trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chần chừ. Sau đó, thật lạ lùng là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã "cảnh báo" Syria về các cuộc không kích của nước này nhằm vào ISIL ở Iraq. Lời cảnh báo của ông Kerry cũng có ý nghĩa đối với Iran - nước đang bị cuốn sâu vào cuộc chiến hai quốc gia mà hiện nay đang đe dọa các khu vực biên giới của Iran.


Trong khi Iraq, Syria và Iran bận rộn đối phó với ISIL, Mỹ và đồng minh Israel vẫn tiếp tục cuộc chiến chống Syria, một cuộc chiến đã đem lại sức sống mới cho ISIL. Iraq "cầu xin" ông Obama cung cấp các máy bay chiến đấu như đã hứa hẹn để chống lại ISIL, nhưng đổi lại ông Obama đã lựa chọn giải pháp cung cấp viện trợ quân sự bổ sung trị giá 500 triệu USD cho các nhóm nổi dậy ở Syria được Washington hậu thuẫn. Tuy nhiên, các nhóm nổi dậy này đã hoàn toàn bị những kẻ cực đoan Hồi giáo chi phối trong ít nhất hai năm.

Về phần mình, Israel cũng phớt lờ ISIL và thay vào đó đánh bom 9 mục tiêu quân sự của Syria. Năm ngoái, những lần dội bom của Israel nhằm vào Syria nhiều hơn hẳn so với các mục tiêu của ISIL hay các nhóm có liên hệ với al-Qaeda ở Syria. Tất cả những điều này cho thấy một cuộc chiến khu vực thực ra đã được hình thành, nhưng các phương tiện truyền thông đang cố tình phớt lờ hoặc giảm nhẹ nó.


Do Mỹ ưa thích việc tài trợ cho những kẻ cực đoan Hồi giáo ở Syria, Baghdad buộc phải yêu cầu và đã nhận được các máy bay chiến đấu từ Nga. Điều này sẽ tạo ra căng thẳng trong quan hệ giữa Iraq và Mỹ, bởi vì việc cho và nhận viện trợ quân sự lâu nay được coi là một phương thức quan trọng để các nước củng cố liên minh và tạo ảnh hưởng. Khi những nước nhận viện trợ quân sự tỏ ra bất tuân lệnh, những vũ khí và thiết bị quân sự sẽ bị giữ lại để gây áp lực.

Mỹ đang sử dụng mối đe dọa ISIL và vấn đề viện trợ quân sự để gây áp lực buộc Iraq từ bỏ Thủ tướng Nuri al-Maliki, mà thực chất là một hình thức thay đổi chế độ hợp pháp bằng một chế độ phù hợp hơn với các lợi ích của Mỹ trong việc chống lại Syria và Iran. Theo một số nguồn tin, ông Obama thực ra đã muốn thay thế ông Maliki kể từ khi Iraq từ chối tham gia cuộc chiến của Mỹ chống lại Syria. Khi mà cuộc chiến Syria-Iraq mở rộng thì lực hấp dẫn của nó đối với các nước xung quanh càng lớn - những nước không thể cưỡng lại những khoản lợi nhuận khổng lồ gắn liền với việc thảm sát thường dân.


Cuộc chiến tại Syria và Iraq đang thử thách khả năng phục hồi của các liên minh được thành lập cách đây hàng thập kỷ, thậm chí cả tương lai của một quốc gia dân tộc hiện đại vốn dựa trên nền tảng của luật pháp quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Hiện nay, các cuộc chiến khu vực ngày càng trở nên phổ biến và vấn đề biên giới lãnh thổ đã bị các nước lớn phớt lờ khi sử dụng vũ khí và tiền bạc để viện trợ cho các nhóm chiến binh chống lại các chính phủ.


Khắc Hiếu (Theo FNA, Iran)

Tăng cường  phòng chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông
Tăng cường phòng chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông

Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 9/2012 đến tháng 7/2014,đã có 826 ca nhiễm Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV); trong đó, có ít nhất 287 ca tử vong, tương đương khoảng 35% số ca bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN