Triển vọng của thỏa thuận đồn trú lực lượng Mỹ tại Philippines

Trang mạng "The Diplomat" ngày 11/12 đăng bài phân tích của Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) về triển vọng của thỏa thuận đồn trú lực lượng quân sự Mỹ tại Philippines. Theo ông, dù hai bên đều nóng lòng đạt được một thỏa thuận, song các cuộc đàm phán vẫn đang vấp phải rất nhiều rào cản.

Ngay sau bão Haiyan, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ nhanh chóng được triển khai tới Philippines.


Ngay sau khi siêu bão Haiyan tràn qua miền trung Philippines để lại hậu quả nặng nề, Mỹ đề nghị hỗ trợ cứu trợ thảm họa và cử lực lượng thủy quân lục chiến tới tức thì. Trong cuộc họp báo hôm 25/11, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố phản ứng nhanh nhạy của Mỹ chứng minh sự cần thiết phải sớm kết thúc thỏa thuận mới liên quan đến sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines. Một tuần sau đó, ông Rosario phát biểu: “Chúng tôi trông đợi sẽ thảo luận những vấn đề còn tồn tại và cuối cùng thỏa thuận sẽ được ký kết”.

Hiện lực lượng Mỹ đang đồn trú luân phiên tại Philippines theo các điều khoản trong Thỏa thuận lực lượng thăm viếng năm 1999. Theo đó, khoảng 500 đến 600 lính Mỹ sẽ đồn trú ở miền nam Philippines và quân nhân Mỹ sẽ tham gia ba cuộc diễn tập chung lớn hàng năm là Balikatan, CARAT và Phiblex.

Cuộc diễn tập Balikatan lần thứ 29 đã diễn ra vào tháng 4 vừa qua với trọng tâm hỗ trợ thảm họa/cứu trợ nhân đạo (HA/DR). Khoảng 30 máy bay Mỹ, trong đó có một phi đội F-18, ba tàu hải quân và 8.000 lính Philippines và Mỹ đã tham gia cuộc diễn tập.

Trong tuyên bố mở màn cuộc tập trận, Ngoại trưởng Rosario cho rằng Philippines cầm đảm bảo an ninh biên giới và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Theo ông, Balikatan không chỉ là sự đóng góp quan trọng cho việc chuẩn bị để lực lượng vũ trang Mỹ và Philippines cùng phối hợp mà còn là để xây dựng năng lực tự vệ của Philiipines.

Ông cho biết thêm điều quan trọng với Philippines là phải có thêm sự hiện diện luân phiên của lực lượng Mỹ trong cả năm chứ không phải chỉ trong các cuộc diễn tập theo kế hoạch. Khi căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên hồi tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin tuyên bố Philippines sẵn sàng cho phép lực lượng Mỹ sử dụng các căn cứ Philippines trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Theo hai quan chức này, Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước có tính tương hỗ, với việc Mỹ bảo vệ Philippines còn Manila có trách nhiệm hỗ trợ Mỹ.

Kể từ sau cuộc tập trận Balikatan 2013, đã diễn ra 4 vòng đàm phán song phương về thỏa thuận khung tăng cường sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ tại Philippines. Tại vòng đàm phán đầu tiên ở Manila vào ngày 13 - 14/8, hai bên tập trung thảo luận về một hiệp định chi tiết cho sự tăng cường hiện diện luân phiên tạm thời, liên quan đến tàu, máy bay, lực lượng lính thủy đánh bộ và việc sử dụng các cơ sở quân sự của Philippines, trong đó có Vịnh Subic.

Ngay sau vòng đầu tiên, trong một diễn biến đáng kể, Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, và Tướng Emmanuel Bautista, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, đã ra Tuyên bố về triển vọng hợp tác an ninh giữa hai nước trong cuộc gặp tại Washington.

Tuyên bố có đoạn viết: “Chúng tôi trông đợi một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, cân bằng và được xây dựng nhanh chóng… (thông qua) các cuộc diễn tập và chiến dịch quân sự song phương cùng chung lợi ích và được củng cố bằng việc tăng cường hiện diện luân phiên và tạm thời của lực lượng quân đội Mỹ tại các cơ sở mà Lực lượng Vũ trang Philippines quản lí”.

Về tranh chấp trên biển, hai bên cho rằng cần phải giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp và trên các diễn đàn đa phương như ASEAN. Philippines và Mỹ nhất trí có chung quan điểm “đảm bảo tự do hàng hải và cùng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước”.

Vòng đàm phán song phương thứ hai diễn ra ở Manila vào ngày 29/8 trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Nội dung chính được thảo luận là thời hạn của thỏa thuận. Trong khi phía Mỹ gợi ý về thời hạn từ 10 - 20 năm thì phía Philippines lại muốn thời hạn ngắn hơn.

Vòng đàm phán thứ ba được tổ chức tại Washington từ ngày 13 - 18/9. Hai bên được cho là đã thảo luận về 5 điểm trong dự thảo thỏa thuận khung, gồm quy mô; các cơ sở lực lượng vũ trang Philippines đồng ý cho Mỹ sử dụng; vị trí triển khai các thiết bị quân sự và khí tài quân sự; quyền sở hữu; và an ninh.

Tại vòng đàm phán thứ tư, diễn ra hôm 3/10, các cuộc thương thảo đã nhanh chóng rơi vào bế tắc liên quan đến vấn đề quyền tiếp cận của Philippines đối với các cơ sở tạm thời mà phía Mỹ xây dựng để hỗ trợ lực lượng luân phiên và việc sử dụng chung khí tài quân sự Mỹ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin, bế tắc là do phía Mỹ phản đối Philippines kiểm soát và tiếp cận các cơ sở tạm thời này. Ông nói: “Chúng tôi muốn được tiếp cận (các cơ sở tạm thời do Mỹ xây)”.

Tuy nhiên, nếu vòng đàm phán song phương thứ năm thành công, nhiều khả năng sự hiện diện luân phiên của Mỹ tại Philippines sẽ được tăng cường rõ ràng trong năm 2014. Ở thời điểm hiện tại, cả hai nước đang lên kế hoạch cho cuộc diễn tập Balikatan 2014.


Mạnh Hùng
Lựa chọn cuối cùng của Philippines giải quyết tranh chấp với Trung Quốc
Lựa chọn cuối cùng của Philippines giải quyết tranh chấp với Trung Quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario ngày 4/12 cho biết lựa chọn cuối cùng đối với Philippines nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là thông qua trọng tài.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN