Tổng thống Donald Trump cầm quyền chưa đầy 5 tháng, Mỹ bỏ hai ‘cuộc chơi’ lớn

Kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/1 tới nay, ông Donald Trump đã quyết định đưa Mỹ rời bỏ hai “cuộc chơi” lớn. Dù quyết định của Tổng thống Donald Trump nhất quán với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” nhưng có thể ảnh hưởng mạnh tới vị thế của Mỹ trên toàn cầu.

Từ TPP tới Hiệp định Paris

Ngày 23/1, ngày đầu tiên chính thức làm việc tại Nhà Trắng với tư cách tổng thống, ông Donald Trump đã đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền tiền nhiệm đã đàm phán thành công cùng 11 nước châu Á – Thái Bình Dương.
Sắc lệnh chỉ thị cho các quan chức Mỹ rút khỏi TPP – một thỏa thuận thương mại tự do lớn mà các đoàn đàm phán 11 quốc gia mất 10 năm mới hoàn tất.

Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hai hiệp định lớn. Ảnh: AFP/TTXVN

Được đánh giá là hiệp định thương mại lớn nhất trong 20 năm, TPP theo kế hoạch ban đầu sẽ có sự tham gia của Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các nước này chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai ủng hộ TPP để đưa hàng hóa Mỹ thâm nhập các thị trường châu Á và tạo ra khối thương mại đối trọng với Trung Quốc.

Trong khi đó, phản đối TPP là một trong những cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump. Cá nhân ông gọi hiệp định thương mại này là một “thảm họa tiềm ẩn” với nước Mỹ, cướp đi công ăn việc làm của công nhân Mỹ. Thay vì TPP, ông Trump thích phương án thực hiện các thỏa thuận song phương với từng thành viên của hiệp định này.

Phát biểu với phóng viên tại phòng Bầu dục khi ký sắc lệnh, Tổng thống Trump nói: “Điều chúng ta vừa làm là điều tuyệt với với công nhân nước Mỹ”.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump đã khiến các nước thành viên TPP thất vọng nhưng không dập tắt được quyết tâm theo đuổi TPP của 11 nước còn lại. Nhật Bản và New Zealand là hai nước dẫn đầu trong nỗ lực hướng tới một TPP không có Mỹ.

Gần 5 tháng sau, Tổng thống Donald Trump lại làm nóng dư luận quốc tế khi quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ngày 1/6, phát biểu từ Nhà Trắng, ông Trump cho biết: “Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả bảo vệ đất nước và người dân Mỹ, tôi quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu”.

Tuy nhiên, ông Trump khẳng định Mỹ sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tham gia một thỏa thuận khác công bằng hơn đối với nước Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là một trong những cam kết tranh cử quan trọng của Tổng thống Donald Trump. Nhà Trắng coi đây là “một hiệp định tồi” vì cho rằng hiệp định này bất công đối với Mỹ, góp phần cướp công ăn việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ. 

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, mà cựu Tổng thống Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn bản quốc tế nhận được sự tham gia mạnh mẽ và đông đảo như vậy, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu.

Mỹ trao chìa khóa ô tô cho Trung Quốc?

Việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hai “cuộc chơi” lớn nói trên không khiến dư luận ngạc nhiên vì đó là những cam kết khi ông tranh cử tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, rời khỏi hai hiệp định quan trọng khiến Mỹ vô tình nhường lại quyền quyết định cho Trung Quốc trong những vấn đề quan trọng. Sau hai quyết định của Tổng thống Donald Trump, các nhà phân tích đều nhìn nhận người thắng cuộc ở đây chính là Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở West Palm Beach, bang Florida, Mỹ ngày 7/4. Ảnh: THX/TTXVN

Về TPP, theo bình luận của CNN, việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP là hành động “trao chìa khóa ô tô và đổ đầy xăng miễn phí” cho Trung Quốc, rồi mở toang cánh cửa cho Trung Quốc thúc đẩy thương hiệu thương mại trong một khu vực có nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Ông Edward Alden, thành viên cấp cao Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định: “Ông Trump đã đơn phương trao cho Trung Quốc một đòn bẩy khổng lồ”.

Còn thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói: “Điều này sẽ tạo không gian mở cho Trung Quốc viết lại quy tắc kinh tế mà công nhân Mỹ phải trả giá”. Cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng nói: “Chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc soạn quy tắc kinh tế toàn cầu. Chúng ta cần viết các quy tắc này”.

Trung Quốc trong khi đó đã thúc đẩy một thỏa thuận thương mại riêng mang tên Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Thỏa thuận này gồm nhiều quốc gia như Nhật Bản, Australia – những nước cũng thuộc TPP.

Nếu RCEP thành công, Trung Quốc sẽ ở một vị thế mạnh hơn để dẫn đầu khu vực thương mại tự do rộng lớn hơn trong tương lai. Trung Quốc còn hoan nghênh cả các quốc gia Mỹ Latinh tham gia RCEP.


Trong khi đó, bản thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tuyên bố Trung Quốc sẽ bảo vệ toàn cầu hóa trước những thế lực dân túy muốn chấm dứt thương mại tự do.

Tương tự với Hiệp định Paris, Tổng thống Donald Trump cũng vừa trao một chiếc "chìa khóa ô tô" khác cho Trung Quốc. Theo bình luận của trang Vox (Mỹ), quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris đã gây giận dữ và lo lắng trên toàn thế giới, trừ một ngoại lệ quan trọng: Trung Quốc.

Khi Mỹ rời bỏ vai trò nhà lãnh đạo trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc đã sẵn sàng bước vào để lấp chỗ trống, có lợi cả về mặt ngoại giao và kinh tế.

Theo Vox, khi Mỹ bỏ đi thì uy tín của Trung Quốc trong vấn đề khí hậu sẽ chỉ có tăng lên. Trung Quốc có thể trở nên gần gũi hơn với các đồng minh của Mỹ - những nước cảm thấy bị bỏ rơi sau một số động thái của ông Trump.

Ông Alex Wang, giáo sư luật môi trường thuộc Đại học California, Los Angeles nhận định: “Khi Mỹ phá bỏ các quan hệ này, Trung Quốc, vốn dè dặt hơn trong quan hệ quốc tế, sẽ xây dựng các mối quan hẹ đó với tốc độ rất nhanh. Khi Mỹ mất thiện chí, Trung Quốc sẽ xây dựng điều đó”.

Việc đảo lộn trật tự thế giới sau tuyên bố của Mỹ có thể thấy ngay lập tức khi các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc và châu Âu đã chỉ trích Mỹ vì rút khỏi Hiệp định Paris. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là sự đồng thuận toàn cầu, đồng thời cam kết Trung Quốc sẽ tuân thủ Hiệp định Paris. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Sự hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là về công nghệ mới’.

Theo Vox, nếu châu Âu và Trung Quốc thực sự có thể gần gũi hơn khi phối hợp về biến đổi khí hậu thì hai bên có thể xây dựng mối quan hệ tốt hơn để giải quyết các xung đột về thương mại.

Như vậy, hai cuộc chơi lớn là thương mại tự do và chống biến đổi khí hậu giờ đây đã vắng bóng Mỹ, ít nhất là tới khi nào ông Donald Trump vẫn làm tổng thống.

Thùy Dương/Báo Tin Tức
Cặp anh em tỷ phú Mỹ đứng sau quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của Nhà Trắng?
Cặp anh em tỷ phú Mỹ đứng sau quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của Nhà Trắng?

Bộ đôi anh em tỷ phú dầu mỏ Koch được cho là người đứng đằng sau thao túng đảng Cộng hòa, dẫn đến quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đầy tranh cãi của chính phủ Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN