Toan tính của AL trong chiến dịch can thiệp vào Libi

Trong tạp chí phân tích tháng 3/2011 của Viện An ninh Quốc phòng Hoàng gia Anh, tiến sỹ David Roberts - Phó Giám đốc Văn phòng đại diện của viện này tại Cata - đã đưa ra những đánh giá về toan tính của Liên đoàn Arập (AL) trong việc ủng hộ phương Tây can thiệp quân sự vào Libi cũng như động cơ của việc Cata và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tham gia "sâu hơn" vào chiến dịch quân sự này.

Tổng thư ký Liên đoàn Arập Amr Mussa (trái) và Ngoại trưởng Ôman Youssef Ben Alaoui trước phiên họp phiên bất thường tại Cairô ngày 12/3. AFP/TTXVN


Ngày 12/3, AL đã hủy bỏ quy chế thành viên của Libi và bỏ phiếu ủng hộ hành động quân sự do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn chống lại Libi dưới hình thức thiết lập vùng cấm bay. Thực tế, việc các quốc gia Arập cùng nhau ủng hộ bất kỳ hình thức nào của chiến dịch quân sự quốc tế chống lại một nước Arập thành viên là điều thực sự hiếm từ trước tới nay. Nguyên nhân chính để AL ủng hộ một hình thức can thiệp hay can dự được lý giải là sự cần thiết phải "bảo vệ dân thường".

Tuy nhiên, đây không phải là lời giải thích đầy đủ. Lý do thực sự có lẽ là khi các phương tiện truyền thông khu vực và quốc tế tập trung vào việc các máy bay Libi bị bắn hạ, hay các tên lửa Tomahawk được bắn đi từ các tàu chiến phương Tây ngoài khơi Libi, thì dư luận sẽ ít tập trung hơn vào các cuộc xung đột đang sôi sục trong khu vực. Chẳng hạn, do Arập Xêút bỏ phiếu ủng hộ hành động can thiệp vào Libi nên truyền thông sẽ ít chú ý tới các cuộc biểu tình lác đác diễn ra ở nước này cũng như sự can dự của quốc gia này vào Baranh.

Hơn nữa, vào thời điểm khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi náo loạn, đây sẽ được coi là cơ hội "vàng" để các nhà lãnh đạo - vốn đang lo lắng về lợi ích của chính mình - thể hiện rằng họ hiểu tâm trạng của dân chúng và sẵn sàng chống lại mọi hành động bất công.

Dư luận ban đầu cho rằng các quốc gia Arập sẽ không trực tiếp tham gia chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, ngược với những phán đoán ban đầu, Cata và UAE lại nổi lên là các quốc gia Arập đi đầu trong việc ủng hộ áp đặt vùng cấm bay tại Libi. Giới phân tích cho rằng Cata sẽ ủng hộ các nỗ lực áp đặt vùng cấm bay bằng cách cho phép Mỹ sử dụng Bộ Chỉ huy Trung tâm đặt gần Đôha để giám sát các chiến dịch. Tuy nhiên, giờ đây Cata lại quyết định đóng góp 6 máy bay phản lực chiến đấu Mirage-2000 và 2 máy bay vận tải. UAE cũng đóng góp 12 máy bay F-16 và 12 máy bay Mirage để tấn công vào các mục tiêu của Libi.

Về lý thuyết, việc UAE muốn tham gia chiến dịch quân sự chống Libi có thể dễ hiểu hơn. Trong những năm gần đây, UAE đã chi hàng chục nghìn tỷ USD nhập khẩu các loại vũ khí từ phương Tây. Từ năm 2006-2010, UAE chiếm gần 1/4 tổng số thỏa thuận vũ khí chính tại Trung Đông. Với vị trí chiến lược của UAE, sẽ là hợp lý khi cho rằng các loại vũ khí này được mua để phục vụ cho các mục tiêu phòng vệ. Vì thế, ngoài việc ồ ạt mua sắm vũ khí, việc thể hiện thực lực của mình thông qua việc tham gia chiến dịch can dự quân sự vào Libi cũng góp phần nâng cao thực lực răn đe của UAE.

Ngược lại, an ninh của Cata lại không dựa trên giá trị răn đe của quân đội nước này mà dựa trên sự có mặt của Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ. Dù vậy, với việc đưa máy bay tới Libi, Cata cũng khẳng định mình vẫn đang theo đuổi chính sách mặc định của 15 năm qua, đó là nỗ lực tìm kiếm sự nổi bật trên trường quốc tế. Chắc chắn, đây là lần đầu tiên Cata sử dụng "sức mạnh cứng" bởi nước này từ trước tới nay chủ yếu tập trung vào các biện pháp mềm dẻo hơn nhiều.

Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)

Anh kêu gọi mở rộng liên minh chống Libi
Anh kêu gọi mở rộng liên minh chống Libi

*Angiêri từ chối cho liên quân sử dụng không phận Ngày 29/3, Thủ tướng Anh David Cameron nói với các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp rằng hội nghị về Libi diễn ra hôm nay tại Luân Đôn cần "mở rộng liên minh" những nước cam kết thực thi các nghị quyết của LHQ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN