Tên lửa xuyên lục địa Minuteman III là đòn cảnh báo mạnh mẽ của Mỹ với Triều Tiên?

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III của Mỹ được cho là phô diễn sức mạnh trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Bán đảo Triều Tiên.

Hình ảnh một vụ phóng thử tên lửa Minuteman III của Mỹ. Ảnh: Military.com

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko – Giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ trang Thế giới (CAWAT) nhận xét: “Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III được coi là một công cụ phòng thủ chiến lược cũng như cho thấy sự sẵn sàng từ phía Mỹ trước đòn tấn công của kẻ địch. Hàng năm, Mỹ đều phóng các loại tên lửa đạn đạo từ biển và đất liền để khẳng định sức mạnh lực lượng hạt nhân chiến lược cũng như nhằm đánh giá khả năng kỹ thuật của các loại tên lửa đó. Những vụ thử tên lửa như thế này được các nước thành viên trong câu lạc bộ hạt nhân như Mỹ, Nga tiến hành thường xuyên”.

Mặc dù Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu thuộc Không quân Mỹ khăng khăng cho rằng vụ thử tên lửa sắp tới không dính dáng gì đến căng thẳng đang leo thang trên Bán đảo Triều Tiên song chuyên gia Igor nghi ngờ tuyên bố đó không hoàn toàn đúng. Ông tin rằng có một “yếu tố chính trị - quân sự nào đó” trong lần phóng thử tên lửa ICBM này.

Ông Igor khẳng định: “Với lần phóng thử này, rõ ràng xuất hiện yếu tố chính trị - quân sự, trong bối cảnh Mỹ vẫn tiếp tục huy động lực lượng của mình vây quanh Triều Tiên. Chính vì vậy, tại thời điểm này, vụ phóng tên lửa đạn đạo có thể được coi là đòn gây sức ép chính trị và quân sự tới Bình Nhưỡng”.

Trước đó, giới chức quân sự Mỹ cho biết, một quả tên lửa Minuteman III không trang bị đầu đạn hạt nhân sẽ được phóng đi từ căn cứ không quân North Vandenberg tại California vào ngày 26/4 (giờ địa phương).

Hiện nhóm tàu tấn công của Mỹ do tàu sân bay USS Carl Vinson làm chủ lực đang hướng về Triều Tiên giữa bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.

Hãng tin AP dẫn nguồn từ Hải quân Mỹ cho biết các chiến đấu cơ thuộc nhóm tàu sân bay này đã tham gia cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) ở vùng biển phía Nam Nhật Bản, trong khi đó tàu ngầm hạt nhân USS Michigan cũng đã cập cảng Busan (Hàn Quốc), mang theo hơn 150 tên lửa hành trình Tomahawk.

Bình luận về tình hình khu vực, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo về việc tiến hành biện pháp quân sự trong việc giải quyết khủng hoảng Triều Tiên. Ngoại trưởng Lavrov nhận định: “Rõ ràng việc tiếp cận theo lối độc đoán sẽ dẫn đến các hậu quả thảm khốc cho Bán đảo Triều Tiên và cả vùng Đông Bắc Á”.


Moskva không phải là nhân tố địa chính trị duy nhất lo lắng về tình hình leo thang căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên.

Ngày 26/4 vừa qua, tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc được gọi là Type – A001 đã được hạ thủy tại cảng Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh), phía Bắc Trung Quốc, giáp với biên giới Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, không phải là ngẫu nhiên mà Bắc Kinh hạ thủy tàu sân bay ngay gần Triều Tiên trong khi nhóm tàu tiến công của Mỹ do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đang hướng về Triều Tiên, tham gia tập trận cùng tàu USS Michigan và Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu thuộc Không quân Mỹ chuẩn bị tiến hành phóng thử ICBM.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Mỹ can thiệp mạng khiến tên lửa đạn đạo Triều Tiên nổ tung?
Mỹ can thiệp mạng khiến tên lửa đạn đạo Triều Tiên nổ tung?

Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngày 29/4 nổ tung sau khi rời bệ phóng vài chục km làm dấy lên nghi ngờ về việc Mỹ tiến hành can thiệp mạng khiến nỗ lực thử tên lửa của quốc gia Đông Bắc Á này thất bại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN