Thời của các nền kinh tế mới nổi đã đến?

Các nền kinh tế mới nổi đang gia tăng sức nặng về kinh tế và họ đã biết sử dụng sức nặng này gây ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị đối với phần còn lại của thế giới.

Ngày 29/7/2011, số liệu công bố về GDP của Mỹ cho thấy ở thời điểm quý II/2011 còn thấp hơn thời điểm vào cuối năm 2007. Câu chuyện của nước Mỹ cũng giống với nhiều quốc gia giàu có khác trong thế giới phát triển. Trong khi đó, ở cùng thời kỳ trên, tổng sản lượng của các quốc gia mới nổi đã tăng gần 20%. Những lo ngại suy thoái kinh tế ở các quốc gia giàu có hiện nay rõ ràng đang đẩy nhanh quá trình chuyển sức mạnh kinh tế toàn cầu sang các thị trường mới nổi. Nhưng chính xác quy mô các nền kinh tế mới nổi lớn mạnh đến mức nào và mức độ gia tăng ảnh hưởng của họ đối với nền kinh tế toàn cầu ra sao? Tạp chí Nhà kinh tế (The Economist) đã có bài phân tích về vấn đề này như sau.

Lãnh đạo các nước thành viên G20 tại Hội nghị thượng đỉnh ở Xơun (Hàn Quốc) - tháng 11/2010. Ảnh: AFP/TTXVN


Trước hết, hãy làm rõ ranh giới giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Các tổ chức quốc tế xác định nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi khác nhau. Tuy nhiên, để phản ánh sự thay đổi thực sự về sức mạnh của các nền kinh tế mới nổi, chúng ta sẽ sử dụng danh sách mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xác định trước năm 1997 về các nền kinh tế mới nổi và phát triển. Trong đó, thế giới phát triển gồm các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - chủ yếu là các quốc gia phát triển ở châu Âu, Mỹ, Canađa, Ôxtrâylia, tất cả các quốc gia còn lại, gồm cả các nền kinh tế công nghiệp mới ở châu Á như Hàn Quốc, được tính vào nhóm nền kinh tế mới nổi.

Tốc độ thần kỳ

Năm 2010, tổng sản lượng của các nền kinh tế mới nổi chiếm tới 38% GDP toàn cầu (tính theo tỷ giá thị trường), tăng gấp đôi so với năm 1990. Thực tế, nếu GDP được tính theo sức mua tương đương, các nền kinh tế mới nổi đã vượt qua thế giới phát triển năm 2008 và có thể đã chiếm 54% GDP của thế giới trong năm nay. Ấn tượng hơn là các nền kinh tế mới nổi đã chiếm 3/4 tăng trưởng GDP toàn cầu trong thập kỷ qua.

Một phân tích của tạp chí Nhà kinh tế cho thấy, các nền kinh tế mới nổi còn vượt thế giới phát triển ở nhiều chỉ số khác. Năm 2010, xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi đã vượt 50% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, tăng 27% so với năm 1990. Thu nhập ở các quốc gia này tăng cao khiến lượng nhập khẩu cũng nhiều hơn, chiếm tới 47% nhập khẩu toàn cầu.

Các nền kinh tế mới nổi cũng dẫn trước các nền kinh tế phát triển trong việc thu hút hơn 50% lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu. Các công ty nước ngoài ngày càng bị cám dỗ bởi sức tiêu thụ nội địa tăng nhanh cũng như giá lao động rẻ ở các nền kinh tế mới nổi. Tuy tỷ lệ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài có vẻ khiêm tốn hơn (29%) nhưng đang gia tăng nhanh chóng một phần nhờ nguồn lực tài chính hùng mạnh của Trung Quốc.

Một góc thành phố Thượng Hải của Trung Quốc - Đầu tàu tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Ảnh: Internet


Các thị trường mới nổi thực sự thống trị thế giới trong việc tiêu thụ các nguồn nguyên liệu thô. Các nước này tiêu thụ tới 60% nguồn năng lượng, 65% lượng đồng, 75% lượng sắt của thế giới. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ này của các quốc gia mới nổi sẽ còn tăng khi các thị trường này dù đã tiêu thụ 55% lượng dầu thế giới nhưng tính bình quân đầu người thì chưa bằng 1/5 so với thế giới phát triển.

Về thương mại và tài chính, dù tốc độ tăng trưởng còn chưa tương xứng với tiềm năng của họ nhưng tốc độ tăng cũng rất nhanh. Gần 1/4 các công ty trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới về doanh thu của tạp chí Fortune Global đến từ các thị trường mới nổi, trong khi con số này năm 1995 chỉ chiếm 4%. Tỷ lệ vốn hóa của thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế này cũng tăng vọt, chiếm 35% thị phần của thế giới, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2000. Các nền kinh tế này nắm giữ tới 81% dự trữ hối đoái chính phủ của thế giới, tuy nhiên, sự giàu có trong khu vực tư nhân vẫn chủ yếu ở các nước giàu. Jonathan Anderson, nhà kinh tế của Ngân hàng UBS, ước tính các thị trường mới nổi nắm giữ khoảng 1/4 tài sản tài chính toàn cầu (tiền, chứng khoán và trái phiếu), gấp đôi lượng nắm giữ cách đây 10 năm.

Một chỉ số đáng quan tâm là nợ công của các nền kinh tế mới nổi lại rất thấp, không “đầm đìa” như các "ông lớn" Mỹ, Nhật Bản, Italia… Các nền kinh tế mới nổi hiện nay chỉ chịu trách nhiệm khoảng 17% tổng số nợ công chính phủ toàn cầu. Trung Quốc thậm chí còn là chủ nợ của thế giới phát triển.

Bức tranh kinh tế dài hạn của các nền kinh tế mới nổi vẫn rất sáng sủa với nợ công ít hơn, lợi thế lớn về dân số và tiềm năng lớn để nâng cao năng suất lao động. Trong nhóm các nước thuộc nền kinh tế mới nổi, khối BRIC (Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) được xem là những nước có quy mô kinh tế lớn nhất. Chiếm 1/4 diện tích và hơn 40% dân số thế giới cùng với tốc độ phát triển nhanh như những năm vừa qua, Goldman Sachs dự báo tới năm 2050, quy mô nền kinh tế của 4 nước này cộng lại có thể vượt tổng quy mô của tất cả các nền kinh tế phát triển hiện nay.

Gia tăng ảnh hưởng

Với sức nặng kinh tế ngày càng gia tăng của mình, các quốc gia mới nổi đang ngày càng tạo ra những ảnh hưởng lớn cả về kinh tế lẫn chính trị đối với phần còn lại của thế giới.

Việc gia tăng ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi thể hiện rõ nét nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vừa qua. Để cứu nền kinh tế thế giới không lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008, các nước phát triển đã phải “cầu viện” tới các nền kinh tế mới nổi. Nhận thấy bản thân Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) không còn đủ khả năng dẫn dắt kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng và trước sức ép từ các nền kinh tế mới nổi, thế giới giàu có buộc phải chấp nhận sự ra đời của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). G20 thực tế bao gồm các quốc gia trong nhóm G7 và những nền kinh tế lớn trong các nền kinh tế mới nổi như Braxin, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Inđônêxia… G20 ra đời đã tạo ra một trật tự kinh tế thế giới mới trong đó G20 giữ vai trò như một ban lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, nhờ sự phục hồi nhanh sau khủng hoảng, các nền kinh tế mới nổi đã trở thành động lực, tạo đà cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Trong các tổ chức kinh tế quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nền kinh tế mới nổi cũng đã bắt đầu gia tăng ảnh hưởng. Thời gian qua, các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Braxin đã gia tăng sức ép, buộc các quốc gia phát triển phải chia sẻ thêm quyền nắm giữ cổ phần chi phối trong các tổ chức này. Từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước nắm giữ cổ phần lớn thứ 3 trong WB. Khác với trước đây, châu Âu và Mỹ giờ đây phải “xin ý kiến” các nền kinh tế mới nổi trước khi bổ nhiệm người đứng đầu IMF.

Với tốc độ thần kỳ của mình trong hai thập kỷ qua, các nền kinh tế mới nổi đã đạt được những bước tiến dài. Tuy nhiên, việc duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian dài đã tạo ra những mặt trái mà nếu không giải quyết hài hòa, một số nền kinh tế mới nổi có thể không vượt lên được chính mình. Từ năm 2010, rủi ro bong bóng kinh tế ở các nền kinh tế mới nổi tăng nhanh do dòng tiền nóng đổ vào các nền kinh tế này và giá bất động sản tăng. Điều này có thể dẫn tới áp lực lạm phát và tăng nguy cơ hình thành bong bóng tài sản. Việc tăng trưởng nhanh của các nền kinh tế này cũng tác động lớn đến tình trạng Trái đất ấm lên. Trung Quốc, Ấn Độ và Nga hiện nằm trong số những quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới. Ngoài ra, bất ổn xã hội trong nội tại các nền kinh tế này cũng gia tăng do bất bình đẳng về thu nhập, làm khoảng cách giàu nghèo gia tăng.

Dù sao chăng nữa, thời điểm này đang là thời của các nền kinh tế mới nổi. Nếu họ tiếp tục tận dụng được tiềm năng, duy trì được đà tăng trưởng nhanh, kết hợp giải quyết tốt mặt trái của quá trình tăng trưởng, chẳng bao lâu nữa các nền kinh tế này sẽ vượt lên và chi phối nền kinh tế thế giới.

Quang Tuyến

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN